Đại Hội và Hồi Tưởng 2

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Đại Hội và Hồi Tưởng 2

Post by maixuanthanh »

ĐẠI HỘI VÀ HỒI TƯỞNG 2

Đại hội Kỹ Sư Công Nghệ thế giới lần thứ 5 có số người tham dự đông đảo nhất, vui nhộn và thân tình nhất từ trước đến nay, đã diễn ra trong hai ngày 29 và 30-7-2011 tại Little Saigon, thủ đô của người Việt tị nạn ở California, Hoa Kỳ. “Đại Hội KSCN”, tiếng gọi thân ái của những người “áo xanh” một thời dưới mái trường thân yêu cũ. Người có điều kiện tham dự vui mừng hả hê khi gặp lại bạn đồng môn. Người không đến được nôn nóng chờ xong đại hội để xem hình ảnh những người bạn xưa. Đó là duyên và tình đồng môn Công Nghệ phải không bạn hiền ?

Kỳ này là lần hội ngộ thứ năm. Đại hội đầu tiên năm 2006, tôi đã hăm hở ghi tên tham dự, nhưng vào ngày chót lại bệnh nên không đi được. Thế rồi, lần lửa, mấy kỳ Đại hội sau này cũng không dự được vì nhiều nguyên do. Tôi tự an ủi là số tử vi của mình không có sao Thiên mã ở cung mạng như của sư huynh Giụ Hùng, nên đành chịu số hẩm hiu. Sau một đại hội, anh Giụ Hùng gởi hình lên Diễn đàn rất sớm cho anh em thưởng thức, và chắc tôi đoán không sai là khi gởi sớm như thế anh đã nghĩ đến tôi, và tôi thấy đỡ buồn lắm. Kỳ Đại hội này, xem hình trên Diễn đàn xong là nhận được DVD do anh Lê Quang Đức (CN15) trưởng ban tổ chức ĐH5 gởi cho. Xem xong, lòng tràn ngập nỗi vui, tôi đã gởi email cám ơn anh Đức và Ban Tổ chức cùng bày tỏ một vài cảm nghĩ khi xem những hình ảnh thật đẹp của sinh hoạt ĐH. Tôi đã tính, cứ mở DVD lên xem lại vài lần cho “đã”, từ từ “nhấm nháp” nỗi vui cho “phê” rồi sẽ viết một bài cho Diễn đàn, nhưng không ngờ anh Quản gia website “dacung” đã nhanh tay đăng email cám ơn của tôi lên phần “phóng sự” của Đại hội 5. “Từ giờ, cứ một năm đi chơi rồi một năm đại hội”. Nguyễn Hùng Quân (CN17), người MC đại tài, độc quyền cho KSCN, đã hùng hồn tuyên bố như thế trong ĐH 5. Anh em ơi ! sau bao năm ly tán, bây giờ hội ngộ, cứ đi chơi, cứ đại hội đông vui mỗi năm thì còn muốn gì hơn nữa ! Trong một email mới nhất, sư huynh Giụ Hùng nhắc nhớ là cuộc hội ngộ hôm nay là nhờ công “khai sơn phá thạch” của anh Nguyễn Đắc Ứng (CN13), quản gia của “kysucongnghe.net”. Tôi đồng ý ngay với anh Giụ Hùng về công lao của người anh em luôn “sắp sẵn”, tác phong của một huynh trưởng Hướng Đạo VN ngày nào. Và việc đăng lại email của tôi cũng là một sự vun đắp cho ân tình Công Nghệ. Anh Quản gia ơi ! Anh đã làm cho tôi cảm động và để đền đáp, tôi ngồi ngay vào bàn phím viết bài “Đại Hội và hồi tưởng 2” này, để gởi đến Quí Thầy Cô, huynh trưởng và các bạn những cảm xúc của một Công Nghệ lạc đàn khi xem những hình ảnh sống động của Đại hội để nhớ Thầy nhớ bạn và mong có ngày tái ngộ.

Trong Đại hội 5, hình ảnh gây ấn tượng sâu đậm nhất là 9 “phu nhân” Công Nghệ trong ban hợp ca mặc áo dài VN, bảy áo màu xanh thắm ở giữa và hai áo màu hồng tươi ở hai bên. Gọi là “phu nhân”, tôi đã tạm mượn chữ của người bạn đồng môn đa tài Phạm Văn Hiếu (CN18), người đến từ nước Pháp, đã dùng từ lịch sự hơn cả mấy ông . . . .Tây. Nói vậy chứ, thay vì “phu nhân”, tôi thích ba chữ “một nửa kia” hơn. Đây là một nhóm từ, theo tôi, đáng được cấp “môn bài” vì khi nói lên nghe chất chứa đầy tình tự dân tộc, đầy tình yêu đôi lứa gắn bó và thủy chung. Tôi đọc được ba chữ này lần đầu tiên trong bài “Đại hội 4 và du lịch Bắc Âu” trên Đặc San KSCN số 3 của Yến Chi, tự giới thiệu là “một nửa kia của Nguyễn Huy Động (CN13)”. Tôi được biết, chị Yến Chi mới cầm bút thôi. Bài viết vừa kể là bài thứ nhất và bài thứ hai là “Tết, ngày xưa còn bé” đã đăng trong Đặc San KSCN số 4. Chỉ mới hai bài thôi, nhưng đã chứng tỏ tài viết văn và đã gây hứng khởi cho Ban Biên tập và độc giả của Đặc san. Cho đến nay, Diễn đàn và Đặc san KSCN đã được nhiều “nửa kia Công Nghệ” góp sức, như Huyền Khuê, Hải Hà, dhth . . . . Sự góp mặt của các chị đã làm phong phú và khởi sắc cho sinh hoạt báo chí KSCN. Mong được thêm nhiều “nửa kia” tham gia để tờ báo và Diễn đàn của chúng ta mỗi ngày mỗi đẹp thêm.

“Nửa kia” trong trang phục áo dài truyền thống nhìn thấy mê thiệt ! Xinh tươi và trẻ trung. Tôi dám bảo là trẻ vì đã thử làm một bài tính nhẩm về tuổi tác cho hai cô ca sĩ để làm thí dụ vì thói quen của dân Công nghệ là suy đoán rồi tìm cách chứng minh ngay mới chịu. Như thế này nhé: tôi khoá 10, Nguyễn Công Đàm, CN11, thế nào cũng trẻ hơn tôi ít nhất 1 tuổi. Tương tự như thế, Nguyễn Huy Động, CN13, kém hơn 3 tuổi. Cứ theo lẽ thường, ta tính “nửa kia” nhỏ hơn “nửa này” 3 niên là tạm được, với sai số ít thôi. So với tuổi dự đoán, hai “cô Bắc kỳ” nhìn trẻ quá ! Đúng không ? Anh Đàm đã hồn nhiên giới thiệu “cô Bắc kỳ nho nhỏ” của mình rồi đấy. Còn “nửa kia” của chàng di cư Nguyễn Huy Động thì tôi mới dám chắc cũng là người Bắc, sau khi đọc bài “Tết, ngày xưa còn bé” chứ không dám võ đoán; vì như tôi đây dân rau muống mà có “một nửa kia” là giá sống. Cứ xem hình rồi đoán tuổi tác, trúng trật gì cũng vui mà ! Khi chưa được xem DVD, nhìn hình chụp ban hợp ca KSCN thấy “phe ta” đứng sau những người đẹp mà anh nào anh nấy mặt mày ủ rũ. Thấy tội nghiệp quá tôi mới hỏi cho biết thì được anh Trưởng ban tổ chức Đại hội trấn an là không sao cả, các nam ca sĩ của chúng ta “look serious” chỉ vì quá lo, mới tập dợt bài hát trước khi trình diễn không đầy một giờ, không biết ca cẩm ra sao ! Khi xem từ đầu đến cuối màn hợp ca bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” trong DVD thấy anh nào cũng hát hùng dũng ra phết. Chắc là xui, anh phó nhòm bấm máy đúng vào cái “sát na” anh em mình đang “lo ra mặt” thôi ! Nhân đây, kể luôn chuyện vui vui về ký ức của tôi với vài “khuôn mặt” khoá 13, không thôi tí nữa sẽ quên. Khi khoá 10 chúng tôi học năm cuối thì khoá 13 là em út. Siêu huynh trưởng Công Nghệ thời đó “oai” lắm chứ bộ ! Vì tính năng động và thân thiện (nói hay lăng xăng thì đúng hơn) tôi đã có nhiều kỷ niệm với bạn đồng môn. Cho đến nay, dù đã hơn bốn thập niên, khoá 13 có ba khuôn mặt tôi vẫn còn nhớ. Dĩ nhiên là vẻ mặt sẽ thay đổi theo cảm xúc tùy lúc, nhưng có chú ý thì sẽ nắm bắt được một vẻ khác lạ hoặc đặc biệt. Thời đó, người có khuôn mặt hồn nhiên với nụ cười thơ dại rất dễ thương là Hồ Truyền. Nguyễn Huy Động nhiều lúc mặt mày đăm chiêu, như đang suy tư, nghĩ ngợi. Còn Nguyễn Đắc Ứng, đôi khi thấy mặt mũi thẫn thờ, có vẻ như tiếc rẻ điều gì đấy. Thời nay, năm 2011, nhìn mặt của “Mạnh Thường Quân” Huy Động và Quản Gia “dacung” có lúc vẫn cứ như thế (!) Nếu không tin, hai bạn cứ xem lại những hình chụp đã đưa lên Diễn đàn thì biết. Còn Hồ Truyền, bây giờ khác hoàn toàn, vẻ mặt trẻ thơ đã bỏ lại nơi trường xưa, hình mới nhất mà tôi xem được chụp ở Singapore thấy bạn không còn vẻ vô tư mà trông mặt khó đăm đăm (!) Nếu có đọc những giòng chữ này đừng giận Truyền nhé. Kể cho vui. Thời đó, tôi quí mến bạn bao nhiêu thì nay vẫn thế. Cùng sống ở xứ Kangaroo, nhưng cách xa hơn 5000 cây số nên ít có dịp gặp nhau. Tiếc thật !

DVD Đại hội 5 có nhiều tiết mục độc đáo và hấp dẫn, tôi chỉ kể thêm một màn đặc biệt khác do “Mạnh Thường Quân” thứ hai Lê Hữu Luật Thao (CN16) tài trợ. Màn trình diễn múa bụng của các kiều nữ đến từ Thiên đàng hạ giới Hạ Uy Di đã lôi cuốn từ già cho đến trẻ. Người xem cũng mê luôn. Tôi khoái chí quá khi thấy các Đại Sư huynh của mình, như các anh Tân, Quang (CN1), anh Tân Vân (CN 2)...... đã hào hứng ra sàn nhảy. “Một nửa kia” của tôi, cùng xem DVD, cũng vỗ tay khen các anh ! Có chuyện này muốn hỏi riêng và hỏi nhỏ Luật Thao, chắc bạn biết. Mấy sợi dây cột những cặp gáo dừa làm bằng chất liệu gì mà dẻo dai thế không biết. Các cô vũ công lắc tưng bừng mà không suy suyển tí nào. Ngồi xem trố mắt hồi hộp, rồi sợ . . . . Sợ đứt dây, nhưng không có gì xảy ra. May quá Thao há (!)

Hình ảnh của anh chị Lê Thanh Tân Vân (CN2) làm tôi hồi tưởng một thời để nhớ, Xi Măng Hà Tiên. Tôi rất vui khi thấy anh còn khoẻ mạnh và phong độ lắm, và “người đẹp” đi bên anh vẫn không khác xưa. Những năm đầu của thập niên 70 là thời cực thịnh của Xi Măng Hà Tiên, là một trong vài cơ sở sản xuất kỹ nghệ có tầm vóc chiến lược của nền kinh tế phát triển thật ngoạn mục của VNCH. Một trong những điểm độc đáo của XMHT là hầu hết kỹ sư của nhà máy tốt nghiệp từ Phú Thọ, trong đó Công Nghệ có “quân số” áp đảo! Thêm một điều đặc biệt nữa là dân Công Nghệ “đầu quân” cho XMHT toàn là những khoá mang số chẵn như 2,4,6,8,10,12. Các Đại Sư huynh Công Nghệ nắm gần hết những vị trí chỉ huy như Giám Đốc hai nhà máy, Nha Tiếp liệu,Trang bị và Nha Thương mại. Anh Tân Vân là Giám đốc Tiếp liệu và Trang bị. Làm việc trong một nhà máy lớn, có năng suất cao và một hệ thống quản trị hoàn hảo, đàn em Công Nghệ đã làm việc hết mình trong nhiệm vụ được giao phó. Tôi nghĩ, các đại huynh trưởng đang giữ những vai trò chỉ huy chỉ đòi hỏi có thế thôi. Ngược lại, các anh đã đối xử với đàn em rất tử tế, thân tình và thưởng phạt công minh. Với những kỹ sư trẻ làm việc cần cù, cầu thăng tiến bằng chính năng lực và thành tích của mình thì như vậy là đẹp lắm rồi. Vì thế, bầu không khí làm việc ở XMHT tuy khẩn trương do nhu cầu sản xuất nhưng rất thoải mái.

Tham dự ĐH 5 kỳ này có cả hai KS Nghiệp, CN13. Trong đêm dạ tiệc chính, khi thấy đồng môn Trần Văn Nghiệp đứng lên tự giới thiệu tôi đã giật mình và nhớ ngay đến bào huynh của Nghiệp là huynh trưởng Trần Văn Thành (CN8). Anh Thành là xếp trực tiếp của tôi ở XMHT. Khi anh ngồi ghế Chánh sở tu bổ cơ khí thì tôi là Trưởng xưởng. Tính anh điềm đạm, ít nói, đôi khi lạnh lùng nên kỹ sư đàn em và thợ thuyền ít muốn gần gũi. Tuy vậy, giao tình giữa anh và tôi không có gì khúc mắc vì anh đã tin tưởng tôi trong công việc. Nói về hai chức vụ Chánh sở và Trưởng xưởng, chắc anh chị em Công nghệ, dù có làm việc ở các cơ sở kỹ nghệ hay không, đều có thể hình dung được công việc của hai người. Kể theo quân giai cho dễ hiểu, Chánh sở như ông tướng ở bộ tham mưu, còn Trưởng xưởng là cấp chỉ huy xung trận, đứng đầu sóng ngọn gió. Ra trường chưa đầy hai năm, muốn hoàn thành trách nhiệm phân phối, điều động và kiểm tra hiệu quả công tác tu bổ cơ khí để giữ cho tất cả máy móc, cơ giới của toàn nhà máy chạy liên tục 24/24 giờ quanh năm suốt tháng quả thật không dễ dàng. Nhưng cờ đến tay thì phải phất thôi, phất cho mạnh để vượt cho được những thử thách của nghề nghiệp. Tôi biết, là một kỹ sư chỉ huy cơ sở, anh Thành đã theo dõi tôi sát lắm chứ, nhưng tôi nhớ là anh chẳng bao giờ phê phán hay chê trách điều gì cả. Hoàn tất công tác tốt, trước thời hạn báo cho anh biết, anh cười và gật đầu. Làm ăn lụp chụp anh cũng cười và chỉ cách giải quyết hay hơn. May là, công việc của tôi trôi chảy chỉ sau ít tháng nhận nhiệm vụ. Có chia sẻ những gian khó trong công tác, người ta dễ thấy gần gũi nhau hơn với nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Một trong những công tác sửa chữa khẩn cấp đáng sợ nhất là nối mắt xích bị đứt cho máng tải clinker từ lò nung vào kho chứa. Ở cuối chu trình sản xuất của Nhà máy Kiên Lương, clinker (đá nung) là bán thành phẩm xi măng ra khỏi lò nung dưới dạng viên tròn cỡ 1-2 phân đường kính. Tuy đã đi qua ống làm nguội bằng gió ở cuối lò, khi rớt xuống máng lộ thiên đá nung vẫn còn nóng trên 600 độ C. Đá nung được tải vào kho chứa bằng một hệ thống tải kéo trong lòng máng bằng mắt xích, làm bằng thép chịu nhiệt, mỗi mắt xích nặng cỡ 40 kí. Dây xích tải bị đứt, lò chỉ có thể quay chậm lại thôi để giữ liên tục cho tiến trình nung luyện nên đá nung cứ đổ thành đống ra ngoài trời, và thợ cơ khí phải, bằng mọi giá, nối lại dây xích trong thời hạn ngắn nhất. Dây xích đứt ban ngày đã là khổ rồi, còn đứt vào nửa đêm về sáng mới thật là kinh hoàng. Đêm tối, tôi đã phải đích thân đi gõ cửa từng nhà trong cư xá nhân viên mới huy động được nhanh và đủ nhân lực cho công tác. Một nhóm hơn chục người mặc quần áo, đội mũ, mang mặt nạ, bao tay may bằng vải thạch ma (amiant) dày, trông như “phi hành gia” (hay nói giống y như Ông Thần Công Nghệ trong Lễ Nhập môn cho dễ hình dung) cật lực cào sới đống đá nung cao ngất đang bốc khói nghi ngút để tìm một đầu dây xích bị đứt. Một nhóm khác gấp rút chuẩn bị “cảo” dây cáp kéo ráp hai đầu dây xích gần lại để móc mắt xích mới. Bất chấp hơi nóng khủng khiếp tỏa lên từ lòng máng, mỗi người mỗi việc chạy đua với đồng hồ từng giây. Trong đám người xốc vác mạnh mẽ đang xông xáo trong ánh đèn pha soi rõ hơi nóng lung linh và bụi bay mờ mịt ấy có hai “phi hành gia” chạy tới lui như con thoi, một luôn miệng hô hoán lệnh lạc, người kia không nói gì cả, chỉ tiếp sức chỗ nào cần hay ra dấu ngăn cản những động thủ kém an toàn. Từ ngoài nhìn vào, ai cũng biết người ồn ào là ông Trưởng (xưởng) và người thầm lặng là ông Chánh (sở). Xếp của tôi thường khéo xử và tế nhị như vậy đó, vì anh biết tôi sẽ có phản ứng nhanh và chính xác trong những tình huống công tác gian khổ và hiểm nghèo. Thêm nữa, nhiều lệnh chỏi nhau dễ gây tai nạn cho thợ thuyền. Không phải lần công tác “thép sôi, lửa bỏng” nào cũng có mặt anh, nhưng lần nào anh tới là tôi “khoẻ” lắm. Nối xong, dây xích tải chạy êm ả; lò quay đạt tốc độ bình thường. Trong khi anh em thợ dọn dẹp dụng cụ, anh cởi mũ và mặt nạ, mặt mày đẫm mồ hôi nhướng mắt xem đồng hồ. Nếu trời vừa rựng sáng, nhắm chừng hàng quán sắp mở cửa là anh nhìn tôi cười: “ Hiệp Thành nghe toa”. Thế là tôi “huy động” thợ thuyền đi theo anh ăn sáng và uống cà phê. Lần này, chả có ai càu nhàu ta thán như hồi nửa đêm đang say giấc nồng bị đánh thức dậy. Hiệp Thành là quán hủ tíu duy nhất của quận lỵ Kiên Lương. Dĩ nhiên, người móc hầu bao là ông Chánh. Nói khoẻ là khoẻ như vậy đó, vì không có ông Chánh thì ông Trưởng cũng đãi anh em thợ thuyền. Kể đến đây, xin tự ý “lạc đề” một chút. Hồi còn học ở trường, không biết “hai bà Trưng” của MC độc quyền Hùng Quân có thích không, chứ anh em mình ai cũng mê bóng tròn và đội banh Công Nghệ là đội bách chiến bách thắng ở Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ và cả những giải liên trường đại học. Cầu thủ Trần Văn Thành (CN8) đã lập một kỳ tích có một không hai trong lịch sử bóng tròn thế giới. Trong một trận chung kết sôi nổi, đấu với trường Điện năm 1966, anh Thành trong vai tiền vệ ném một trái banh từ ngoài biên khoảng giữa sân; thay vì ném cho đồng đội, anh quăng banh nhanh như chớp vào lưới đối phương trước sự ngơ ngác và thất thần của thủ môn Điện, mang lại chiến thắng vẻ vang cho đội nhà. Lần cuối cùng tôi gặp anh Thành vào tháng 2 năm 1980 ở Saigon. Anh kể là đại gia đình của anh sắp vượt biên bằng một thuyền rất lớn. Hai anh em chúc nhau may mắn rồi chia tay. Tôi ra khơi hai tháng sau đó. Chuyến vượt biển của tôi thành công. Tháng 8, gia đình tôi đến Úc. Từ đó, tôi không có tin tức gì của anh. Đến năm 2005, nhờ thông tin từ website KSCN, tôi bàng hoàng khi biết tin anh đã không đến được bến bờ. Thuyền của anh bị giông bão nhận chìm, gia đình anh chỉ có một người sống sót duy nhất, đó là con trai của anh chị. Tin xấu và bất ngờ này đã làm cho tôi buồn rất lâu vì thương xót một đàn anh Công Nghệ gần gũi nhất của tôi.

Xem DVD ĐH5, cảnh trao quà cám ơn cho huynh trưởng Nguyễn Sáu (CN6), người phụ trách ấn loát và phát hành Đặc san KSCN làm cho tôi, một thành viên trong Ban Biên tập, cảm động quá. Có lẽ, trong ba anh em còn lại, tôi là người cảm thông nhất với anh Sáu, vì cũng đã từng trải qua giai đoạn khổ công nhất của nghề báo bổ. Lại xin kể chuyện làm báo Công Nghệ. Năm 1968, sư huynh Giụ Hùng tốt nghiệp, bàn giao “chiếc ngà voi” báo chí lại cho tôi. Ông chủ báo ra đi rồi, “phân đà Cái Bang” của ĐS Công Nghệ sa sút liền, vì phe “bị gậy” làm ăn không nên nổi, kém xa sư huynh Giụ Hùng nhiều lắm (Thôi, quên luôn, không nhắc vụ có mồi xin tiền quí Thầy cho đỡ “quê” anh nhé!). Tình hình tài chánh không khá. Thấy tôi đang vò đầu bứt tóc, một bạn đồng khoá “number ten” rất thân rủ rê: “Thiếu tiền phải không ? Muốn in báo rẻ thì đi theo tao !” Nghe vậy, tôi tỉnh cả người, vội “bám độ” ngay. Thế là, tôi đi theo hắn. Trên đường rong ruổi, chạy Honda tà tà, thằng bạn hiền mới thố lộ là hắn sắp chở tôi đến một nhà in của gia đình vị hôn thê, họ đã chịu giúp sinh viên Công Nghệ in báo với giá rẻ. Thật là mừng như trúng số độc đắc, buồn ngủ gặp chiếu manh ! Vào nhà in, thằng bạn quới nhơn giới thiệu tôi với bà chủ, một người ra dáng mệnh phụ rất quí phái. Hắn trịnh trọng : “Thưa Mẹ, đây là T. bạn cùng khoá của con, là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Đặc san KSCN.” Bà nhìn tôi chăm chú, cười thật tươi, bảo: “Ui choa, còn trẻ mà nhiều tài quá hỉ. Bây chừ cần chi Bác giúp cho !” Thế là “Chủ nhiệm” vào đề ngay, muốn in thế nào, số lượng bao nhiêu bà cũng vui vẻ gật đầu. Sau cùng, “Chủ bút” gãi đầu gãi tai, ấp úng hỏi chi phí in báo. Bà mẹ vợ tương lai của bạn từ tốn bảo: “Không lo chi. Giúp cho trường kỹ sư, lấy tượng trưng thôi” Mừng hết lớn ! Tôi nháy mắt cho bạn ra hiệu rút lui nhanh, sợ bà đổi ý bất tử ! Trước khi ra về, bà dặn thêm: “Ngày mai cứ mang bài vở đến giao cho thợ in. Nói chuyện với bọn nớ, cứ từ từ cháu hỉ !” Cái đoạn chót của lời dặn dò này mới là đáng lưu ý đây các anh ạ. Thời đó, ở Saigon nhiều cơ sở ấn loát bị thợ in làm eo làm sách dữ lắm, nên nghe vậy tôi cũng đâm lo. Ngay hôm sau, tôi mang bài vở đến nhà in giao cho “xếp” ti-pô. Ông này sẽ chia cho nhiều thợ sắp chữ từng bài. Khi xong, “xếp” sắp đặt lại theo thứ tự số trang kèm theo những hình minh họa. Công việc này, xưa gọi là “dàn trang”, bây giờ ta gọi là layout. Nhận bài, “xếp” lạnh lùng bảo: “Rồi. Về đi. Ba tuần nữa trở lại.” Tôi phải xuống nước năn nỉ, xin in cho sớm vì ba tuần nữa thì anh em lục tục về quê ăn Tết, báo bán cho ai ! “Xếp” cau có: “Ừ. Để coi.” Sau đó, ngày nào, sau giờ học tôi cũng đến nhà in lăng xăng phụ việc, mua thuốc lá cho thợ in hút để “hối lộ”, mua chuộc cảm tình. Ngoài ông “xếp” ra, nhà in nào cũng có thêm một ông “thầy”. Đó là “thầy cò” (corriger). “Xếp” dàn trang xong, đặt một tờ giấy trắng lên các khung chữ đã sắp và bôi mực rồi dùng tay vỗ nhẹ hay chà khắp tờ giấy để lấy tờ in nháp. Tiếng nhà nghề gọi là “bản vỗ” (morrasse). “Thầy” nhận bản vỗ đọc lại, làm dấu và sửa những sai sót, rồi trả lại cho “xếp” để yêu cầu thợ sắp chữ thay các con chữ hoặc số đã xếp trật. Trên nguyên tắc, “thầy” phải xem lại lần chót bản vỗ sau khi sửa chữ, nhưng ít nhà in nào làm như vậy. Thầy cò của nhà in này là một ông già trạc 60, mặt mày lúc nào cũng nhăn nhó như cái bị rách. Sau ba ngày tà tà lách cách sắp chữ, dàn trang ... bản vỗ của Đặc san được đưa sang cho thầy cò. Chờ “thầy” gạch gạch xóa xoá độ mươi trang, tôi lân la đến gần, cười cầu tài để xin “thầy” cho xem bản vỗ đã sửa xong. Ông miễn cưỡng đưa cho tôi vài trang. Đọc xong, tôi hoảng hồn vì thấy sửa rồi mà còn sai sót nhiều quá ! Cứ để như thế mà in thì kể như tiêu tùng uy tín của “chủ bút”! Tôi bèn nịnh nọt “thầy”: “Bác ơi. Bác sửa bản vỗ hay và nhanh quá. Nhà in nhiều việc, chắc bác bận lắm nhỉ ? Hay là bác cho phép cháu sửa tiếp. Bài vở của tờ báo này cháu có đọc cả rồi, cháu có thể làm được.” Ông già trợn mắt nhìn tôi một lúc rồi nhăn nhó: “Giao cho cậu làm phụ thì được rồi đấy. Rủi mà cậu bép xép thì tui mất việc chứ chả chơi !” Biết là “thầy” đã xiêu lòng, tôi bồi thêm: “Không. Đời nào cháu lại đi nói với ai. Vả lại, cháu cũng muốn in xong sớm vì cận tết quá rồi Bác ạ !” Thầy cò quăng cả xấp bản vỗ cho tôi, bảo: “Thôi được. Mang về nhà làm đi nhé, cho kín đáo.” Chỉ chờ có thế, “chủ nhiệm” tôi lùa hết giấy tờ vào cặp, ba chân bốn cẳng chạy ra xe, rồ máy dông thẳng. Hôm đó, tôi đã thức gần suốt đêm để sửa cho hết các bản vỗ của đặc san. Chiều hôm sau mang đến nhà in, kín đáo trả lại cho thầy cò rồi chuồn ngay. Năm ngày sau, vị chi là chín ngày, tôi và thằng bạn cùng đến nhà in thanh toán tiền bạc rồi chở hai thùng báo to tướng về “toà soạn” KSCN. Khi trả tiền in, thằng bạn cứ đứng đó mà cười mím chi, còn tôi nhìn tờ hóa đơn mà lặng người vì ngạc nhiên và vui mừng. Chi phí ấn loát cho 500 tờ báo khổ nhỏ, cỡ A5, mà lại ít hơn tiền mua giấy để quay roneo ! Hai sư huynh Sáu và Giụ Hùng chắc chắn không nhìn thấy tờ báo Xuân Công Nghệ 1969 này đâu. Còn anh Quản gia, không biết có nhớ “mặt mũi” nó không ? Tờ báo xinh xắn, bìa cứng in màu, dán gáy vuông, hình bìa là bức tranh thuộc trường phái ấn tượng vẽ thiếu nữ, mặt trời, hoa lá đầy nghệ thuật của hoạ sĩ Đỗ Quang Thanh (CN10). Có anh em nào còn nhớ “đứa con tinh thần” thật dễ thương này của Ban Báo chí KSCN không ? Anh Giụ Hùng ơi ! “Đời làm báo” của anh em mình có những kỷ niệm đáng nhớ như thế. Hay không bằng hên. Hơn bốn mươi năm qua rồi, mỗi lần nhớ đến niềm vui lại dâng tràn. Chiếc “tàu bay giấy” chủ nhiệm kiêm chủ bút anh em đã tặng vẫn còn giữ nguyên vẹn trong trái tim tôi đây.

Đại Hội 5 lần này có mặt hai KS Công Nghệ mà tôi đã gặp năm 1980 ở trại tị nạn Songkhla, Thái Lan. Huynh trưởng Nguyễn Hữu Tấn (CN3) và một người cùng họ nhưng không có bà con, Mai Thành Công (CN12), đồng môn KS Công Nghệ và TH Võ Trường Toản của một thời niên thiếu đẹp như mơ. Xuất thân từ Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ có nhiều huynh trưởng nắm giữ những chức vụ cao cấp, từ kỹ nghệ, giáo dục, chính quyền cho đến quân đội. Anh Nguyễn Hữu Tấn từng là thứ trưởng Bộ Kinh tế VNCH. Ngày 9-4-1980, tôi đến Songkhla, gặp lại nhiều đồng môn Phú Thọ và được biết anh và gia đình đã nhập trại trước tôi không lâu. Một tuần sau đó, Cao Ủy Liên hiệp quốc thường trú ở trại là Ông Koizumi khẩn khoản mời anh đảm đương vai trò Trưởng trại tị nạn Songkhla. Khi anh nhận lời, tôi cùng một số bạn Phú Thọ tham gia Ban Điều hành trại để tiếp tay với anh. Người đến người đi, trại tị nạn là nơi dừng chân không lâu cho những người may mắn đến được bến bờ tự do, nhưng đây là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của quãng đời ly xứ. Nhiều kỷ niệm vui khó quên và không ít chuyện buồn phiền muốn quên cũng khó. Hầu hết thuyền nhân may mắn vào được đất liền đã trải qua những nỗi kinh hoàng trên biển khơi, rồi lại phải sống chen chúc trong vòng tù túng và khổ cực vì thiếu thốn của trại tị nạn nên người ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều người tâm tính bất thường, thích gây hấn và hành động quá khích. Điều đáng buồn nhất là những người xả thân làm công tác thiện nguyện để giúp cho đồng bào mình trong cơn khốn khó lại trở thành đối tượng của những tên bệnh hoạn vì háo danh và ganh tị. Một nhà văn, tác giả của nhiều cuốn truyện viết cho tuổi thơ rất hay của miền Nam trước ngày bị nhuộm đỏ, bỗng chốc trở thành sĩ quan chiến tranh chính trị. Trong các buổi họp của nhóm cựu quân nhân trong trại, không ai mời ông ta cũng nhảy lên thao thao bất tuyệt hô hào và khích động lật đổ Ban Điều hành trại vì “tội danh” tham nhũng và bè phái do chính ông tưởng tượng ra. Tôi là một sĩ quan biệt phái nên được mời tham dự các buổi họp đó. Trước những tố cáo phi lý và nực cười như chỗ ở của Trưởng trại gắn 4 bóng đèn 100 W, bè phái kỹ sư trong Ban Điều hành trại cấu kết tham nhũng....tôi đã phản đối và bị đám đệ tử thân cận của “nhà văn sĩ quan” hăm dọa (!) Dù chỉ là phát ngôn bừa bãi nhưng bọn gây rối này đã làm cho một số đồng bào hoang mang và lo lắng. Tôi chắc là anh đã biết những chuyện này, nhưng anh không hề tỏ một thái độ nào để phản bác. Tôi đã học được từ một huynh trưởng Công Nghệ đáng ngưỡng mộ một kinh nghiệm quí giá về sự an nhiên, tự tin vào giá trị của những việc làm tốt đẹp cho tha nhân, và không thèm chấp nhất những tên ngông cuồng. Không biết anh còn nhớ ngày gia đình anh lên đường đi định cư ở tiểu bang Utah Hoa kỳ, trong số người đưa tiễn anh có một đàn em Công Nghệ gầy gò, mặt mũi hốc hác, ăn mặc lôi thôi. Ba mươi mốt năm sau, người đó đang ngồi viết những giòng hồi tưởng này để nhớ đến anh.

Năm 1970, anh Nguyễn Thành Ngưu (CN7) và tôi đã chia sẻ những ngày tháng dãi dầu mưa nắng ở quân trường bộ binh Thủ Đức. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Kỷ luật này áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt sức vóc, tuổi tác, căn bản học vấn, nên khi căng sức trên những “đoạn đường chiến binh”, bạch diện thư sinh như tôi đã cố gắng lắm để giữ cho mình không gục ngã. Quân trường bắt khoá sinh phải tập cho quen chịu đựng cả thể chất lẫn tinh thần. Chương trình huấn nhục với những đêm cả đại đội bị phạt dã chiến có xe cứu thương túc trực, sự quá quắt của nhiều khóa sinh huynh trưởng đã tạo ra những hình phạt quái đản, làm cho cơ thể lẫn cân não của chúng tôi căng thẳng hết mức. Anh cao lớn khoẻ mạnh, còn tôi gầy gò ốm yếu nên lúc nào anh cũng lẽo đẽo theo tôi, an ủi: “Ráng. Ráng Thành ơi !” Khi đó, Cộng quân pháo kích vào quân trường mỗi đêm nên chúng tôi phải trải poncho trên bờ giao thông hào để ngủ. Khi ai đó nghe được tiếng khởi động của đạn pháo thì la lên để mọi người lăn xuống hào tránh đạn. Anh và tôi cùng một trung đội nên thân cận, có nhiều dịp tâm sự và chia sẻ với nhau nhiều thứ. Anh Ngưu là một đàn anh Công Nghệ hiền lành và độ lượng, luôn cởi mở và lịch sự trong giao tiếp với mọi người. Sau lễ tốt nghiệp, chúng tôi được móc “quai chảo” (lon chuẩn úy) và nhận bằng Trung đội trưởng. Tôi được biệt phái về Xi măng Hà Tiên còn anh ra đơn vị. Mãi 36 năm sau, tôi mới thấy lại hình ảnh của anh trong Đại hội KSCN thế giới tổ chức lần đầu tiên ở San Jose năm 2006. Mừng anh đã bình phục sau cơn bệnh trong chuyến đi du thuyền vùng biển Carribean hồi năm ngoái để góp mặt cùng anh chị em đồng môn Công Nghệ trong Đại hội 5 ở Little Saigon, California, năm 2011. Mong sức khoẻ luôn ở bên anh để anh em mình còn gặp lại trong những Đại hội sắp tới.

Một lần nữa, xin cám ơn những tấm lòng Công Nghệ đã tổ chức một Đại hội tràn đầy thân tình và vui nhộn, giúp tôi có được những cảm xúc để viết bài này. Kính chúc quí Thầy Cô, huynh truởng, các bạn và quí quyến luôn an khang và hạnh phúc.

Tây Úc, mùa xuân 2011
MAI XUÂN THÀNH (CN10)
Post Reply