Phạm Anh Kiệt, CN1, Người Anh Cả Độc Đáo Năm Nào

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
nvthaicn11
Posts: 55
Joined: 25 Jun 05, Sat, 7:55 am
Location: SaiGon, VietNam
Contact:

Phạm Anh Kiệt, CN1, Người Anh Cả Độc Đáo Năm Nào

Post by nvthaicn11 »

Anh PHẠM ANH KIỆT, KSCN 1
Người Anh Cả Độc Đáo Năm Nào

Bài này viết không phải để ca tụng hay phê phán một cá nhân, mà chỉ muốn ghi lại những hiện thực về một con người KSCN. Các chi tiết trong bài do bạn bè CN1 cung cấp, và các bổ sung của gia đình.
Có thể bài viết vẫn còn những sai sót, mong được nhận các góp ý.[/
Người viết Nguyễn Văn Thái CN11
Tiểu sử:

Sinh năm 1932 tại Tp Long xuyên, cạnh bờ sông Hậu.

Mất năm 2010, Tro cốt đã được trả về dòng sông Hậu, cạnh Tp Long Xuyên.

Tuổi đời: 79, Tuổi nghề: 50, là người KSCN cao niên nhất

Bạn bè nhắc về anh với những cá tính độc đáo.

Đó là những gì tóm lược nói về người Anh Cả KSCN, anh Phạm Anh Kiệt. Anh mất đi đúng vào lúc các bạn anh CN1 đang tổ chức kỹ niệm 50 năm ngày ra trường.

Vào đời:

Lúc thiếu thời anh là một người học giỏi, rất giỏi, Tốt nghiệp Tú Tài Toàn Phần thứ hạng rất cao. Thời điểm 1950 có rất ít con đường vào đời dành cho những chàng thanh niên như anh lựa chọn. Vậy mà anh cũng tạo được cho mình nhiều tình huống: - Thoát ly gia đình, gia nhập một Đội du kích quân chống Pháp, nhưng sau 2 năm, nhận thấy không phù hợp, anh bỏ Đội quay về. - Được mời đến dạy học tai trường Trung học Chưởng Binh Lễ Thị xã Long Xuyên, cũng chỉ được hơn 1 năm, lại thấy không phù hợp, anh lại nghỉ dạy. - Ở Cần Thơ có tổ chức thi tuyển vào trường Cán Sự Hàng Hải, anh dự thi, đậu rất cao, nhưng cũng không đi học vì cho rằng ở đó dành cho người chỉ có Tú Tài 1.

Mãi đến năm 1956, Trường QG Kỹ Sư Công Nghệ có tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên, anh nộp đơn và thi đậu, thấy rằng đã phù hợp ước nguyện, anh khăn gói lên Saigon để theo học ở cái trường thuộc TT Kỹ Thuật Phú Thọ này. Phải mất 6 năm chậm trể để lựa chọn một hướng đi, khi vào lớp anh là người cao tuổi nhất, có nhiều kinh nghiệm lăn lộn nhất so với các bạn cùng khóa. Anh em có phần nể phục vì Anh lớn tuổi mà vẫn can đảm lo việc sách đèn.

Sự nghiệp và gia đình:

Năm 1960 Lớp KSCN 1 tốt nghiệp, đây là khóa đầu tiên nên nhà trường vẫn theo dõi sát sao việc làm của từng thành viên, nhằm kịp điều chỉnh chương trình học cho các khóa sau. CN1 được phân ngay vào các vị trí chủ yếu của Xã hội. Anh Kiệt được bố trí làm việc tại Cty Đường VN, Nhà Máy Lọc Đường Khánh Hội.

Năm 1963, Cty Đường tiếp nhận Nhà Máy Đường Hiệp Hòa, Long An từ người Pháp, Anh được giao tiếp nhận Phòng Kiểm Nghiệm phân tích và theo dõi sản xuất, anh có tham gia dịch thuật các tài liệu kỹ thuật. Anh có được cử theo một phái đoàn đi tham quan ngành sản xuất Đường tại Đài Loan. Sau đó, anh được chuyển về Trụ Sở Văn Phòng Cty, làm Phụ tá cho Giám Đốc Kỹ Thuật, lúc đó là Ông KHĐ

Năm 1968, do ảnh hưởng cuộc chiến Tết Mậu Thân, lệnh Tổng động viên ban hành, và Anh phải nhập ngũ vào Trường BB Thủ Đức. Khi tốt nghiệp Sĩ Quan, Anh được chuyển đến Trường Võ bị Đà lạt với cương vị một Giảng viên.

Chỉ khoảng 2 năm sau, do một cơ duyên nào đó, Anh được biệt phái, nhưng không phải về CTĐường, mà về Cty Bông sợi Sicovina. Anh công tác ở đây suốt cho đến 1975, chức vụ cao nhất là Phó Giám đốc Kỹ thuật

Người ta nói rằng tính tình anh khó khăn, thực ra anh cũng rất vui vẻ, tốt bụng và ngay thẳng, nhưng có phần nghiêm nghị, hay bộc phát tức thời các suy nghĩ, anh thích bảo vệ cái đúng, cái hợp lý, và rất chống đối cái sai, gặp điều không vừa ý anh phản đối hết mình, chính cái tính này đã khiến nhiều bạn bè phải rất dè chừng.

Thời gian 4 năm học ở trường, những người bạn vui vẻ kể lại, là người cao niên nhất nên anh thích thể hiện tính hơn người, hơn tất cả các bạn đồng lứa. Khi đi làm việc, có giảm bớt phần nào, nhưng cái tính nghiêm nghị vẫn còn, có lúc bộc phát mạnh bạo, thậm chí có lúc đã thể hiện cả bằng vũ lực, rất dữ dằn. Nhìn qua tấm di ảnh trên bàn thờ, vẫn còn vương vất cái tính nghiêm nghị đó. Những người trong cuộc còn lại ngày nay chắc cũng phần nào thông hiểu về người đàn anh cao niên này. Người viết bài này chỉ dám viết khi anh đã nằm xuống, nếu không, chắc rằng sẽ bị anh chỉ vào mặt và quát: “Thằng này …” hoặc bị chộp cổ áo, thậm chí cho luôn một nắm đấm!

Lại có người nói anh có số Đào hoa. Về già, anh cố tìm hiểu về Bói toán Tử Vi để tự xem số cho mình. Hình như Lá số của anh cung an Mệnh không có sao Đà hoa đâu, mà bộ sao Đào Hồng an vị ở cung Thiên Di đối chiếu, anh chỉ được hưởng nó khi đi ra ngoài.

Lúc trẻ, anh thường thấy mình “đẹp trai” nhất lớp. Khi chuẩn bị lập gia đình, anh cũng tự tạo cho mình nhiều đường lựa chọn, bạn bè đoán già, đoán non, cho đến khi anh trình làng một Bà chị trẻ đẹp, ngoài dự đoán, chắc tất cả phải trầm trồ. Bà Chị kém anh hơn một con Giáp tuổi.

Lần đến thăm gần đây, ngồi trò chuyện với Bà Chị trước bàn thờ anh, Chị nói:

- Anh Kiệt rất mực chăm lo cho gia đình, dạy dỗ các con nên người, cơ ngơi nhà cửa được anh và các cháu tiếp nối gầy dựng khang trang. Khi anh ra ngoài hình như cũng có ai đó khá ưu ái quan tâm, nhưng Chị luôn rất tin tưởng ở anh.

Chị còn cho biết, cũng có đôi lần anh chị có bất hòa lớn tiếng, nhưng hoàn toàn không phải vì lý do trên. Có 6 người con, 3 trai 3 gái, đều được chính tay anh chị chăm sóc rèn luyện nên người, có lẽ anh rất toại ý trước khi nhắm mắt là người con út đã hoàn tất Đại học.

Cưối đời:

Sau 1975, phải đi học tập gần 3 năm, khi được ra, anh về thẳng Long Xuyên để chịu sự quản chế thêm 2 năm nữa. Khoảng 1980, tuổi chưa đến 50, nhưng gần như anh đã “ Rửa tay gác kiếm”, anh xa dần cái nghiệp Công Nghệ, sớm chuẩn bị cho cuối đời.

Vẫn sống ở LX, Anh làm nhiều nghề, trong đó có một việc có hơi liên quan CN: Anh làm một lò nấu rượu, rượu bán được, nhưng anh lại nhanh chóng đổi ý dẹp bỏ, lý do: không muốn tiếp tay để làm hư người những người bợm nhậu.

Nghề chánh anh đeo đuổi là buôn bán thuốc Tây, có lẽ là dịp dùng để đi lại giữa 2 quê: lên Saigon mua sĩ, mang về LX bỏ mối hay bán trực tiếp. Được một thời gian, do Tuổi cao, anh tự cho mình được “nghỉ hưu”.

Người viết không biết rõ lắm về các diễn tiến cuối đời sau đó của Anh. Chỉ biết Anh muốn tách biệt mọi người, có lẽ để tĩnh tâm suy gẫm. Tại nhà ở LX, Anh lập gian riêng có Bàn thờ Phật, để chuyên tụng niệm, nghiên cứu Kinh, Kệ và Ăn chay trường, … Muốn liên lạc được, phải qua nhiều lần nhắn gửi. Hình như Anh cũng phần nào tách biệt cả với gia đình nên khi Anh nằm xuống, gia đình tức thời đã không biết được cách liên lạc với bạn bè để báo tin.

Là Trưởng Lớp CN1, Anh còn lưu giử một số hình ảnh, tài liệu chung của Lớp. Đôi lần có mời được Anh về dự họp mặt KSCN ở Saigon, trong bửa ăn phải có riêng một mâm cơm chay… Khoảng thời gian này khá dài, tương đương đoạn thời gian Anh tạo dựng sự nghiệp từ ngày ra trường 1960 đến 1975.


Giữa năm 2009, Anh bị một cơn Đột quỵ, Tai biến mạch não nhẹ, các cháu phải chuyển anh lên Saigon chữa trị. Sau lần này sức khỏe giảm sút nặng, có lẽ anh đã cảm nhận được các vì “sao hạn” trên lá số của mình đã nhấp nháy báo tin sấu cuối đời, cần phải sống gần gia đình hơn, vì vậy anh quyết định ở lại luôn ở Saigon, cho các cháu dời gian nhà Thờ từ LX lên SG.

Ngày 2/5/2010, thêm một cơn đột quỵ nữa, không còn sức đề kháng, anh đã ra đi.

Những chuẩn bị cho Cuối đời từ rất lâu, đến khi ra đi thì rất nhanh, mãn nguyện, chắc Anh không còn gì luyến tiếc.

Bạn bè chúc anh ra đi thanh thản.Tôi xin thắp nén nhang tiễn biệt anh.


Nguyễn Văn Thái,
Tháng 5 năm 2010
Post Reply