CHUYỆN XƯA

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

CHUYỆN XƯA

Post by maixuanthanh »

CHUYỆN XƯA


Trọng lại nhìn đồng hồ và lẩm bẩm “Mới được hai tiếng. Còn những năm tiếng đồng hồ nữa !” Từ lúc bước vào phi trường đến giờ, cứ lâu lâu Trọng lại xem giờ, lòng nóng như lửa đốt và cảm thấy thời gian đi chậm quá. Hôm qua, khi nhận được tin Mẹ đau nặng Trọng đã điện thoại cho hãng hàng không mua vé đi gấp. Hai giờ sau, Trọng đã lên máy bay. Sau năm tiếng rưỡi, phi cơ đã đáp xuống phi cảng quốc tế Tân Gia Ba. Phải chờ bảy tiếng đồng hồ mới lên chuyến bay kế tiếp về Việt Nam. Đó là cách thu xếp nhanh nhất có thể được, không còn lựa chọn nào khác.

Tuy là ngày thường nhưng phi trường cũng đón tiếp khá đông hành khách. Đặc biệt là có rất nhiều người Việt Nam. Cứ nhìn hành lý xách tay thôi cũng biết là họ xuất phát từ Mỹ, những túi xách mang nhãn hiệu USA trông khá nặng, dễ thường vượt quá trọng lượng qui định. Nếu làm một chuyến du lịch bình thường, thì chắc Trọng cũng sẽ không thấy thú vị để hoà nhập vào cái đám đông ồn ào này, vì đồng hương của chàng là những người thật quá vô tư. Họ đi từng nhóm, nói chuyện, cười đùa và cả chửi thề nữa, bằng một giọng oang oang như vỡ chợ, cứ như là đang ở quê nhà vậy, không cần biết là đang làm cho du khách những nước khác khó chịu. Khi Trọng đang lang thang, nhẩn nha nhìn ngắm để giết thì giờ trong một cửa hàng miễn thuế thì nhiều nhóm tràn vào như cơn gió. Ai cũng tranh nhau nói, lớn giọng và rất khích động để bình phẩm chất lượng và giá cả các mặt hàng. Các cô tiếp viên chạy ngược chạy xuôi, vì đằng kia ngoắc tay gọi “ê, ê”, phía này rối rít vẫy tay “ê, ê, ê”. Trọng đang tần ngần tìm lối đi ra thì có người ở sau lưng khều khều cánh tay chàng. Trọng ngoảnh lại nhìn. Hai cô gái trẻ, ăn diện hơi quá lố, một cô cầm hộp đựng lọ nước hoa đưa lên, gần như dí sát vào mặt chàng và cất tiếng the thé “Ê, cái này nói gì dzậy ? ”. Trọng sững sờ trước lời ăn tiếng nói của một người con gái trẻ, đồng hương, về thăm nhà từ một xứ văn minh nhất thế giới. Thấy chàng im lặng, hai cô kéo tay nhau đi. Cô áo vàng nói : “ĐM, xui quá, thằng cha này không phải Việt Nam !” Cô mặc áo đỏ chói thúc vào hông cô bạn : “Ờ. Mà sao thằng Nhựt bổn này mặt mày buồn hiu vậy há !” Nói xong, hai cô nàng níu tay nhau cười to như bị ai chọc vào nách vậy.

Trọng nhanh chân bước ra khỏi cửa hàng náo nhiệt, rảo bước thật xa và dừng chân trước một phòng dành cho người hút thuốc. Chàng ngồi xuống chiếc ghế nệm êm ái, lòng trĩu nặng âu lo. Lấy kính mát đeo lên, Trọng nhắm mắt, tập trung vào việc đếm những nhịp thở thật sâu, cố giữ cho đầu óc trống rỗng, không nghĩ ngợi điều gì hết. Chưa được bao lâu, thần thái chưa yên, thì Trọng lại bị quấy rầy bởi những câu đối thoại sống sượng bằng tiếng mẹ đẻ. Lại có thêm một chuyến bay chở rất đông đồng hương vừa đến, vì từ phía tay phải có nhiều ngưòi đang đi tới. Nhiều giọng nói thật to cất lên một lúc, nghe như đang tranh cãi rất gay cấn. Giọng đàn ông khàn khàn :

- ĐM. Nguyên một chuyến bay mà không có được mạng nào biết điền tờ khai nhập nội hết. Làm sao đây ?

Tiếng một phụ nữ tiếp theo ngay :

- Phải rồi. ĐM nó. Giỏi khoe tài. Sao không tự làm. Kiếm ai giúp được bây giờ.

Người đàn ông xem chừng không phật ý vì bị chê bai còn cười hắc hắc, nói liền một hơi :

- Hồi trước tao cũng ngon cơm lắm chớ. ĐM. Dễ gì kiếm được thằng nào thua thằng này. Tiếng Mỹ bỏ bụng cũng được mười câu. Vượt biên rớt xuống biển hết năm câu. Qua Mỹ, đi làm bị mấy thằng cai đì quá, quên thêm ba câu, giờ còn hai câu làm vốn thôi mày ơi !

Thêm một giọng nữ khác hỏi :

- Hai câu gì nói nghe coi mậy.

- Ừ, thì “How are you” và “I am fine. Thank you”.

Tiếng người đàn bà hồi nãy tiếp liền:

- Còn một câu nữa cha nội. Sao không kể luôn đi. “ Du đu sao tao đu theo”.

Sau câu đó, cả nhóm, ước chừng cả chục mạng, cất tiếng cười hô hố rất khoái chí. Trọng muốn quay người lại để nhìn mặt những đồng hương quá vui tính này nhưng thấy ngại nên cứ ngồi yên. Đám người ồn ào vừa đi qua, chợt nghe có tiếng reo vui :

- Ê. Có một ông ngồi kia bay ơi. Lại hỏi coi phải Việt Nam hông. Phải thì nhờ điền giấy giùm.

Một tiếng nói khác cất lên :

- Thôi khỏi mất công đi tụi. Tao cá với tụi bay, mười đô ăn một đô thôi, thằng chả không phải người mình. Nếu là Việt Nam, nghe tụi bay chửi thề tá lả thì chả phải quay người lại nhìn chứ. Phải không ?

Trọng đang buồn nhưng cũng muốn bật cười sau câu nói ra vẻ phán đoán ấy. Chàng muốn lên tiếng, gọi họ lại điền giúp giấy tờ để có việc làm cho đầu óc bớt ưu phiền, nhưng nghĩ sao lại thôi. Trọng cứ ngồi bất động trên ghế, hồn chìm đắm trong nỗi khổ đau khi nhớ về Mẹ già đang thoi thóp trên giường bệnh. Mẹ của chàng, suốt thời thiếu nữ sống ở Hà Nội, lập gia đình rồi di cư vào Nam, sinh sống ở Saigon từ đó đến nay. Như vậy là cả cuộc đời làm dân thành phố nhưng cung cách sống của Bà không bao giờ mang vẻ hãnh tiến của thị dân, mà lúc nào cũng hiền lành, chất phác như một bà mẹ nhà quê. Đời của Bà là một tấm gương sáng của một người tận tụy và hy sinh cho chồng, cho con. Một bà Mẹ đau khổ vì con. Các con trai của Bà vừa lớn khi chiến tranh leo thang ác liệt. Hàng đêm bà dán mắt trên màn hình vô tuyến để nghe tin tức, theo dõi bước chân của những đoàn quân anh dũng, trong đó có những đứa con trai yêu quí của Bà, đang chiến đấu ngăn chận bước xâm lăng của quân phương Bắc. Năm 1972, em trai kế của Trọng đền nợ nước ở chiến trường Hạ Lào. Nghe tin dữ, Bà đã vật vã trong nỗi bi thương. Bà khóc suốt ba năm. Cho đến 1975, người Mẹ đau khổ của Trọng lại tiếp tục khóc, ngày đêm thương mong những đứa con trai còn sống sót sau trận chiến, đang bị hành hạ trong các ngục tù cải tạo. Theo dòng sinh mệnh bất hạnh của đất nước, giòng nước mắt của bà Mẹ già chưa bao giờ vơi. Rồi Bà lại âm thầm thu xếp và gạt nước mắt tiễn đưa những đứa con vừa thoát vòng lao lý, cầu nguyện cho con may mắn ra được xứ người để sống được một đời tự do đích thực, cho các cháu nội của Bà sẽ được học hành đến nơi đến chốn…..

Miên man theo giòng hồi tưởng, nhớ người Mẹ già yêu kính, Trọng chợt tỉnh thức khi nhận ra mình đang khóc. Tháo cặp kính mát, lau vội nước mắt, Trọng mới để ý đến hai bà già người Việt, không biết đã ngồi ở hàng ghế đối diện từ lúc nào, đang chuyện trò nho nhỏ và có vẻ không chú ý đến Trọng, chắc họ nghĩ chàng là một anh Tàu hay Nhật gì đấy thôi. Qua giọng nói và cách phục sức, Trọng biết là có một bà người Nam và bà kia người Bắc. Trọng bàng hoàng khi nhìn kỹ bà già người Bắc, sao có những dáng vẻ thân quen lạ lùng đến thế ! Bà cụ chắc cũng gần 70, vóc người nhỏ nhắn, nhưng trông còn khoẻ mạnh lắm. Bà mặc quần đen, áo nâu, tóc vấn xuông và trùm một vuông khăn màu nâu non. Đấy là trang phục, có lẽ, thật lạ mắt đối với du khách giữa một phi cảng quốc tế đông đúc, nhưng đối với Trọng, lại là một hình ảnh thân thương, xuất hiện bất ngờ như trong một giấc mơ. Gương mặt trái soan của Bà thật hiền từ với nụ cười phúc hậu luôn nở trên môi. Trời ơi ! Không biết Trọng có bị hoa mắt không hay đang nằm mơ. Bà nội của Trọng đang ngồi đấy ! Chàng chợt nghe trong lòng có tiếng kêu thầm thảng thốt “ Bà nội của con phải không ? Sao Bà lại ngồi đây ?.... Bà ơi ! .....Thằng “giặc chòm” yêu quí của Bà đây, Bà có nhận ra không ? ”…. Trong khoảnh khắc, Trọng thấy mình như gục xuống và lịm đi trong một cơn lốc của cảm xúc dâng trào. Một nhân viên an ninh phi cảng đến nắm vai, lay nhẹ, và hỏi “Ông có sao không ?”. Trọng chợt tỉnh và nói: “ Tôi không sao. Chỉ buồn ngủ thôi. Cám ơn”. Ông ta nhìn một lúc rồi gật đầu bỏ đi.

Trọng ngồi thẳng lưng và tiếp tục quan sát bà cụ áo nâu. Hồi ức của một thời niên thiếu lại trở về. Tuổi thơ của Trọng đầy ắp tình thương yêu của gia đình. Trọng có đến ba bà tiên. Bà tiên Mẹ dịu dàng, khả ái. Bà tiên Ngoại thật hiền lành, ít nói ở Hà Nội và Bà tiên Nội ở nhà quê, tuy không phải làm lụng vất vả nhưng quanh năm chỉ mặc quần áo vải nâu mộc mạc và lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Cả ba bà tiên hiền, không có chiếc đũa thần nhưng cũng đã hoá phép cho tâm hồn thơ dại của chàng chấp cánh bay cao. Trọng và em trai kế học ở Hà nội, nghỉ hè lại đuợc về quê ở với Bà nội. Mỗi lần sắp hè là Trọng lại nôn nao, vì về quê nội Trọng được mọi người săn sóc đặc biệt, lại được sống những ngày hồn nhiên và hạnh phúc, được bay nhảy tung tăng cùng với đám bạn trang lứa, những thằng bạn quê mùa chất phác rất dễ thương. Vui nhất là khi xe vừa về đến cổng tre làng, đám bạn bảo nhau ùa ra, vừa chạy vừa reo hò mừng rỡ : “Kính coong. Kính coong. Về rồi...….Kính coong về rồi !......”

Kính coong không phải là nhại tiếng chuông xe kéo, mà là cái tên nhà quê của Trọng. Lúc mới sinh ra ở Hà nội, Trọng được đặt tên là Kính, vô tình trùng tên với ông Kính, em họ của bà nội, khi ấy không sống ở làng quê nên cả nhà không có ai lưu ý. Năm sau đó, ông nội của Trọng qua đời. Nghĩ tình ông bà ngày xưa đã giúp cho ăn học, Ông Kính đã bỏ cả công ăn việc làm ở xa, về quê giúp lo ma chay và ở lại luôn để phụ với bà nội cai quản ruộng vườn và tài sản của gia đình. Không lâu sau đó, ông Kính trở thành ông Trùm của giáo xứ. Học thức uyên bác của ông Trùm đã giúp ích rất nhiều cho việc phụng vụ nên ông được Cha xứ quí mến và giáo dân nể trọng lắm. Ông và cháu cùng một tên, nên bà con thường gọi Kính là “thằng Kính con”. Từ đó, đám bạn nhà quê chọc ghẹo, gọi là “Kính coong”. Khi ông Kính làm ông Trùm thì Kính con cũng đến tuổi vào trường nên Bố quyết định đổi tên Kính thành Trọng, vì sợ miệng thế gian làm ông Trùm buồn lòng. Dù tên đã đổi, nhưng về quê mọi người vẫn gọi tên Kính. Chính ông Trùm cũng nói với Bố Mẹ của Trọng là : “Anh chị bày vẽ thôi. Đổi tên của cháu làm gì. Tôi có chấp nê gì đâu. Anh chị có nghe dân làng nói thế nào không ? Họ bảo ‘thằng Kính con mặt tươi vui thế kia thì giống ông Trùm thế nào được’. Họ nhạo tôi khó tính thôi. Khó thì đã làm sao nào ! ”

Về đến nhà, chính Bà nội đích thân chạy ra mở cổng rồi ôm choàng lấy hai anh em Trọng, reo vui : “Hai thằng giặc chòm của bà đã về đây rồi! ”. Bà âu yếm nắm tay hai cháu cùng vào trong nhà. Mỗi năm có hai lần, tết âm lịch và mùa bãi trường, Trọng lại được về với Bà nội để sống những ngày thần tiên nơi thôn dã. Ở trong nhà thì được yêu thương, chiều chuộng, muốn ăn thứ gì là có thứ đó. Sau này, khi xa Bà, Trọng vẫn nhớ hoài những chõ xôi gấc ngon tuyệt cú mèo mà Bà đã thức dậy thật sớm để tự tay nấu cho cháu ăn. Xôi gấc bán rong hay ở chợ Đồng xuân nhiều lắm, nhưng chẳng có ai nấu ngon bằng Bà nội. Chờ cho Bà nấu xong, đứng nhìn Bà mở nắp vung, mùi thơm lừng bay ra ngào ngạt, cộng thêm màu đỏ cam thật óng ả, chưa ăn mà nước miếng đã ứa đầy mồm ! Ra ngoài, đi chơi với chúng bạn thì “thằng Kính coong” cũng được hâm mộ lắm. Không đứa nào đám làm Trọng phật ý cả, không phải vì anh em Trọng là con cháu của một phú gia, mà chỉ vì mỗi lần Trọng về quê là làm đầu têu cho cả bọn chơi đùa nổi đình nổi đám. Bày trò chơi hướng đạo, đi câu cá, làm diều giấy có bướm theo dây cước bay lên rồi rải giấy màu xuống…. đều là những trò vui, nhưng chưa phải là “tuyệt chiêu” của Kính coong. Cái trò chơi làm cho tất cả những thằng bạn nhà quê hiền lành rất khâm phục và khoái chí là làm lồng bẫy chim. Trọng đã được ông Ngoại ở Hà nội dạy, và làm được những lồng bẫy khá tinh xảo. Tre thì ở nhà quê không thiếu, chỉ cần mang về một lọ keo và một hộp vẹc-ni là xong. Cả bọn xúm lại làm cho nhanh. Trọng không cần tuyển mộ cũng có nhiều thằng xung phong làm phụ thợ, vì những chiếc lồng bẫy xinh xắn làm được đều để lại cho bạn khi anh em Trọng trở ra Hà nội. Trọng phân công mỗi đứa mỗi việc. Đứa khéo tay cho vót nan hay nướng mũi dùi nhọn xiên lỗ khung tre, vụng thì cắt, chẻ tre…Vừa làm vừa nô đùa, ca hát vui hơn cả phường thợ tre người lớn.

Quê nội của Trọng là một làng công giáo toàn tòng. Nhà thờ của xứ đạo toạ lạc ngay trong làng, cách dinh cơ của ông bà nội không xa. Từ cổng làng nhìn vào thấy rõ gác chuông vươn cao trên nền trời xanh. Nhà thờ rất lớn, trông bề thế, cổ kính và trang nghiêm. Sân nhà thờ rất rộng, được bao bọc bởi hàng rào xây bằng đá tảng với cột đá và chấn song sắt. Cổng rào hình vòm cung bằng sắt uốn có hoa văn, ở giữa là một cây thánh giá kiểu La Mã sơn kim nhũ. Hai cánh cổng bằng sắt rất nặng luôn luôn mở rộng. Từ cổng nhìn vào, nhà thờ nằm về phía tay trái. Bên phải là một vườn cây thật rộng với rất nhiều cây cao toả bóng mát, nên đây là một địa điểm lý tưởng để bẫy chim. Mỗi lần Trọng và lũ bạn vào vườn đặt bẫy là phải cử hai đứa canh chừng, một đứa lảng vảng gần cổng, một đứa ở phía sau nhà thờ gần văn phòng của ông Trùm, để khi thấy ông xuất hiện là báo hiệu ngay. Việc bẫy chim thật sự chẳng hại gì cả, nhưng trẻ con vốn sợ ông Trùm nên làm gì cũng phải e dè. Có một lần, vào vườn bẫy chim vành khuyên, chưa kịp làm gì vì cả bọn say mê theo dõi một chú chim với bộ lông xanh lục thật mượt và ánh lên một màu vàng chu tuyệt đẹp đang nhảy nhót trên cành, giọng hót thật dài nghe khoái tai quá, nên ông Trùm đến gần lúc nào không hay. Thằng Tuất, biệt danh cu Sếu vì tướng cao lêu nghêu, trèo cây rất tài, đang ôm chiếc lồng bẫy, định co giò bỏ chạy thì nghe ông Trùm nói thật to “Đứng yên cả đấy”. Sếu vội buông lồng chim xuống, dáo dác nhìn quanh, mặt xanh mét vì sợ. Ông Trùm nhìn tên đầu đảng Kính coong, bảo: “Đi vào đây”. Trọng bình tĩnh đưa mắt nhìn lũ bạn đang ngơ ngác sợ sệt, gật đầu mấy cái rồi nắm tay em chạy theo ông Trùm. Một lúc sau, cả đám nhẩy cẫng lên vui mừng khi thấy hai anh em Trọng, mỗi đứa một đầu, vác ra một cây tre dài cả mấy thước, đã được vuốt nhánh và có gắn cái móc ở trên đầu. Thế là hết sợ. Ông Trùm không cấm, mà còn làm cho một cây tre thật dài để treo lồng bẫy lên cây, khỏi phải leo trèo đỡ ngã gẫy cổ. Đó là một kỷ niệm vui bất ngờ và nhớ đời của Trọng có được với ông trẻ tốt bụng và đáng kính của mình.

Lũ trẻ nhà quê còn có hai hung thần đáng sợ. Đối với ông Trùm, chúng tuy sợ nhưng vẫn kính trọng, còn hai tên này thì thật đáng ghê tởm. Một tên là mõ Hiếng, thằng mõ của làng, với khuôn mặt xấu xí, gặp trẻ con ở đâu là trợn mắt, phùng mang làm ma để hù doạ trông phát khiếp. Không ai biết tên thật của hắn. Mọi người gọi là Hiếng vì trên bản mặt nhọn hoắt của chàng ta mỗi con mắt nhìn sang mỗi phía và lại chếch lên trên. Đó là đôi mắt hiếng. Người nhỏ thó, ốm tong teo nhưng có giọng nói oang oang nên được giao cho việc làm mõ làng. Là một người không biết xuất xứ từ đâu, trôi giạt đến và sống trong một chiếc chòi nhỏ ở cuối làng từ lâu lắm rồi. Làm việc làng thì biếng nhác, chỉ chuyên rình mò ăn trộm vặt nên ai cũng đề phòng hắn. Còn tên kia là tuần Sứt, tuổi độ trung niên, mặt rỗ và sứt môi. Khi xưa, hắn làm trương tuần cho làng. Thay vì làm nhiệm vụ đi tuần ban đêm để canh phòng, giữ an ninh cho làng xã, hắn đã tiếp tay với bọn thổ phỉ đi trộm cướp nên bị tù. Khi mãn hạn tù bị bãi chức. Từ đấy, hắn trở thành một tên du thử du thực, thường la cà đến những đám ma chay, cúng tế xin rượu uống, ai không cho là gây sự phá quấy. Không còn được làm trương tuần nữa, nhưng hắn vẫn xưng là tuần Sứt. Trẻ con gặp hắn ở đâu là bỏ chạy cho thật xa, nếu hắn tóm được là bị nắm cổ, bắt cúi đầu thưa “bẩm ông tuần ạ !”.

Chiến tranh chấm dứt. Đất nước bị chia đôi. Ông Trùm từ làng quê ra Hà nội với lời nhắn của Bà nội gởi Bố của Trọng và các Bác các chú là giá nào cũng phải đưa gia đình di cư vào Nam, Bà đã quyết định ở lại với cô út để chăm sóc mồ mả gia tiên. Bác cả thúc giục mọi người đi trước, còn Bác cấp tốc về quê để thuyết phục Bà cùng đi….

Thế rồi, những ngày đen tối đã đến, với tai họa chết chóc bi thương phủ trùm lên một nửa đất nước…Khi đội cải cách ruộng đất về đến làng, ngay đêm hôm đó, trong khi dân làng bị cưỡng bách tập họp trong sân nhà thờ để nghe phổ biến chính sách đấu tố địa chủ, thì dân quân du kích lùng sục, khám xét nhà thờ rồi mang ra sân một lá cờ tam tài và một số giấy tờ viết bằng tiếng Pháp. Chúng tuyên bố là Cha xứ làm gián điệp cho Pháp, rồi trói gô lại và dẫn đi ngay. Từ đó, không một ai được gặp lại Cha nữa. Sau đó, một danh sách địa chủ được đọc lên, đầu tiên là tên Bà nội của Trọng, sẽ bị nhân dân đưa ra hài tội và đấu tố. Trong đêm tối âm u, những bó đuốc cắm chung quanh soi ánh lửa chập chờn, đe dọa trên những khuôn mặt ngơ ngác đầy thảng thốt và sợ hãi của dân làng. Hiện trường bao trùm sát khí khi tên đội trưởng cải cách lên giọng phổ biến chính sách của đảng, nhà nước và những điều phải làm của quần chúng nhân dân để nhổ tận gốc, bốc trọn rễ bọn giai cấp bóc lột. Điều nào điều nấy, nghe ra đều là những nhát dao cứa cổ hết. Để làm tăng thêm không khí sắt máu cho buổi tập họp, có chừng mười tên đi rảo chung quanh, quần áo thì nhếch nhác nhưng đội nón cối, đi dép râu, hai tay ôm súng thỉnh thoảng lại lên cơ bẩm như chuẩn bị để bắn. Và thật bất ngờ, trong số công cụ “trấn áp phản động” ấy có hai tên đầu trộm đuôi cướp là mõ Hiếng và tuần Sứt. Cả hai thằng, đêm ấy, được đội nón cối, cầm mã tấu, nhìn dân làng với cặp mắt toé lửa căm hờn. Ngay sau buổi tập họp ấy, nhà của Bà và những người đã hài tên bị canh gác và cô lập, nội bất xuất ngoại bất nhập. Địa chủ bị giam lỏng tại gia, chờ nhân dân xét xử. Từ ngày đó, toàn thể dân làng, kể cả bà con thân tộc, đều là “nhân dân”, được hướng dẫn và bó buộc phải làm những điều phi lý, phi nhân để chống lại một bà cụ hiền lành, đạo đức, trót mang tội giàu có mà thôi. Trong số nhân dân ấy, có người mang ơn sâu nặng của Bà, đã bày tỏ thắc mắc với những ông trời con là đội cải cách rằng tại sao một người suốt đời chỉ biết giúp đỡ kẻ khốn cùng như Bà, điển hình là trong nạn đói năm Ất Dậu, mỗi ngày Bà nội của Trọng đã nấu nhiều nồi cháo thật to rồi sai người nhà đẩy xe đi khắp làng và sang cả mấy làng bên để cứu đói. Nhiều gia đình, nhờ Bà, đã sống sót qua mùa đói rét kinh hoàng ấy. Ông nhân dân bạo gan dám lên tiếng đó đã bị qui chụp tội chống phá nhân dân, xuyên tạc chính sách của đảng và bị bắt giam ngay để khỏi phát biểu linh tinh.

Bà nội là nạn nhân đầu tiên. Hiện trường đấu tố được tổ chức ngay trong sân phơi thóc rộng mênh mông của Bà. Sáu người được đội đưa ra làm toà án nhân dân mặt mày ngơ ngáo, ngồi nhấp nhổm không yên sau mấy chiếc bàn kê hàng dài ở một bên sân. Bên trái của bàn có đóng một cọc gỗ hình thập tự. Bà nội của Trọng đứng thẳng người, hai tay dang ra và bị cột chặt vào thanh ngang. Bà cụ đáng thương, vẻ người tiều tụy nhưng gương mặt trông vẫn bình thản. Phía đối diện là dân làng, đang ngồi bất động như những tượng đất sét. Dân quân, bộ đội bố phòng nghiêm nhặt. Hai tên vô lại Hiếng và Sứt đang đi tới lui trong sân, mã tấu trong tay, mặt mũi hầm hè ra vẻ quan trọng lắm. Sau phần nghi thức khai mạc, phiên tòa của nhân dân được nghe đội trưởng cải cách đọc bản tội trạng của địa chủ, hàm răng vẩu của hắn cập rập cố lên giọng hùng hồn, đôi mắt lộ nhìn láo liên vào dân làng. Đến phần nhân dân, tuần Sứt là người diễn tuồng đầu tiên. Hắn đến trước mặt bà cụ, buông mã tấu xuống, hai hay xỉa xói vào mặt Bà, nhảy loi choi như một con đười ươi. Hắn đã dùng tất cả những lời lẽ thô bỉ và tục tằn để thoá mạ. Hắn rủa sả rất lâu nhưng giọng thì ngắc ngứ, hình như đang cố đọc bài học thuộc lòng. Bà cụ vẫn yên lặng, không thay đổi sắc mặt. Tới phiên dân làng, tên đội trưởng yêu cầu mãi nhưng không có ai đứng lên cả. Hắn lại lên giọng giảng giải về vai trò lịch sử của nhân dân đã được làm chủ đất nước, phải ra tay triệt hạ giai cấp bóc lột…. Mõ Hiếng và tuần Sứt tay quơ mã tấu, chạy ngược chạy xuôi la hét chửi bới, nhưng tuyệt nhiên không có ai lên tiếng. Tên đội trưởng rút súng ra, chĩa vào dân làng và hét lên “ Ngoan cố à. Có đứng lên không thì bảo !” Cả hiện trường im lặng. Đột nhiên, giọng một ông lão bật lên “Lạy Chúa tôi….” Thế là không ai bảo ai, cả cái đám đông đang ngồi run sợ kia cất tiếng cầu kinh vang động cả xóm làng….Không dằn được cơn nóng giận, tên đội rút súng ra bắn chỉ thiên mấy phát. Nhân dân khốn khổ vẫn tiếp tục đọc kinh…Chợt có một tiếng hô thật to khi thấy Bà cụ khuỵu hai chân rồi đầu gục xuống. Thằng mõ Hiếng vác mã tấu chạy đến bên bà cụ. Nhưng nhanh như cắt, cô út của Trọng chạy theo, nắm được cổ áo hắn vừa lôi ngã bật ngửa ra sau, vừa hét : “Cái thằng Giu đà khốn nạn này. Mày muốn giở trò gì ?!” Khi cô quay sang định đỡ Mẹ lên thì thấy Bà đã ngoẹo đầu qua một bên và tắt thở. Bà tiên phúc hậu của Trọng đã an bình về nước Chúa, tiết kiệm cho lũ sát nhân vô cảm được một viên đạn. Tên đội trưởng còn hậm hực tuyên bố là địa chủ gian ác đã đền tội, yêu cầu giải tán. Hắn còn ra lệnh cho gia đình phải mai táng nội trong đêm hôm đó và phải chôn ở mảnh đất ngoài bìa làng.

Ông bõ già Tám giúp cô út một tay mang xác của Bà vào gian nhà trong sau khi đã cài kín cửa nẻo. Lúc đó, cô mới bắt đầu khóc vật vã bên xác của người Mẹ hiền, sống không trót đời dù đất nước đã hết khổ nạn chiến tranh. Chờ cho cô khóc thật lâu, khi thấy cô bớt xúc động, ông bõ già mới ra dấu bảo cô bước theo ông ra sau vườn. Cô út giật mình, sững sờ khi thấy bác Cả đang ngồi thu mình trong bóng tối, kế bên một chiếc quan tài thô sơ có đựng một bó rơm bện lại trông giống xác người. Khi thấy cô bước ra, Bác đứng dậy lau vội nước mắt và thì thầm : “Em cố nén khổ đau để mà sống. Anh đã dự liệu mọi việc và đã báo cho bõ Tám biết rồi. Bọn chúng sẽ không để yên xác Mẹ đâu. Bó chiếu cái bện rơm này cho vào hòm rồi em với Bõ già đẩy xe tay đi chôn đêm nay ở chỗ chúng nó chỉ định. Huyệt anh đã cho người đào vừa xong. Anh sẽ mang xác Mẹ đi ngay bây giờ. Tối mai, chừng nửa đêm, em cứ ra cổng sau đi về hướng nhà thờ, sẽ có người đón em đi. Thôi. Cứ thế em nhé !” Nói xong, Bác Cả vác xác Bà lên vai và lẫn vào màn đêm. Quả như bác Cả đã tiên đoán, ba ngày sau, tuần Sứt được lệnh dẫn người đến đào mồ của Bà lên để tìm vàng. Khi thấy chỉ có rơm và giẻ rách, tên đội trưởng cải cách tức lồng lộn, gào thét chửi rủa như một con chó dại. Hắn ra lệnh bắt nhốt ông Trùm Kính và bốn người bà con để điều tra. Một tuần sau đó, bốn thân nhân được tha về với thân tàn ma dại, còn ông Trùm bị đưa đi biệt dạng. Về sau, có tin đồn ông bị chúng thủ tiêu và chôn vùi đâu đó tận trên Hòa Bình. Câu chuyện đau thương này do chính cô út kể lại, khi cô có dịp vào Saigon thăm Bố Mẹ của Trọng, sau năm 1975. Trước ngày lên phi cơ di cư vào Nam, Bố của Trọng đã thấp thỏm, trông đứng trông ngồi, chờ bác Cả mà không thấy. Thì ra Bác đã không đành lòng bỏ Bà ở lại. Bác đã cải trang, sống chui nhủi quanh làng quê để chờ đợi, chỉ với một nhiệm vụ thương đau là cướp xác Mẹ mang đi chôn cất ở một nơi xa, để Bà được một lần an nghỉ thiên thu. Trên đời này sao lại có một tình cảnh đau đớn nát lòng như thế, hở Trời !

Trọng ngồi bất động thật lâu, mãi chìm đắm trong cơn mơ….Khi chàng tỉnh lại, mở mắt ra vẫn thấy hai bà già còn ngồi đó. Trọng tháo kính mát ra, hỏi:

- Hai bác có cần điền giấy tờ không, để cháu làm cho ?

Bà già người Bắc ngồi thẳng người lên, mắt mở to ngạc nhiên, cười bảo:

- Thật quí hoá quá. Ông là người Việt. Giúp cho già với nhé!

Nói xong hai bà nhanh nhẹn đứng lên, mở túi xách tay lấy ra giấy thông hành và tờ khai nhập nội đưa cho Trọng. Khi Trọng điền xong giấy tờ cho hai bà thì có một thanh niên ăn mặc lịch sự đến nắm tay bà cụ áo nâu, nói :

- Mẹ ngồi đây mà con đi tìm khắp nơi. Tờ khai nhập khẩu mẹ có mang theo đấy không, để con điền bây giờ.

Bà cụ chỉ sang Trọng, cười bảo :

- Ông đây đã làm giúp cho mẹ rồi !

Chàng thanh niên nhanh nhẩu đứng dậy, bước sang chìa tay ra bắt. Vừa nói cám ơn xong là tự nhiên ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh, thăm hỏi xã giao một cách thân thiện và tự giới thiệu tên là Phong. Khi nghe Trọng hỏi sao không thấy ông cụ cùng về thì Phong vừa nhìn bà cụ vừa nói:

- Em sang đến New Orleans có một thân một mình. Bà cụ thương tình nhận em làm con nuôi thôi anh ạ. Bà thương em lắm !

- Hiện giờ cậu đang làm gì ?

- Em là kỹ sư công nghệ, đang làm cho một công ty chế biến hải sản.

Trọng bất ngờ bị khích động, hỏi lại ngay :

- Kỹ sư công nghệ tốt nghiệp ở Việt nam hay bên Mỹ ?

- Em học nửa chừng ở Phú Thọ rồi vượt biên, sang Mỹ học lại.

- Phong học Công nghệ khoá mấy, bắt đầu năm nào ?

- Em từ đại học bách khoa Hà nội chuyển vào học kỹ sư công nghệ ở Phú thọ năm 1978, tiếp tục năm thứ hai.

- Vậy là cơ khí chứ đâu còn là công nghệ !

- Biết thế, nhưng em vẫn thích nhận mình là kỹ sư công nghệ anh ạ !

- Phong có thể kể rõ nguyên do được không ?

- Vâng. Em kể vắn tắt cho anh nghe. Câu chuyện là thế này. Em có một người chú là cán bộ giảng dạy đại học khuyên em nên xin chuyển vào học ở miền Nam. Trong đó, có trường kỹ sư công nghệ rất nổi tiếng, trước năm 75 đã đào tạo được nhiều kỹ sư lỗi lạc. Hiện giờ đã thành phân khoa cơ khí, nhưng vẫn còn nhiều giáo sư cũ rất giỏi đang dạy. Gia đình em sống ở Hà nội bị o ép dữ lắm vì mẹ em buôn bán linh tinh nên bị xếp vào thành phần phe phẩy. Với lý lịch xấu, học xong cũng khó có việc làm nên ông chú đã vận động giúp cho em chuyển vào học trong Nam may ra thì khá hơn.

- Khó lắm mới xin chuyển được như thế, sao em không học cho xong ?

- Vào học ở Phú thọ, em thấy còn nản hơn. Không khí học tập thật là bức bối. Chú của em nói đúng,những giáo sư từ chế độ cũ được lưu dung giảng dạy rất hay, hay hơn giáo sư miền Bắc nhiều. Vì thế, tuy không còn học với các thầy, em vẫn thích là sinh viên trường công nghệ. Nhưng có điều đáng buồn là các thầy đã bị sinh viên đối xử rất tệ hại…

Trọng ngắt lời :

- Sinh viên nào ? Những tên cội của đoàn và đảng phải không ?

- Thì đã hẳn rồi. Nhưng còn có một số sinh viên cũ cũng trở cờ, đặt điều tố cáo thầy của mình. Bát nháo lắm anh ạ ! Học được một năm, nhân kỳ nghỉ hè em về Bắc thăm nhà, đi xuống Hải phòng thăm người bạn học cũ, anh ta rủ vượt biên sang Hồng kông, thế là em đi…

Câu chuyện tình cờ nghe được từ một người không quen biết, chắc không phải là sự bịa đặt để nói xấu một cá nhân nào, lại trùng hợp với chuyện trò hãm hại thầy để lập công với chế độ mới mà Trọng đã từng nghe được trước đây. Trọng ngồi thừ người, nghĩ đến những vị thầy khả kính chẳng may kẹt lại đã phải chịu đựng ghê gớm. Khi đứng trước lớp học, nhìn xuống những khuôn mặt mới năm trước còn lễ phép, vâng dạ, nay trâng tráo và rình rập thì tâm trạng của các Thầy sẽ như thế nào. Nghĩ đến đó, Trọng thấy lòng quặn đau…

Trên đường về quê, bất ngờ gặp một bà cụ thật giống Bà nội, Trọng bị cuốn hút vào giòng hồi tưởng về chuyện xa xưa ở làng quê. Năm 1955, ở miền Bắc, chính quyền mới tiến hành cuộc cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ. Hàng trăm ngàn người đã oan thác, trong đó có những người thân yêu của Trọng. Thành tích giết người vô tiền khoáng hậu trong lịch sử này có sự góp công của những tên vô lại như mõ Hiếng, như tuần Sứt, ở quê nội của Trọng. Chúng góp phần vào tội ác không thể tha thứ, vì hoàn cảnh đẩy đưa, nhưng hậu thế có thể hiểu được là vì ngu dốt quá nên chúng mới làm những điều bất nhân như thế…. Rồi lại được nghe kể một câu chuyện xưa, đã xảy ra sau năm 1975. Khi cướp được miền Nam, cũng chính quyền ấy phát động phong trào tố cáo “tàn dư phản động” lại được một số sinh viên, là những người có học thức, a dua theo mới là điều lạ, khó hiểu. Đối với Trọng, và có lẽ với nhiều người khác, khi cắp sách đến trường ai cũng được học với rất nhiều thầy, và ít ai quên được người thầy đầu tiên đã khai tâm cho mình khi còn thơ dại mới bắt đầu đi học, và những vị thầy của thời đại học, đã có công đào luyện và trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết về nghề nghiệp để trở thành ngưòi có danh vọng và địa vị với đời. Ơn sâu nặng ấy, nếu không ghi tâm để đền đáp thì thôi, cớ gì lại giở trò phản phúc. Sống trong chế độ cộng sản, nhân dân được đảng cho làm chủ đất nước, nhưng lưỡi gươm trấn áp phản động lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu. Thế nên, “ông chủ bà chủ” nào cũng luôn nơm nớp sợ hãi, cảnh giác mọi thứ. Không ai dám nói những điều mình nghĩ và biết chắc mọi người khác đều như thế. Đời sống không có niềm tin, toàn là che đậy và giả trá nên đạo lý con người bị băng hoại dần. Trong một xã hội mà mọi người phải đối xử với nhau bằng sự dối trá, lọc lừa, và độc ác để tranh sống thì lâu dần cái xấu ấy trở thành quán tính, không còn ai bận tâm đến nữa. Nhưng muốn đạt được tình trạng luân lý suy đồi ấy, con người phải bị áp chế hàng chục năm. Còn chỉ mới sau vài năm, trò đã tố thầy lập công thì thì nhanh quá. Vì đâu nên nỗi ?…Tại sao ? Câu hỏi đau lòng ấy mãi quấn quít trong đầu Trọng trên suốt đường về !


VĨNH NGỘ

30-4-2009.
Post Reply