Tản mạn về truyền thống Kỹ sư Công nghệ

Ngày xưa Công Nghệ, Ngày Nay vẫn còn ...

Moderator: maixuanthanh

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Tản mạn về truyền thống Kỹ sư Công nghệ

Post by maixuanthanh »

TẢN MẠN VỀ TRUYỀN THỐNG
KỸ SƯ CÔNG NGHỆ.


Viết cho kỷ niệm 40 năm ngày tốt nghiệp khoá 10 (12-7-1969)
Riêng tặng NGUYỄN VĂN THÁI và các bạn CN 11.



THẦY TRÒ.

Cùng với nhiều trường khác của Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ, Trưòng Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ là một cơ sở giáo dục cấp đại học đầu tiên của VNCH, chuyên đào tạo kỹ sư đa năng về cơ khí và điều hành , quản trị xí nghiệp. Nói cho văn vẻ hơn, Phú Thọ là nơi xuất thân của nhân tài đất nước để phục vụ cho kỹ nghệ mai hậu. Muốn vào học Phú Thọ, phải trải qua một kỳ thi tuyển khó khăn. Mọi người đều biết điều đó. Chính những sinh viên của Trung tâm càng hiểu hơn ai hết về năng lực của mình. Thế nhưng, có một điều lạ, là chưa có ai từng nghe một sinh viên kỹ sư tỏ ra tự phụ về thành tích học tập của mình. Trước khi chính thức nhập học, ở đâu đó, trong dịp ăn mừng với thân tộc hay đàn đúm với bè bạn, ta có thể nghe những câu nói khoe khoang đôi chút, hay những tràng cười hả hê, nhưng khi bước vào trường lớp thì “niềm vui chiến thắng” này sẽ tắt lịm ngay. Chính cái không khí học tập của trường đã làm công việc “chỉnh đốn tư tưởng” cho sinh viên. Thật mau chóng, những học sinh ưu tú từ mọi miền của đất nước đã tựu tập về đây, hiểu rằng mình chỉ là con số không, và những tháng ngày học tập sắp tới sẽ cần một sự chuyên tâm, dùi mài kinh sử, cố gắng thực tập để mai sau mới có một tương lai vững chắc. Vì thế, lòng tự mãn không còn chỗ đứng ở đây nữa. Cứ nhìn kỹ những gương mặt nam nữ thanh tân, vui tươi hồn nhiên nhưng không kém vẻ thông thái và năng động trong tất cả mọi lãnh vực thì người ta có thể hiểu được tí chút về một khái niệm mơ hồ của TRUYỀN THỐNG HỌC TẬP. Về phương diện học tập, cái điều mơ hồ khó nhận thấy nhưng đã nhập tâm hồi nào không hay này, mà nhân gian gọi là truyền thống, đã trở thành một điều quí giá cho sinh viên. Nói xa hơn, nó đã tạo ra “chất xám” thật cần thiết cho một quốc gia bị tàn phá vì chiến tranh dai dẳng nhưng vẫn mong ngày tàn cuộc binh đao sẽ đến gần, để mọi người sẽ cùng nắm tay nhau xây dựng lại đất nước thời hậu chiến. Ganh đua. Mọi môn học. Mọi nơi. Thường trực. Kiên trì ..... không phải để nhắm vào chén cơm, manh áo sau này mà những người trẻ tuổi chỉ biết nỗ lực nắm bắt những tri thức của nghề nghiệp để tự vươn lên cùng với những hoài bão sáng ngời của lý tưởng.

Trong cuộc chạy đua việt dã này, hay nói rõ hơn, cái truyền thống tốt đẹp này, đã được tác động bởi các vị Thầy Công Nghệ, những người đã đóng góp nhiều vai trò. Nhà cung cấp, đã mang đến cho sinh viên những kiến thức nghề nghiệp. Nhà tổ chức thi đua, với đầy đủ thông tin, cổ vũ và khuyến khích. Cuối cùng là người cầm cân nẩy mực, để đánh giá thành quả thi đua. Chỉ nói riêng về việc khuyến khích học tập, có một tác động tâm lý, thoạt đầu thấy như bình thường nhưng lại có một ảnh hưởng sâu xa và dai dẳng đáng được ghi nhận ở đây, là khi sinh viên được nghe giáo sư Việt Nam kể những câu chuyện đi ra ngoài đề tài bài giảng nhưng không ngờ (hoặc là cố tình) đã gây được một ấn tượng khá mạnh. Chuyện kể về một kỹ sư trẻ đang nắm chức vụ trưởng xưởng cơ khí. Một hôm, có người thợ máy bước vào văn phòng trưởng xưởng, tay ôm một vật khá nặng bọc trong một tấm vải sạch. Anh thợ đặt vật đó lên bàn và nói “ Thưa xếp, cái này chắc tiêu rồi, cần phải thay mới. ” Ông “xếp” trẻ nhìn cái vật lạ hoắc vài giây, cố dấu vẻ bối rối nhìn anh thợ, bảo “ Anh cứ trở ra xưởng chờ tôi chừng 10 phút nhé. Tôi giải quyết cho xong công việc đang làm rồi tôi ra.” Chờ người thợ ra khỏi văn phòng, anh kỹ sư vội lật sổ công tác ra xem. Dò một lúc, mắt anh sáng lên, miệng lẩm bẩm “À. Sửa chữa động cơ diesel…một cơ phận nhìn thấy quen quen…” Anh mở ngăn kéo tài liệu lấy ra sách chỉ dẫn của nhà chế tạo, ngồi xuống ghế, giở nhanh từng trang ra xem. Một lúc sau, “xếp” dựa người hẳn ra phía sau ghế, ngửa mặt nhìn lên trần nhà và cười thoải mái !.... Bấm nút máy liên lạc nội bộ, “xếp” nói thật dõng dạc “ Bác Sáu, trưởng kho phải không ?...Bác coi giùm kho mình còn con heo dầu nào của máy Cater…..không. Nếu có, Bác làm thủ tục xuất kho một con cho nhóm thợ anh Chín giùm nghe Bác. Xin cho mang phiếu lên văn phòng, tôi sẽ ký ngay.” Xem ra, anh kỹ sư trẻ này cũng khá thông minh lanh lợi, nhưng hậu vận chưa biết ra sao !

Nghe xong câu chuyện vừa rồi, cả lớp cười. Có lẽ, tức thời, cười vì thấy anh chàng kỹ sư ấy nhanh trí quá, giải quyết công việc một cách nhanh gọn để không ai có thể biết mình dốt. Nhưng khi không khí lớp học trầm lắng trở lại, thì sinh viên sẽ mơ hồ cảm nhận được rằng, đây không phải là một chuyện vui nghe qua rồi bỏ, mà là một chuyện ngụ ngôn, chất chứa một thông điệp, một nhắn nhủ chân tình của Thầy mình, một lời khuyên nên học tập cho thấu đáo, để mai này khỏi có lúc phải bối rối như thế ! Đã bước vào nghề mô phạm, chắc không có một vị Thầy nào muốn đào tạo học trò kém cỏi, nên mỗi vị có một cách riêng để khuyến khích sinh viên phải chuyên cần học tập. Kể chuyện “ngoài lề” trong lớp học, như vừa kể, thật là một phương pháp tuyệt hay, tạo được không khí vui nhộn, thoải mái, không động chạm đến ai cả, mà lại có kết quả….cao hơn mong đợi. Có một cách khác, cùng mang đến một hiệu quả, là những câu nói “khích tướng”, thoạt nghe thấy nhẹ nhàng nhưng tác động lâu dài lắm. Giáo sư “Papa” Nguyễn Phước Du đã nhắc lại nhiều lần “Là kỹ sư công nghệ, các anh không thể nói là không biết mà chỉ có thể nói là chưa biết thôi. Chưa, thì học cho biết. ” Papa giảng bài, nói chuyện lâu lâu lại gằn giọng và nghiến răng để nhấn mạnh sự nghiêm túc của vấn đề, nhưng với câu nói bất hủ này thì không cần thiết. Tôi tin rằng, những người đã từng học với Papa Du không thể quên được lời “khích động” tuyệt chiêu này.

Ngược lại, quí Thầy người Pháp, nhiều vị đã áp dụng một cách mạnh mẽ hơn. Mặt đối mặt, lớn tiếng, giận dữ, cau có. Ngôn từ sống sượng, phũ phàng, không cần e dè, đã mang đến cho sinh viên “đối tượng” một cảm giác thật phức tạp. Buồn bã, vì tự ái bị tổn thương trước vẻ mặt đằng đằng sát khí của vị giáo sư khả kính. Câu nói “ Các anh học để ra làm kỹ sư, chứ không phải để làm cu ly !” vang dội trong đầu thật nhiều ngày. Không còn chọn lựa nào khác là phải gắng sức thêm bằng bất cứ giá nào. Cuối năm thi rớt thì tương lai sẽ thành cu li không khó ! Thế nhưng, cái cảm giác ê chề, nhục nhã đó đã phần nào phai đi khi anh sinh viên này trở thành một người “bàng quan”, chứng kiến một “đối tượng” khác bị “hành hạ” ngay trước mắt mình trong cơ xưởng, một ngày khác. Cũng gương mặt bừng bừng nóng giận ấy khi “chiếu tướng” nạn nhân, chỉ vài giây sau, quay sang phía khác nhìn các sinh viên “bàng quan”, chiếc mặt nạ phẫn nộ lập tức rơi xuống và hiện trở lại một bộ mặt thông thái tươi cười thật dễ cảm !

Cùng một mục tiêu khuyến khích sinh viên học tập khá hơn, nhưng cách thế khác nhau nhiều quá. Một phương thức nhẹ nhàng, êm dịu, nhưng trầm lắng và thâm thúy nên thấm đậm vào lòng người thật dễ dàng…Đó là Đông phương. Cách thứ hai, thẳng thắn, phải nói là quá… thẳng thừng, dõng dạc, không màu mè, che đậy. Không cần quan tâm đến cảm giác của người tiếp thu, miễn sao được việc thì thôi….Đấy là Tây phương chứ còn gì nữa ! Thế gian thường nói “Đông là Đông. Tây là Tây. Đông Tây không thể nào gặp nhau”. Xét qua những chuyện đang kể, thấy quả tình có thế thật. Nhưng, suy lại, chúng ta thấy, ở ngôi trường thân yêu của mình, những vị Thầy khả kính của chúng ta, Tây cũng như Đông đều “gặp” nhau ở tấm lòng quyết dốc tâm truyền thụ những hiểu biết của mình và muốn cho môn sinh sẽ trở thành anh tài.

Đến đây, tôi muốn bày tỏ thêm một chút suy nghĩ về truyền thống tuyệt vời này. Nhìn qua năm châu bốn bể, những ngôi trường danh tiếng có những truyền thống đáng tự hào, thường là những cơ sở giáo dục đã có từ lâu đời. Phải chăng, truyền thống là kết quả của những giá trị do nỗ lực đóng góp, tích lũy và phát huy qua nhiều thế hệ nối tiếp. Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ được thành lập năm 1955. Cho đến những năm cuối của thập nên 60, nghĩa là chỉ mới hơn 10 năm, đã có rất nhiều kỹ sư xuất thân từ trường đảm trách những vai trò then chốt và quan trọng ở hầu hết các cơ sở kỹ nghệ miền Nam Việt Nam. Riêng ở các cơ quan chính phủ, có người nắm chức vụ Viện trưởng, Thứ trưởng…Đó là niềm hãnh diện chung, và cũng thật đáng để tự hào. Đã hơn bốn thập niên, trải qua biết bao cuộc thăng trầm, dâu bể…. ngôi trường thân yêu đã bị xóa tên. Nhưng chúng ta, dù còn ở quê nhà hay đang ở bất cứ nơi nào trên bước đuờng lưu lạc, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi hồi tưởng về mái trường xưa, mấy ai không nhớ và tri ân những vị Thầy khả kính của mình. Tấm lòng tri ân sâu xa này, không hề phai nhạt theo năm tháng, tuy là một thể hiện của đức tính “tôn sư” của đạo lý Đông phương, nhưng riêng ở ngôi trường của chúng ta, chỉ hiện diện có 20 năm ở miền Nam tự do, đã là một TRUYỀN THỐNG TÔN SƯ đáng được đề cao.

Viết về quí Thầy Công Nghệ, tôi nhớ, có lần, được một anh bạn nhắc nhở và có ý trách là tại sao chỉ nói về những giáo sư “hàn lâm”, mà ít nghe kể những “moniteurs” ở Cơ xưởng. Thật sự là chưa có dịp mà thôi, vì bản thân tôi cũng có nhiều kỷ niệm thật đáng nhớ với những vị này, những người đã dạy cho chúng ta những điều thiết thực rất quí cho hành trang vào đời của một kỹ sư đa năng, đa hiệu. Sự hiện diện của quí vị Phụ tá Giáo sư, trong mỗi nghề chuyên môn của chương trình, ở một cơ xưởng công nghệ tối tân bậc nhất thời đó, đã góp phần hiệu quả cho việc đào tạo. Tác phong thân thiện, gần gũi và cởi mở của quí Thầy đã tạo nên mối giao tình thắm thiết với sinh viên, đặc biệt là với một nửa là “tay mơ”, mới tập tành làm quen với máy móc, cơ giới. Xin kể chuyện một ông Thầy rất đặc biệt về nhiều phương diện. Thầy Nguyễn Văn Vầy, dạy môn “Nguội”, tức là nghề dũa sắt, cái nghề “bở hơi tai” vô cùng ngán ngẩm, mà những anh chàng “tài tử” cứ càng đổ nhiều mồ hôi chừng nào là miếng sắt càng “bôm bê” nhiều chừng nấy, mới là phiền đời ! Chúng tôi thường gọi Thầy là Papa, và xưng hô của Thầy với chúng tôi là “tao” và “tụi bây” một cách thoải mái vậy thôi. Thầy có dáng người nhỏ, trông gầy yếu nhưng lúc nào cũng đùa vui với giọng cười to và sảng khoái. Trong những giờ thực tập “trần ai lai khổ”, lúc nào Thầy cũng chạy loanh quanh kế bên…Nhìn một tên đang “đánh vật” với thỏi sắt, Thầy cười hà hà “Ê ! Đang nhảy tango hả mậy ? Muốn dũa cho ngon phải đứng cho đúng thế như vầy nè nha..” rồi Thầy xô hắn ra, cầm cây dũa đứng biểu diễn cho coi. Xong, bắt làm lại y như vậy một hồi mới đi chiếu cố tới đứa khác… Thỉnh thoảng, chúng tôi mời Thầy ra quán ăn trưa và lần nào cũng gọi cho Thầy một chai 33, vì biết Thầy thích uống bia. Bắt chước tính vui đùa của Thầy, có đứa thử “cà rỡn” “Trưa nay, mình đi ra quán thăm cô Bé nghe Papa !” Ông trợn mắt, cười hà hà, la “Cái gì. Thăm cô Bé hay cô lớn là tụi bay thăm. Không có tao à nha. Tao già rồi !” Bé là tên cô gái, con ông bà chủ quán ăn sau trường Công Chánh, sát bên Cơ xưởng. Ra quán, Papa ăn rất ít, nhâm nhi ly bia và kể chuyện đời cho lũ học trò nghe chơi. Đủ thứ chuyện thú vị, từ câu cá rô ở quê cho đến chuyện Tây, Tàu… Có hôm, Papa hỏi “ Tao nghe tụi bây nói chuyện với mấy ông tây rôm-rốp-tơ-măng. Giỏi lắm. Nhưng có thằng nào dám dịch mấy câu thơ bình dân qua tiếng Pháp hôn ?”. Không chờ trả lời, Papa lên giọng ngâm nga “ Chiều chiều chim vịt kêu chiều. Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.”. Chờ cho bọn trẻ ú ớ một lúc, Papa cười cười, bảo “ Thua rồi phải hôn ? Nghe đây…Soir soir oiseaux canard cris soir…...” Tới đó thôi, cả lũ ré lên cười khoái trá, làm cho cả nhà chủ quán phải chạy ra nhìn xem chuyện gì mà vui quá !

HUYNH ĐỆ

Năm 1967, Trường Kỹ sư Công nghệ bắt đầu tổ chức Lễ Nhập môn cho tân sinh viên của Khóa 12. Buổi lễ được cử hành tại Cơ xưởng, với sự hiện diện của Ban Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ và Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, cùng với khách mời và gia đình tân sinh viên. Sau những nghi thức lễ, huấn từ, giới thiệu…. là tiết mục tân sinh viên trình diện “Ông Thần Công nghệ”. Đây là phần quan trọng nhất của buổi lễ, rất sống động, hoạt náo và vui nhộn.. đã gây một ấn tượng mạnh mẽ cho tân sinh viên cùng với gia đình, và mang lại cho mọi thành viên tham dự buổi lễ một kỷ niệm vui, khó quên. Từ đó, Lễ Nhập môn trở thành một lễ truyền thống, được mọi người nô nức chờ đợi hàng năm. Mỗi anh “lính mới” áo quần bảnh bao, tóc tai chải chuốt đều phải trình diện “Ông Thần” để được thử sức cho “biết đá, biết vàng”. Sinh viên năm thứ ba, khóa 10, là khóa đàn anh đỡ đầu, chọn một người đủ tiêu chuẩn đóng vai Thần Công nghệ. “Ông Thần” xuất hiện bất ngờ đúng thời điểm, từ đầu cho đến chân là trang phục an toàn của lò đúc. Mũ trùm đầu, quần áo giáp, bao tay bằng vật liệu chống nóng, đôi ủng có ghệt to tướng làm cho “Ông Thần” thêm “khổng lồ”, đi đứng nghênh ngang giữa một sân bày đầy những bàn kẹp, búa đe, dây xích..giống như những hình cụ tra tấn trông thật khiếp đảm. Trước buổi lễ này, những đàn em mới tinh không được biết gì hết về chương trình lễ, nên khi thấy “Ông Thần” bước ra mọi người cười rộ lên vì ngạc nhiên và thích thú. Khi anh lính mới đầu tiên lên trình diện, Thần Công Nghệ bắt đầu cất tiếng sang sảng hỏi thăm sức khoẻ và tiếp theo đó là đủ mọi trò, từ nện búa lò rèn, cưa cắt, cho đến vô dầu mỡ…. Thần ra sức hò hét, hô hiệu lệnh…và đàn em thì lính quýnh chạy ngược chạy xuôi, có khi bò lê bò càng, quần áo tóc tai lấm lem, mệt muốn té xỉu mà chưa được buông tha… Từng tràng cười rộn rã vang lên ở phía quan khách và những hàng ghế sau dành cho gia đình sinh viên. Trên mấy hàng ghế phía trước, tân sinh viên ngồi im lặng, vẻ mặt băn khoăn lo lắng chờ tới phiên mình !

Trong các quân trường, các sinh viên sĩ quan tương lai cũng phải chịu những trò “hành xác” như thế, trong một chương trình gọi là huấn nhục, thường kéo dài nhiều ngày và khổ ải hơn nhiều để tập sức chịu đựng bền bỉ về thể lực. Còn ở trường kỹ sư công nghệ, tân sinh viên muốn nhập môn cũng phải qua “thủ tục” này. Những màn gọi là thử sức tuy chỉ diễn ra trong chốc lát, nhưng thật quá bất ngờ và mạnh bạo đã làm cho đàn em hoảng hốt và chới với…Cái tâm trạng “bần thần” này sẽ lưu lại trong lòng lâu lắm. Rồi, hai năm sau, một trong các “lính mới” này sẽ đóng vai “Thần Công nghệ” trong lễ Nhập môn. Càng những năm về sau, càng có nhiều sáng kiến được phát huy để cho buổi lễ thêm hào hứng và nhớ đời. Làm cho người khác phải chịu đựng khổ nhọc để tự thấy vui thú là một căn bệnh tâm thần, nhưng hành xác một người để nhiều người khác chứng kiến phải cười vui, và “nạn nhân” không oán giận mà lại nhớ mãi, xem đó là một kỷ niệm đẹp, thì nên gọi là gì nhỉ ?

Dưới mái trường Công Nghệ, những tân sinh viên sẽ cùng sinh hoạt và học tập với ba khoá đàn anh và ba khoá đàn em để hành trang vào đời sẽ đầy ắp những kỷ niệm đáng ghi nhớ. Với mảnh bằng kỹ sư trong tay, dù có cơ hội được tiếp tục học cao hơn hay ra làm việc ngay, chúng tôi sẽ gặp gỡ lại những đàn anh . Giao tình huynh đệ, ở vào một hoàn cảnh khác, nhưng vẫn không thiếu tình thân ái đồng môn, tuy cũng có những cuộc “hạnh ngộ” bắt đầu bằng sự bối rối và ngỡ ngàng ..…như trong câu chuyện sau đây :

Một kỹ sư mới tốt nghiệp đến nhận việc ở một công ty. Anh rất mừng khi được đón tiếp nồng nhiệt bởi vị chỉ huy trực tiếp là một kỹ sư đàn anh đã có bốn năm trong nghề. “Xếp” đích thân lái xe đưa anh đi thăm tất cả những cơ sở của nhà máy. Khi ra đến khu khai thác đá, thấy chiếc xe xúc tắt máy đang gác một gầu đá đầy trên thùng xe tải và người tài xế đang loay hoay bên ngoài buồng lái. Trời sáng, nhưng khu hầm đá ngập nước vì đang mùa mưa và xe xúc đang nằm giữa một bãi nuớc mênh mông. Xe dừng lại. Xếp bước xuống, đội mũ an toàn lên đầu rồi chẳng nói thêm tiếng nào, xăng xái lội nước ra xem xe xúc hư hỏng ra sao. Đàn em cũng bước xuống…đứng lớ ngớ, bối rối không biết phải làm sao… Muốn cởi đôi giày láng coóng, săn ống quần lên để lội nước đi theo, nhưng cứ ngần ngừ, phân vân, lóng ngóng mãi …. Cuối cùng, thì cứ đường hoàng và bảnh bao như thế lõm bõm bước theo. Chờ cho chàng kỹ sư mới an toàn leo lên được trên bánh xích của xe, Xếp mới quay lại cười bảo “Ủa. Sao không tháo giày ra, để cho ướt hết vậy?!” Đàn em cứ phải cười, và cười méo miệng thôi chứ biết nói gì. Đấy, tự mình làm khổ thân chứ có ai bắt buộc. Anh tài xế xe xúc nhìn “xếp tương lai”, thấy hai ống quần nước đã thấm lên tận đùi và phía dưới đang nhỏ giọt lỏng tỏng, cũng đang cười, nụ cười ra vẻ tội nghiệp nhưng trông …. “xỏ lá” không chịu được !

Năm 1975, khi lịch sử sang trang bi thảm thì một số rất đông kỹ sư đang phục vụ trong các ngành kỹ nghệ, và cơ quan quân dân chính phải chịu chung số phận của kẻ chiến bại, dù việc làm của họ không dây dưa gì đến cuộc chiến. Sự trả thù tàn độc của kẻ chiến thắng, được che đậy bằng mỹ từ “học tập cải tạo” đã giáng một đòn chí tử xuống những phận đời bất hạnh và gia đình của họ. May mắn hơn một chút, tạm thời có một số kỹ sư được “lưu dung”, nhưng cũng phải sống trong sự canh phòng và đe dọa thường trực, và không lâu sau đó, cũng bị gạt ra bên lề xã hội. Trong tình cảnh đau thương này, tình thân ái đồng môn Công nghệ trở thành tình tương thân tương trợ, giúp đỡ nhau qua cơn khốn khó, được thể hiện qua một câu chuyện đầy thương cảm :

Một kỹ sư công nghệ, là sĩ quan cấp tá, phục vụ trong một công binh xưởng của quân lực VNCH, đã bị đưa đi tù cải tạo nhiều năm. Khi được thả ra, từ một trại tù khổ sai nhỏ anh bước ra một trại tù khổng lồ khác, cũng với những bức bách và đàn áp y như thế, nhưng với qui mô rộng hơn mà thôi. Không còn đường sống ở phố thị, anh phải đưa vợ con về quê làm ruộng sống qua ngày. Từ một kỹ sư giỏi trở thành một nông dân chân lấm tay bùn, anh phải chấp nhận giã từ những tiện nghi của đời sống thành phố, bước xuống một cuộc đời tối tăm và vô vọng, cả hiện tại và tương lai, không những cho bản thân anh mà còn cho cả vợ con. Đời nhà nông cày sâu cuốc bẩm, nhọc nhằn từ sáng tinh mơ cho đến khi tối trời của anh luôn được “bảo vệ” bằng sự theo dõi và rình rập của những tên công an địa phương tàn ác, lạnh lùng và vô cảm. Người kỹ sư công nghệ thất thời lỡ vận đã sống còn và vẫn đứng vững trên đôi chân hiên ngang để thách đố số phần nghiệt ngã sau nhiều năm dài bị đày đọa thể xác, tra tấn tinh thần trong các địa ngục cải tạo; tiếp theo là một khoảng đời khốn khó, cơ cực vì cơm áo.
Hoạ vô đơn chí, bất thần, một căn bệnh hiểm nghèo đã vật anh ngã. Gia đình anh đã lâm vào đường cùng. Giữa cơn nguy khó, một kỹ sư công nghệ cùng khoá với anh, tuy cũng rất nghèo nhưng đã không quản ngại đường xá xa xôi, thường xuyên đến để giúp đỡ, an ủi cho anh đừng tuyệt vọng và tiếp tục điều trị. Thật là một chiếc rách đùm bọc một chiếc lá tả tơi. Người bạn hiền đến với anh với một chân tình thật hiếm có đã thực sự xúc động trước tình cảnh của chị, một người vợ hiền đã nhiều năm hy sinh, một nắng hai sương tảo tần để nuôi con và tiếp tế cho chồng trong vòng lao lý. Khi anh về, chị lại tiếp tục cuộc đời mưa nắng dãi dầu trên mảnh ruộng nghèo, bên luống rau thưa. Ngôi nhà đơn sơ nơi thôn dã của anh chị, trong cảnh ngặt nghèo, càng thêm tiêu điều. Những bông bí vàng tươi trong vườn nhà xơ xác vẫn đong đưa trong nắng sớm, nhưng nụ cười của hoa vàng hình như héo hắt mỗi khi có cơn gió thoảng qua. Sau một thời gian cố gắng, người bạn của anh biết là không đủ sức để một mình giúp cho bạn qua cơn hoạn nạn, nên đã lên tiếng kêu gọi các bạn đồng môn Công nghệ tiếp tay, và đã được nhiều anh em đang ở nước ngoài hưởng ứng, trong số đó có nhiều bạn cùng khóa với anh. Sự giúp đỡ quí báu này đã đến kịp lúc, và có thể tiếp tục lâu hơn, nếu y khoa hiện đại có thể cứu chữa được, cho dù phải tốn kém. Nhưng, lực bất tòng tâm, anh đã ra đi trong niềm thương tiếc của gia đình và bạn bè.

Câu chuyện vừa kể cho thấy dù Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ không còn nữa, nhưng hơn ba mươi năm sau, những người đã từng xuất thân từ mái trường thân yêu ấy, dù đang ở xa nhau hàng vạn dặm, vẫn nhớ đến nhau vì truyền thống thân ái huynh đệ đồng môn vẫn sống mãi trong lòng của chúng ta. Ước gì, một ngày không xa sắp tới, ngôi trường Công Nghệ thân yêu sẽ được phục sinh giữa lòng quê hương tự do, để những môn sinh lưu lạc khắp bốn phương trời sẽ hẹn về ôm nhau khóc mừng vui.


VĨNH NGỘ.
Post Reply