Viết Về Đại Hội

Post Reply
User avatar
admindd
Site Admin
Posts: 469
Joined: 24 Feb 05, Thu, 7:19 am
Location: USA
Contact:

Viết Về Đại Hội

Post by admindd »

Chuyến đi Chicago dự Đại Hội 7 Kỷ Sư Công Nghệ
Jul-Aug, 2015

Lần nầy tham dự Đại hội , tôi không bay thẳng đến Chicago nhưng bay đến Toronto , rồi từ đó mướn xe hơi qua Mỷ với Vợ chồng Khuê , KSCN đồng khóa 13. Thế là ngày 27/7 trưa đáp chuyến AirTransat xuyên Đại Tây dương qua Canada , khởi hành 15h00 từ Paris đến phi trường Pearson lúc 18h30 Toronto, mất khoảng hơn 8 giờ bay, nhưng mất hơn một tiếng sắp hàng qua Police và quan thuế làm thủ tục nhập cảnh. Vô Canada vẩn còn phải khai trên giấy , dân Canada củng như dân ngoại quốc.

Hôm sau , tôi cùng Khuê đi lấy chiếc xe hơi đả đặt sẳn.. Không muốn thì hảng Avis củng ép mình lấy chiếc xe Jeep Cherockee mới ra ,uống loại xăng mới E85 chỉ có bên Mỷ mà không chịu báo trước
Sáng 29/7 khởi hành sớm lúc mặt trời chưa mọc..Đường đi khá xa , GPS của Khuê tính phải hơn 850 kms , hơn 8 giờ đường.. Đường đi củng khá giản dị. Từ Toronto qua Mỷ phía Tây , chỉ cần lên Highway 401 West..Gần đến biên giới Canada-USA thì có thể chọn hai ngã : qua thành phố Detroit hay Sarnia Tôi chọn Detroit vì xem trên bảng đồ direct và là thành phố lớn hơn. Không ngờ đến gần biên giới để qua USA thì thấy cã đoàn xe hơi nối đuôi nhau qua khoãng 10 trạm kiễm soát.. Xe nào có người ngoại quốc ( như tui từ Pháp ) thì được mời vào chụp hình , lấy dấu tay và đóng 6 đôla , y như đi đường hàng không .Trong thời gian đó , xe bị xét kỷ lưởng xem có đem nhửng đồ cấm như thịt , trái cây.
.
Qua được biên giới thì đả mất một tiếng rưởi.. Từ Detroit chỉ cần lấy Interstate I94 để đến Chicago.. Xem thì dể chứ hệ thống xa lộ Mỷ quá chằng chịt , bảng chỉ trên xa lộ có tên của nhiều highways xài chung một đoạn đường.. Thôi thì phó mặc cho cái GPS , một khi đả nhắm destination là khách sạn 4 points by Sheraton Chicago thì nó chỉ đâu đi đó.

Đến gần Chicago mới thấy sự khủng khiếp của nạn kẹt xe và phức tạp của hệ thống giao thộng. Chicago nằm bên hông hồ Michigan và chúng tôi đến từ hướng Nam hầu như phải đi song song thành phố trước khi đến phi trừong ÓHare Đến Khách sạn lúc 19h30 , xem như tốn 15 giờ cho chuyến hành trình từ Toronto.

Vừa bước vào Khách sạn đã gặp Thầy Cô cựu Giám Đốc trường , bạn bè cùng khóa 13 hay khác khóa cùng chào hỏi vui vẻ. Chúng tôi lấy phòng và cho biết số phòng của nhau để liên lạc. Nhiều bạn đến bằng máy bay , từ phi trường về Khách sạn chỉ mất 15 phút bằng xe bus shuttle cũa Hotel. Sự tiện lợi nầy khiến tôi nẩy ra ý định : thay vì đi xe hơi thăm Chicago với nạn kẹt xe , tại sao lại không dùng phương tiện xe lửa với chiếc shuttle bus nầy sẻ chở mình ra gare ngay tại phi trừong.

Ngày hôm sau 30/7 là ngày tiền Đại hội , tuy nhiên lể chỉ bắt đầu lúc 19H00 thôi. Anh Chị em KSCN còn một số đang lục tục đến. Nhửng bạn đả đến gặp nhau hàn huyên tại sảnh đường của Khách sạn. Tiếng Việt được xài tới mức tối đa , Ai nấy đều vui vẻ , cười đùa. Chúng tôi gặp lại các anh đả quen qua các Họp mặt tại Paris , Los Angeles .Gặp lại Anh D H Hổ vẩn còn bận quần jean đang tất bật lo Hội trường.

Gặp thêm một số KSCN 13 , tôi đề nghị thăm Chicago bầng train như đả dự tính. Thế là cả bọn lên xe shuttle bus của Khách sạn như ra phi trường đón chuyến bay , kỳ thực khi đến nơi , chúng tôi mò ra gare xe lửa đi Chicago. Đả nghiên cứu trước , tôi mua mổi người một vé one day pass mất 10 đôla cho nguyên ngày.

Image

Hệ thống train tại Chicago củng có nhiều tuyến đường và đều nối với hệ thống métro ngoài trời có tên là the Loop ngay trong trung tâm thành phố.Đến Chicago mà không đi xe điện The Loop nầy thì chưa biết Chicago. Xe métro di như xuyên qua các phố xá , trạm métro nằm ngay các góc đường .Chúng tôi xuống 1 đường lớn , ăn sáng tại tiệm Subway và thã bộ theo dòng sông Chicago , thăm đài tưởng niệm các chiến binh Mỷ đã tử trận tại Việt Nam , nơi có mầu cờ VN Cộng hòa bay phất phới.Mọi người đã chán đồ ăn Mỷ nên bàn nhau kiếm Chinatown ăn đồ Tầu. Thế là trở lại the Loop , đổi qua train tuyến đường mầu đỏ để đến trạm Chimak-Chinatown .

Phố Tầu tại Chicago chỉ là những đại lộ dài hai bên có các cửa tiệm người Tầu , đa số là nhà hàng. Đi mãi mới thấy một tiệm có cái chữ PHỞ đành bấm bụng nhào vô. Củng may là tiệm người Tầu nấu nhưng khá ngon , một tô ăn no ứ chỉ có 10 đô. Ăn xong ai củng có sức đi bộ , đi train về phi trường.
Đợi bus tại trạm xe bus shuttle của Hotel Sheraton thì gặp phái đoàn chị Q T Thu vừa bước xuống phi trường , hướng dẩn chị cùng đi bus về Khách sạn.

Mới hơn 18h00 đả có quan khách vào Hội trường. Ai củng bở ngở vì hôm nay củng phải vận bộ đồ vía theo đúng nghi lể , nhiều Anh phải trở về phòng thay áo Veston , đeo caravat.
Mổi người được tặng một cái ly có hình Đại Hội kỷ niệm ,ghi bãng tên vào áo trước khi vào Hội trường.,
Anh Hổ đã công phu làm slide show những hình ảnh các Đại hội KSCN đã qua để các quan khách xem trong thời gian chờ đợi khai mạc.

Sau lể chào Quốc kỳ Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa , 1 phút mặc niệm đựơc dành cho Đồng bào , Chiến sỷ đả bỏ mình vì Tổ Quốc và đả gặp nạn trên đường tìm tự do.
Sau đó là phát biểu khai mạc của Anh Đàm , trưởng ban tổ chức , Anh Dỏng Hội trưởng , Anh Hiếu Tổng thư ký và Anh Đ H Hổ Thủ quỷ báo cáo về chi thu trong nhiệm kỳ 2013-15
Hội nghị đả đồng ý Anh Trần ngọc Dỏng không tái cử theo ý anh và đề cử Anh Nguyễn Hùng Quân thay thề. Các chức vụ khác được tái nhiệm.
Thầy T K Cảnh đã có một bài phát biểu đầy cãm động khi nhắc đến các Anh KSCN đã vỉnh biệt ra đi từ Đại hội 6 2013.

Image

Các bạn KSCN 13 đã đề nghị Đại Hội KSCN 8 2017 sắp tới , để có sự mới mẻ , sẻ tổ chức tại Úc Châu. Anh Quân đã mời các anh phái đoàn KSCN Úc lên phát biểu và cam kết sẻ tổ chức.

Hội nghị bế mạc với màn trình diển văn nghệ rất hay của ban nhạc do Anh Lê hữu Luật Thao và các bạn. Màn múa đầy quyến rủ của 2 vũ nữ 'con rắn' củng làm không khí Đại Hội thêm linh hoạt.Các Anh chị thích khiêu vũ có dịp diều nhau theo tiếng nhạc sống hay theo những bài ca truyền cãm của các ca sỉ trong ban nhạc..
Phần ẫm thực , buffet ngon và dồi dào trong suốt buổi tiệc .
Buổi tiền Đại Hội chấm dứt trong sự luyến tiếc cũa mọi người. Đa số ai về phòng người ấy nghỉ ngơi để đợi ngày hôm sau , du ngoạn Chicago..

Ngày thứ sáu 31/7 , ban tổ chức đã chuẩn bị công phu chuyến du ngoạn thành phố Chicago và 1 thắng cảnh tiêu biểu tại đây. Ba xe Bus được thuê đẻ đón toàn thể phái đoàn đi. Đầu tiên , xe đưa đến bờ sông Chicago để các bạn muốn đi theo Tầu thăm viếng giòng sông có thể xuống bến. Những người khác có thể đi bát phố xung quanh gần đó , Phố xá tại đây toàn những cao ốc chọc trời , những đại lộ thênh thang.Tôi đã đi thăm một ít sáng hôm qua , hôm nay , tôi tiếp tục đi dài theo Đại lộ Michigan với hai bên đường đầy những cữa hàng bán đồ luxe như trên Đại lộ Champs Élysée bên Pháp.

Trạm dừng chân thứ hai là Công viên Millennium nổi tiếng. Ai nấy hầu như đi bộ đã quá mõi chân nên người nào củng tim bóng mát , chổ nghỉ chân trong vườn hoa. Riêng tôi , lại tiếp tục Đại lộ Michigan nhưng về phía nam , có những kiến trúc văn hóa hay thể thao nổi tiếng của Chicago như Cloud Gate , Crown Fountain , Tòa nhà hình hạt đậu..

Đến 5 giờ chiều , tập hợp lần chót lên xe bus để đi đến chổ thăm viếng cuối cùng. Ai củng nghỉ sẻ gần như lần trước..không ngờ xe đi hoài không tới.. một tiếng , rồi gần hai tiếng. Thì ra nơi thăm viếng là một chùa bằng đá hoa cương nổi tiếng của Đạo Hindou .Cởi giầy vào chùa xem các điện và tượng hình các đấng đã sáng lập ra đạo từ 12 ngàn năm trước.Ngòai Chùa Chính bằng đá hoa cương chạm trổ rất nghệ thuật ,còn có một tòa nhà mặt tiền bằng gổ , có đường hầm dẩn qua chính điện của ngôi chùa đá. Đi ra ngoài rồi mà cứ ngở mình chưa vào ngôi chùa lớn.Loay hoay ra xe trể , ai củng đợi mình đễ mong về khách sạn sớm..

Thứ bẩy 1/8 là ngày Đại hội chính thức trên con tầu Odyssey 2 đậu trên cảng Navy Pier .. Ban tổ chức muốn bà con có dịp thăm thắng cảnh nầy nên xe bus se đưa dần dần từ khách sạn ra bến tầu Navy Pier thành 3 chuyến : 14 , 16 và 18 giờ , trong khi giờ khai mạc là 20 giờ
Thế là buổi sáng ngày Đại Hội chính lại không biết đi đâu.Người muốn đi ăn tiệm phở hay đi mua sắm tại một Outlet gần khách sạn . Một số Anh chị nghe nói tôi đã hướng dẩn đi Chicago bằng train chỉ tốn có 10 đô nên kỳ nèo tôi dẩn họ đi. Kỳ nầy đông hơn , gồm 5 cặp KSCN và thân hữu. Thế là 1 lần nữa lên xe bus , train , xuống downtown thăm phố phường .Vì là ngày thứ bẩy nên vắng hẳn người. Nhìn từ xa , chúng tôi thấy Navy Pier và một bãi cát nhỏ có người xuống tắm. Vì chiều nay sẻ đến chổ nầy nên chúng tôi kiếm xe đi Chinatown ăn phở. Về đến Khách sạn đã hơn 2 giờ chiều ,còn kịp giờ nghỉ ngơi và thay đồ trang phục chỉnh tề ra đi chuyến Bus 4 giờ.

Xe Bus từ khách sạn đến Navy Pier phải qua xa lộ trước khi vào trung tâm thành phố, cứ mỗi góc phố là một đèn đỏ. Vậy mà bác tài phải lái 6 bận đi về để đưa hết nhóm khách Việt Nam đến bến. Navy pịer nằm về phía bắc sông Chicago , là chổ giải trí cũa đại chúng , rất lớn và có nhiều trò chơi. Hôm nay lại là thứ bẩy nên thiên hạ đi chen chân không lọt..Tôi và các bạn đến đây lúc 5 giờ nên còn thời gian quanh quẩn Navy Pier , thăm một vườn hoa trong lồng kính và chụp hình.

Khoãng 7 giờ hơn thì mọi người mới xếp hàng lên tầu. Chiếc Odyssey 2 nầy là tầu du ngoạn trên sông khá lớn nên ngoài khách KSCN trên một trăm người chiếm khoan tầu chính , tầu còn có nhiều du khách khác chiếm các khoan nằm phía trên. Tất cã đều ăn bận sang trọng vì cuộc du ngoạn bên bờ hồ Michigan , có ăn uống và xem pháo bông nên khá đắt tiền. Ai nấy an vị xong là nghi lể khai mạc bắt đầu... Củng chào cờ Mỹ Việt , phút mặc niệm..

Sau đó Tầu rời bến để đi vòng bờ hồ Michigan.Lúc ấy thành phố đã lên đèn , Trung tâm Chicago với những cao ốc lấp lánh ánh đèn muôn mầu trông thật đẹp và giầu có. Nhìn từ ngoài vào qua thành phố Chicago về đêm mới thấy sự mới thấy giàu mạnh cũa đất nước Mỹ nầy. Lúc tầu quây vào củng là lúc khởi đầu màn bắn pháo bông tuyệt đẹp từ bên bờ Hồ. Các Anh chị KSCN kéo nhau ra boong sau tầu xem và chụp hình.. Ai củng muốn ghi lại nhũng giây phút ngắn ngủi từng đám hoa pháo muôn mầu trên bầu trời Chicago.

Image

Các bạn củng lợi dụng khung cảnh nầy để chụp hình chung với nhau ,với các bạn đồng khóa. Phần ăn uống khá nhiều đến đổi món sau cùng ăn kiểu buffet tự do ít người chiếu cố tới. Củng như màn khiêu vũ , chỉ còn một số ít anh chị đưa nhau ra sàn nhẩy trong khi chờ đợi xe bus đi về.

Chuyện đi về mới thật là vui và để lại nhiều kỷ niệm. Theo dự tính thì có một xe bus đi làm ba chuyến chở mọi người về theo thứ tự ghi tện .Thế nhưng đến giờ , xe bus không đến đón. Thế là ai nấy tự lo kiếm xe với sự giúp đở cũa Anh Hổ. Anh tìm được những xe limousine có thể chở tối đa 12 người và hối từng đám lên xe.. Trong xe tôi có bạn cùng khóa và các Anh KSCN ngày xưa cựu Cao Thắng , các chị nên nói chuyện , cười đùa như pháo ran. Hóa ra như vậy mà vui hơn đi xe bus và củng là lần đầu tiên trên đời tôi đi xe limousine chỉ tốn 12 đô
Về đến khách sạn thấy Limousine đậu đầy.. Anh em hỏi thăm , từ giả nhau vì ngày mai , kẻ tiếp tục đi du ngoạn , người đi về như tụi tôi .Rất tiếc phải ra đi từ sớm ,không kịp ngỏ lời từ giả ,cám ơn ban tổ chức đã cho các bạn đến từ phương xa những ngày hội họp , vui chơi đầy tình thầy trò ,bạn bè củ.

Chuyến về từ Chicago đến Toronto khá êm đẹp , đi qua biên giới phía Canada dể dàng không phải xuống xe khám xét chi cã. Tôi nói với cảnh sát biên giới tôi còn trở lại Mỹ 1 lần nữa để Ông ta cho tôi giử lại cái visa weaver chứng nhận mình đã qua biên giới Mỹ rồi. Nhờ vậy mà tuần sau đi NewYork , tôi trở lại Mỹ một cách dể dàng.

Tổng cộng chuyến đi về hơn 2300 cây số. Tụi tôi phải đổ xăng trên đất Canada và không tìm ra trạm xăng nào có cái loại E85 cũa cái xe jeep mới ra nầy như tôi đã nói . Hỏi mãi mới biết có thể đổ loại xăng tương đương 87 của Canada. Chúng tôi trể hết một giờ trả xe.. hãng Avis tính luôn một ngày trể.. Nếu không trở lại văn phòng cũa họ để khiếu nại thì mất toi gần 100 đô Canada.
Có thể con đường đi nầy quá dài nhưng củng đáng để trãi qua khi vượt biên giới cũa 2 quốc gia lớn như USA-Canada. Nó làm cho chuyến đi dự Đại Hội KSCN 7 2015 Chicago của tôi và Khuê một kỷ niệm khó quên.

Vũ Đình Thuần , tháng 8 2015
User avatar
admindd
Site Admin
Posts: 469
Joined: 24 Feb 05, Thu, 7:19 am
Location: USA
Contact:

Re: Bài Viết

Post by admindd »

Đại Hội 7 và Những Điều Chưa Nói

Đại hội Kỹ Sư Công Nghệ thế giới lần thứ 7 tổ chức ở thành phố gió Chicago, tiểu bang Illinois, trong ba ngày, từ ngày 30-7-2015 đến ngày 01-8-2015 để đánh dấu 10 năm hội ngộ của KSCN toàn cầu. Đây là một kỳ đại hội được ghi nhận là công phu và tốn kém nhất với một Ban tổ chức gồm đủ mặt 5 anh em KSCN đang định cư ở Chicago.

Trên đường đi phó hội, tôi và bà xã ghé Orange County trước. Sau 5 ngày ở thủ đô của người Việt tị nạn CS, chúng tôi với 3 đồng môn khóa 16 có 2 phu nhân đi cùng, đáp chuyến bay nội địa Spirite theo lịch trình cất cánh lúc 6 giờ 10 sáng ngày 30-7-2015 từ phi trường quốc tế Los Angeles bay đi Chicago. Sở dĩ phải mua vé phi cơ bay đúng ngày Tiền ĐH vì một bạn không thể xin nghỉ phép sớm hơn. Chẳng may, chuyến bay này bị hoãn lại 3 tiếng sau đó hủy bỏ luôn. Phái đoàn 7 người chúng tôi phải chờ cho đến 4 giờ sáng ngày 31-7-2015 mới cất cánh với hãng bay United. Phi cơ còn ghé San Francisco rồi mới bay đi Chicago. Chúng tôi về đến khách sạn Four Points Sheraton, lúc 8 giờ 15 sáng 31-7-2015. Lúc đó, mọi người đã yên vị trên xe buýt chuẩn bị cho chuyến đi thăm thành phố Chicago. Anh trưởng ban tổ chức thấy nhóm 7 người đến trễ bơ phờ mệt mỏi tay xách nách mang trông giống như một nhóm tàn quân tìm đường về được căn cứ nên thương tình, yêu cầu đoàn xe khoan khởi hành và chờ chúng tôi nửa tiếng để sửa soạn rồi đi theo cho vui. Lại một ngày dài ngồi xe và đi bộ.

Image

Chạy theo mọi người đủ mệt nên không còn sức để chuyện trò nhiều dù chúng tôi được chiêu đãi thật nồng hậu trên chuyến đi và có thật nhiều tâm tình muốn nói với Quí Thầy Cô và bạn đồng môn sau gần nửa thế kỷ lưu lạc. Ngày thứ ba, họp mặt dạ vũ trên du thuyền sang trọng Odyssey. Nghi thức tổ chức với nhiều diễn văn, chụp hình lưu niệm, ăn tối xong loay hoay là hết giờ nên cũng không có nhiều thì giờ để hàn huyên tâm sự.

Gặp nhau tay bắt mặt mừng trong nỗi xúc động vô bờ vì đây là lần thứ nhất tôi tham dự đại hội KSCN thế giới và cũng là chuyến Mỹ du đầu tiên trong đời. Những vòng tay ôm siết thật nồng ấm và thân ái, những bàn tay nắm chặt không rời, những đôi mắt nhìn nhau với lệ tràn mi cũng chưa đủ để biểu lộ niềm vui hội ngộ với Quí Thầy, cảm nhận được tình nghĩa sư đồ vẫn đầy ắp trong tâm khảm. Với những đồng môn cùng học dưới mái trường thân yêu, kỷ niệm một thời đẹp nhất của đời người sống dậy, bùi ngùi nhớ những mái tóc xanh xưa giờ đã bạc theo tuổi đời chồng chất. Tôi nhớ, hình như gặp nhau mừng quá nên ai cũng cười to, cười hả hê và nói nhiều, nói thật lớn, tranh nhau nói sợ anh em nói hêt. Sau đại hội, chia tay hồi tưởng lại, những câu hỏi như ra đi hồi nào, cách nào, ra ngoài này làm ăn ra sao … đã được hỏi và trả lời nhưng không còn nhớ được mấy. Giá mà được nói thêm … Vẳng nghe đâu đây có người cười cợt “Lại giá mà, xong rồi bạn hiền ơi. Tại bạn tới trễ, muốn nói thêm phải chờ đại hội tới!” Thôi được, không kịp nói ở đại hội thì bây giờ viết ra vậy. Mời xem “đại hội 7 và những điều chưa nói”.

TRI ÂN.

Tôi rời quê hương khốn khó một ngày tháng 4-1980. Sau nhiều chuyến đi do người khác tổ chức không thành công, tôi quyết định tự đóng ghe để đưa vợ con ra đi từ Rạch Giá. Gia đình bên vợ có nhiều người can ngăn vì biết rằng dù vượt biên là chuyện sinh tử nhưng tự đóng ghe thật là liều mạng. Thời gian cấp bách, tôi không thể kể là với một kỹ sư công nghệ tốt nghiệp với dự án đóng một thương thuyền năm ngàn tấn của môn Kiến trúc hàng hải, học với GS Lê Mạnh Hùng, thì đóng một chiếc ghe bằng gỗ dài 10 thước bề ngang 2 thuớc 9 là chuyện dễ, chỉ còn trông cậy vào yếu tố bảo mật để giảm phần may rủi thôi. Nhờ người mua gỗ từ nhiều xưởng cưa khác nhau ở thị xã, mỗi ngày tải một ít vào bãi đóng ghe ở nơi thật xa và kín đáo. Sau ba tháng, chiếc ghe hoàn tất trông khá vững chải với khung sườn bắt bằng bù loong thay vì đóng đinh, được hạ thủy xuống một con rạch có cây cối che khuất. Chiếc động cơ diesel 20 mã lực cũ của người bạn mua giùm được tân trang và tháo rời từng cơ phận cũng được chuyển vào bãi đóng tàu làm nhiều chuyến vào ban đêm. Máy được ráp lại trên thuyền ngay sau khi hạ thủy. Cân máy và hộp số, nối trục và chân vịt , châm dầu mỡ xong giật một cái máy nổ ngay. Đây không phải do may mắn hoàn toàn mà còn nhờ những kiến thức đã học ở trường. Lý thuyết động cơ nổ học với GS Bùi Tiến Rũng và thực hành với Thầy Porteil ở cơ xưởng. Chiếc ghe nhỏ này đã chịu nổi những lượn sóng dữ dằn suốt hai ngày đêm giông bão hãi hùng và chiếc động cơ vẫn nổ đều đặn êm ả mặc cho thuyền chồng chềnh ngụp lặn trong sóng gió bất tận để đưa chúng tôi vào đất Thái an toàn sau 72 giờ hải hành.

Gia đình chúng tôi chỉ ở trại tị nạn 4 tháng rồi được đi định cư ở Úc. Đặt chân đến thủ phủ tiểu bang Tây Úc là Perth, hai ngày sau tôi gởi đơn xin việc kỹ sư cơ khí cho một công ty sản xuất cơ giới hầm mỏ và được hẹn phỏng vấn vài ngày sau. Người tiếp tôi là John B. kỹ sư trưởng của công ty. Tôi đã trình bày hoàn cảnh khi đổ bộ lên đất Thái, cả một làng chài lưới xông ra cướp sạch hết mọi thứ quí giá và xé bỏ tất cả giấy tờ tùy thân, nên không có bằng cấp xuất trình. Tôi đề nghị cho thi hoặc thử việc để chứng tỏ khả năng. Đang ngần ngừ thì có tiếng gõ cửa rồi một cô thư ký mang vào một xấp hồ sơ. Ông ta mở ngay hồ sơ đầu tiên ra xem, cười tươi rồi rút ra một tờ giấy vẽ phác họa một trục máy trao cho tôi bảo: “Nếu anh tính được đường kính của trục máy này tôi công nhận anh là kỹ sư và nhận anh vào làm”. Nhìn bản vẽ một trục máy dài 1350, đường kính thay đổi với đầy đủ lực tác động, tôi đã cười vui vì thấy như trúng số. Ngẩng lên thấy ông ta cũng cười theo, tôi hỏi ”Đây là trục của trống cuộn dây cáp máy xúc phải không?” Ông ta đứng lên nhìn tôi cười hà hà, vỗ vai tôi rất thân mật bảo “Nếu là Giám đốc tôi nhận anh vào làm ngay bây giờ. Tôi cần chứng cứ trình cấp trên nên anh phải tính kích thước cái trục máy này. Tôi dẫn anh vào thư viện của công ty, ở đó có nhiều sách kỹ thuật cho anh tham khảo. Tính xong trở lại gặp tôi”. Khoảng một giờ sau tôi nộp kết quả. John nhìn thoáng qua rồi lại đứng lên cười bảo “OK. Chúng tôi sẽ trả lương anh ……. đô/năm. Nếu đồng ý ngày mai anh bắt đầu làm việc.” Tiền lương khởi điểm này cao hơn mức tôi mong đợi nhiều lắm, nên tôi OK OK lia lịa. John dẫn tôi xuống văn phòng nhân viên làm giấy tờ và xuống kho nhận đồng phục liền. Công việc của tôi với công ty này là nghiên cứu cải thiện năng xuất của cơ giới. Tôi được công ty tăng lương nhiều lần. Đúng là may mắn, chân ướt chân ráo nơi xứ người đã có việc làm ngay. Đoạn kế tiếp không thể gọi là may mắn nữa, làm được việc bởi vì chàng đệ tử đời thứ 10 của Cơ nhạc đã khổ công tập luyện hai môn võ công trấn sơn là “Kỹ thuật học chuyên nghiệp” và “Sức chịu vật liệu”, được chân truyền từ hai Đại sư Trần Kiêm Cảnh và Nguyễn Đôn Phú.

Xin đừng xem những lời kể ngắn gọn vừa qua của đoạn đầu cuộc đời ly xứ của tôi là khoe khoang, bởi vì những việc tôi làm khi vượt thoát nằm trong hoàn cảnh “do or die” mà thôi, rồi công việc kiếm cơm nơi xứ người cũng quá bình thường. Tôi viết lại đây, vừa theo yêu cầu của vài anh em đã được nghe kể ở Đại hội 7, vừa muốn nói lời tri ân mà tôi đã ấp ủ suốt quãng đời phiêu bạt đến Quí Thầy Bùi Tiến Rũng, Porteil, Trần Kiêm Cảnh, Nguyễn Đôn Phú cùng tất cả giáo sư của Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ đã dày công dạy dỗ, đào tạo được một đội ngũ kỹ sư phục vụ đắc lực cho việc phát triển kỹ nghệ, xây dựng đất nước phú cường trước năm 1975. Theo vận nước nổi trôi, một số kỹ sư công nghệ rời bỏ quê hương ra nước ngoài sinh sống và làm việc. Không kể những người tài năng vượt bực đã lập nên những thành tích ngoại hạng, dương danh xứ người; những kỹ sư tầm thường như bản thân tôi cũng nhờ những điều học hỏi được ở trường mà có được cuộc sống sung túc để nuôi dạy con cái nên người hữu dụng theo sở nguyện trước khi liều chết ra đi vì tương lai của con thơ.

Tôi đã được hội ngộ hai ân sư là Thầy Trần Kiêm Cảnh và Thầy Nguyễn Đôn Phú ở ĐH 7 Chicago. Vì đến trễ một ngày nên tôi gặp lại Thầy Cô Cảnh lần đầu sau 46 năm xa cách trên thuyền du ngoạn xem kiến trúc thành phố Chicago.

Image

Tôi biết Thầy Cô ráng đi dự đại hội kỳ này một phần vì có tôi. Phần tôi, đã quên đi những ngại ngần và lo toan vì đường quá xa mà sức khỏe kém để gặp lại Thầy Cô ở thành phố gió tuyệt đẹp của xứ Cờ Hoa vĩ đại này. Thời gian là vũ khí có sức tàn phá ghê gớm không ai chống đỡ nổi. Trong tâm trí tôi, hình ảnh Thầy Cảnh mãi là một giáo sư năng động, tướng mạo hiên ngang, luôn tươi cười khi còn ở dưới mái trường thân yêu. Buổi trưa hôm ấy, ngày 31-7-2015 trên du thuyền chạy trên sông thành phố Chicago ngập gió và chan hòa nắng đẹp, thầy trò ôm chầm lấy nhau trong cơn xúc động trào lòng. Biết là Thầy không còn trẻ nữa nhưng khi nhìn gương mặt không dấu được vẻ mệt mỏi của Thầy, tự nhiên mắt tôi mờ đi. Thầy nắm vai ngắm nghía tôi một lúc rồi đôi mắt của Thầy cũng rưng rưng sau làn kính trắng. Tôi nhớ lại, trong suốt bốn năm Công Nghệ tôi may mắn được học với Thầy Cảnh nhiều môn quan trọng và học Kỹ nghệ họa với Thầy Văn Đình Vinh. Đối với sinh viên Thầy Cảnh là một giáo sư vừa thân ái vừa nghiêm, nhưng luôn cung kính với Thầy Vinh ở mọi nơi mọi lúc. Tôi và các bạn khóa 10 rất ngưỡng mộ Thầy Cảnh trong cung cách cư xử đầy lễ nghĩa Đông Phương, thật đáng làm gương cho hậu thế. Thật vậy, tôi biết ở Đại hội 7 này, anh Lê Hữu Luật Thao và Ban tổ chức đã sắp xếp đưa đón và lo lắng cho Thầy Cô Trần Kiêm Cảnh trong suốt thời gian đại hội. Đây là một việc làm quá chu đáo đáng biểu dương, tiếp nối truyền thống đẹp đẽ của dân Công Nghệ. Đêm cuối cùng ở khách sạn tôi tìm Thầy Cô nói lời từ giã. Thầy trò không nói được mấy câu. Thầy ôm tôi rồi khóc làm cho tôi không ngăn được xúc động. Tôi đã phải nhanh chân bước đi sợ anh em thấy mình đang khóc. Những giọt lệ ân tình này sẽ được gìn giữ mãi trong tim tôi cho đến cuối cuộc đời. Với Thầy Nguyễn Đôn Phú trong đêm dạ vũ thật náo nhiệt trên du thuyền Odyssey, tôi chỉ kịp vấn an Thầy Cô chứ chưa bày tỏ được lòng tri ân với Thầy.

Dù biết là nhiều anh em cũng có tâm tình như tôi vì cùng là môn sinh của Quí Thầy chúng ta có được niềm tự hào đã xuất thân từ Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ và tự tin với bản lãnh của mình đủ đương đầu với mọi hoàn cảnh sống và làm việc ở quê người, nhưng tôi không dám nói thay cho ai, xin xem đây là lời tri ân của cá nhân tôi mà thôi.

Đêm cuối cùng của đại hội trên du thuyền Odyssey ai cũng ăn mặc đẹp với những nụ cười tươi vui và trẻ trung. Không khí ấm cúng thân mật làm cho buổi dạ vũ thêm phần long trọng. Sau khi chụp hình lưu niệm với anh chị Nguyễn Đắc Ứng, bà xã tôi chợt hỏi “Hôm nay kỷ niệm 10 năm Điễn Đàn KSCN phải không?” Đúng như vậy. 10 năm trước anh Quản gia đã mở Diễn đàn. Việc xây dựng ngôi trường tinh thần “kysucongnghe.net” lúc đó, tôi biết, thật không dễ dàng gì, vì gặp nhiều trở ngại và bất hợp tác không ngờ. Nhờ vào sự kiên trì của một tấm lòng Công Nghệ và bản lãnh “sắp sẵn” của một huynh trưởng Hướng đạo VN, ngôi trường đã được tái tạo làm nơi hội ngộ cho dân Công Nghệ trên toàn thế giới. Từ đó, chúng ta có 7 lần hội ngộ tràn đầy hân hoan như hôm nay. Sống cho có thủy có chung mới là sống đẹp. Còn một điều “chưa nói sau đại hội 7” nữa là “Tôi và một nửa kia cám ơn anh Quản gia Nguyễn Đắc Ứng (CN13) và phu nhân”.

Image

Hai ngày đại hội của tôi thật quá ngắn ngủi, chưa vơi tâm sự đã phải chia tay. Sự tiếp đón niềm nở, ân cần và thân ái của những bạn đồng môn cùng thời hay những bạn lần đầu gặp mặt đã cho tôi niềm xúc động và những kỷ niệm khó quên. Sau 46 năm xa cách, gặp lại hai bạn hiền trưởng ban tổ chức Đại hội 7 Chicago, tôi vui mừng khi thấy bạn vẫn như xưa.

Nguyễn Công Đàm vẫn hiền lành, nói năng nhỏ nhẻ thân tình. Đỗ Huỳnh Hổ, kỹ sư năng động tháo vát vẫn đầy đủ phong độ để chạy “bay tóc trán”, (tóc bạc đấy nhé), thấy vừa thương vừa nể. Tới trễ, từ giã sớm tôi chưa kịp cám ơn các anh chị trong ban tổ chức đại hội đã cho tôi những giờ phút vui tươi, tràn đầy tình thân Công Nghệ. Đây cũng là “những lời chưa nói” của tôi sau đại hội ghi dấu 10 năm hội ngộ của chúng ta.

Kính chúc Quí Thầy Cô, huynh trưởng, các bạn cùng bửu quyến luôn hạnh phúc và dồi dào sức khỏe để còn gặp lại nhau trong những đại hội sắp tới.

VĨNH NGỘ
Perth, Tây Úc, trọng đông 2015.
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Viết Về Đại Hội

Post by uncle_vinh »

Mừng Đại Hội 7 KSCN/Chicago
Cao Thọ Nhàn CN11

Đại hội 7 tưng bừng pháo nổ
Bạn bè thân hữu khắp năm châu
Rộn ràng, cười nói, mừng gặp lại
Bao năm xa cách mất hay còn
Kỷ niệm năm xưa, giờ chợt đến
Bạc đầu rồi, những tưởng hôm qua
Cùng nhau hẹn gặp hai năm nữa
Đất Úc đang chờ, bạn đến thăm.


TT. 23-09-15
User avatar
admindd
Site Admin
Posts: 469
Joined: 24 Feb 05, Thu, 7:19 am
Location: USA
Contact:

Re: Viết Về Đại Hội

Post by admindd »

TIỂU HỘI CALIFORNIA 2015
Vĩnh Ngộ

Vợ chồng xã xệ tôi quyết định làm một chuyến Mỹ du. Từ Perth, một thành phố nhỏ êm đềm, đẹp hiền hòa, thủ phủ của tiểu bang miền viễn tây xứ Kangaroo, chỗ mà bà con vẫn gọi là Miệt dưới, chưa kể 5 giờ ngồi chờ ở hai phi trường, chúng tôi phải bay ròng rã 18 tiếng phi cơ mới hạ cánh xuống phi trường quốc tế Los Angeles, một phi trường lớn thứ nhì của xứ Cờ Hoa. Trước khi ghi tên tham dự Đại hội Kỹ Sư Công Nghệ thế giới lần thứ 7 tổ chức ở thành phố gió Chicago, tiểu bang Illinois, tôi đã đắn đo lắm vì nỗi háo hức được hội ngộ với Thầy và bạn đồng môn sau nhiều thập niên lưu lạc chưa thắng được sự lo ngại về chuyến viễn du quá xa xôi khi tuổi đời đã khệnh khạng vào hàng bảy rồi.

Nghĩ lại, nhớ hồi trẻ mình cũng gan lì lắm sao về già lại chết nhát cũng hơi dở, đành cố suy nghĩ một cách “tích cực” hơn là không đi bây giờ vài năm nữa chống gậy làm sao đi! Thế là gởi email cho anh Đỗ Huỳnh Hổ, đồng trưởng ban tổ chức đại hội 7, xin ghi tên tham dự. Nhận được thư này, anh Hổ đã mau mắn gởi cho một số bạn báo tin kỳ hội ngộ thứ 7 tới đây sẽ có mặt người từ Miệt dưới mà anh em đang chờ. Nhận hồi báo bản sao thư của anh Hổ tôi mới biết đây là những bạn đã hứa là sẽ đi phó hội nếu có tôi tham dự. Thật cảm động khi biết còn nhiều bạn bè mong mỏi và chờ đợi, vì đã 6 lần đại hội tôi đều vắng mặt. Điều làm tôi xúc động nhiều hơn là anh Hổ đã kêu gọi anh em lo cho tôi khi tôi đến Hoa Kỳ. Với tính cẩn trọng và tỉ mỉ anh không quên dặn dò khi tôi qua đừng để tôi lái xe, như thế rất nguy hiểm vì bên Úc xe chạy bên trái còn bên Mỹ chạy bên phải. Với các anh “nhà báo” Công Nghệ thì không khí rộn ràng hơn. Anh Nguyễn Giụ Hùng (CN9) dặn dò đủ thứ cho chuyến đi, anh Quản Gia Nguyễn Đắc Ứng (CN13) gởi email liên tục, gần như mỗi tuần, nhắc đi nhắc lại là “Phải đi, chứ đừng đổi ý nghe!” và gởi gấm ông bạn già này cho mấy anh em trẻ ở Cali vì biết tôi sẽ ghé ở đó trước khi bay đi Chicago. Một trong những bạn đồng môn nhận được thư của anh Quản Gia là Lê Quang Đức (CN16), dù đang du lịch ở thật xa, đã sốt sắng gởi thư trực tiếp cho tôi hứa chắc như đinh đóng cột là “Cứ yên chí. Đức sẽ có mặt ở phi trường đón anh chị”.

Có nhiều người chờ đợi và lo toan như thế thì còn phải lo gì nữa, xã xệ tôi lên mạng mua vé khứ hồi với hãng bay lớn nhất Úc cho yên tâm. Từ cái xứ “nhà quê” của tôi muốn Mỹ du phải qua Đông Úc trước. Từ đó, có thể lựa chọn nơi đến là một trong hai phi trường Los Angeles hoặc San Francisco. Tới đây, xin tự ý lạc đề để kể một chuyện vui về việc lựa chuyến bay. Nói vui thì sợ độc giả thất vọng, phải nói là chuyện lẩm cẩm của một thanh niên hơi nhiều tuổi mới đúng. Trong số bạn đồng môn Kỹ Sư Công Nghệ tôi có hai người thân thiết, là bạn “lối xóm” và học chung từ thời niên thiếu ở Saigon, đó là Huỳnh Văn Phước (CN11) và Võ Văn Bé (CN9). Phước đã bỏ anh em mà đi năm ngoái. Còn Bé, bận việc gia đình không dự ĐH 7 năm nay. Vì vậy, tôi mới quyết định ghé Cali trước để thăm gia đình Bé rồi mới bay đi Chicago. Tôi nhớ là Bé đang ở Santa Anna, mở Google maps ra xem thấy chỗ này gần phi trường LAX, bèn mua vé phi cơ đến đó. Chờ gần tới ngày đi mới điện thoại báo tin “surprise” cho bạn. Đang chuyện trò vui vẻ, khi nghe tôi hỏi từ khách sạn tôi sẽ ở ngay Little Saigon đến nhà Bé bao xa, anh chàng nhỏ giọng xuống ngay “Không xa lắm Thành ơi! Chừng 700 cây số thôi. Cũng không sao. Khi tới gọi cho hay, mình sẽ ngồi xe đò Hoàng xuống gặp Thành!” Tay còn giữ điện thoại, miệng tôi ngọng luôn! Lần cuối cùng anh em gặp nhau là năm 1972, vào ngày đám cưới của vợ chồng tôi ở Saigon, đến nay là 43 năm. Tuy chưa gặp lại nhau suốt ngần ấy năm, nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc từ khi Bé sang Mỹ năm 1982. Từ đó, gia đình Bé vẫn định cư ở Santa Clara cho tới bây giờ. Thật đáng giận là không biết sao cái trí nhớ cùn mằn của tôi cứ nghĩ tới cái địa danh Santa Anna và hấp tấp không chịu mở sổ ra xem lại địa chỉ của bạn để mua vé máy bay đi San Francisco thay vì LAX ! Để cho bạn phải đi hơn 700 cây số để gặp mình thật chẳng phải, nên tôi đã hứa sau đại hội, từ trạm chót của chuyến Mỹ du là Sacramento, tôi sẽ đi xe đò xuống San Jose để gặp bạn hiền. Tôi đã làm được việc này.
Ngày 13-8-2015, vợ chồng xã xệ tôi đã có một buổi họp mặt thật cảm động ở nhà anh chị Nguyễn Giụ Hùng (CN9), được gặp lại Bé và gần đủ mặt anh em KSCN đang ở San Jose. Trước khi xuống San Jose, tôi đã tìm hiểu trên net thấy xe khởi hành từ Sacto lúc 7 giờ sáng sẽ đến nơi khoảng 9 giờ 30. Chuyến về sẽ rời San Jose lúc 4 giờ chiều, như vậy sẽ có đủ thì giờ gặp gỡ hàn huyên. Chuyến đi không nhanh như dự tính, mãi đến gần 12 giờ trưa xe mới đến San Jose vì không chạy suốt, phải ngừng nhiều lần dọc đường để đón thêm khách và bác tài xế cho biết xe sẽ trở về Sacto lúc 1 giờ 30. Có cả vợ chồng người bạn thân ở Sacto đi theo “hộ tống” vì sợ dân Kangaroo hay chạy nhảy lung tung sẽ lạc đường. Anh Giụ Hùng ra trạm xe buýt đón chúng tôi về nhà. Anh chị Nguyễn Văn Quang (CN1), anh cả của Ban Biên Tập ĐS Nguyễn Sáu (CN6), Võ Văn Bé (CN9) và anh Âu Hùng (CN9) đã cùng anh chị Nguyễn Giụ Hùng thết tiệc khoản đãi bạn phương xa. Khi nghe kể sự gấp gáp của chuyến trở về Sacto, anh Sáu lật đật gọi cho công ty xe đò VN đặt chỗ cho 4 người về Sacto vào chiều tối để anh chị em được ở bên nhau lâu hơn. Xe đón tại nhà ở San Jose, đưa về tận nhà ở Sacramento với giá chỉ có 100 đô cho bốn người. Chị Giụ Hùng và Bé không muốn chúng tôi tốn tiền nên bảo đừng đi xe đò, hãy để chị hỏi thăm và sẽ đưa chúng tôi ra bến xe buýt miễn phí đưa dân cờ bạc từ San Jose đi casino Red Hawk ở Sacto. Khi thấy chúng tôi còn lo ngại, chị hứa nếu không đi được xe miễn phí này anh chị sẽ đích thân lái xe đưa chúng tôi trở về Sacto, có anh Bé chạy theo cho vui. Buổi tiệc hội ngộ không ngờ có được sau hơn bốn thập niên xa cách thật là vui nhưng đã qua quá nhanh. Những món ăn thịnh soạn các anh chị khoản đãi còn dư nhiều quá vì cả bàn tiệc say sưa tâm sự quên cả ăn. Trước khi chia tay, anh chị Giụ Hùng, anh Sáu và Bé đưa chúng tôi đi một vòng cho biết thành phố San Jose.

Giả làm dân cờ bạc, 4 người chúng tôi lên xe buýt của Casino Red Hawk lúc 7 giờ tối để trở về Sacto. Chờ cho xe lăn bánh anh chị Giụ Hùng và Bé mới ra về. Bé còn gọi điện thoại theo dặn dò là khi tới sòng bạc nên vào chơi kéo máy vài bàn thay vì về nhà ngay có thể bị hỏi han phiền phức. Làm bạn với nhau từ thuở ấu thơ, đến nay hai đứa đã là hai lão già cổ lai hi, bạn hiền của tôi vẫn chu đáo, tỉ mỉ không khác ngày xưa. Trên đường về, vợ chồng người bạn cứ nhắc nhở, thán phục và cám ơn sự lo lắng tận tình của chị Giụ Hùng và các anh chị ở San Jose đã dành cho chúng tôi. Anh bạn của tôi cứ lo và hỏi hoài “Xe này có phải thực sự miễn phí không, hả ông?”. Tội nghiệp bạn tôi, trước 75 là phi công một thời chọc trời khuấy nước, 33 năm sống ở Mỹ vợ chồng làm lụng vất vả, chắt chiu lo cho đàn con năm đứa ăn học thành tài, có rảnh đâu mà đi cờ bạc nên không hề biết chuyện sòng bạc có tổ chức xe đưa rước dân mê đổ bác. Cho đến khi xe dừng ở một trạm nghỉ dọc đường, trước khi tiếp tục chạy bác tài người Mễ đi đến từng hành khách thu tiền “tip” mỗi người một đô, anh ấy mới thở phào nhẹ nhõm. Lượt đi, chúng tôi sắp hàng lần lượt lên xe thoải mái tự chọn ghế ngồi. Khi xe đến nơi, vừa dừng bánh có hai bà mặc đồng phục nhân viên an ninh đón ở cửa xe vui vẻ giải thích thủ tục và xem giấy tùy thân từng người. Khi nhìn thấy passports biết vợ chồng xã xệ tôi đến từ Úc, không cần ghi tên tuổi gì cả, một người rút túi lấy ra hai tấm thẻ plastic cỡ bàn tay lúi húi ghi chép. Khi trao cho trả cho tôi giấy thông hành và hai tấm thẻ, bà ấy tươi cười nói “Chào mừng ông bà từ Úc đến Red Hawk Casino. Mời ông bà vui chơi thoải mái, nếu ngày mai chưa về chúng tôi sẽ thu xếp phòng khách sạn thượng hạng cho ông bà nghỉ ngơi. Chừng nào muốn về sẽ có xe limousine đưa ông bà về lại San Jose. Ông bà sẽ không phải trả khoản tiền nào cả. Chúc may mắn!” Khi xem lại mới thấy hai tấm thẻ cũng ghi đúng như vậy. Bất ngờ được chào đón như đại gia cũng thích thật. Chúng tôi vào sòng bạc, hai lão ông thong thả kéo máy, tiêu cho hết tiền lẻ đễ trả nghĩa cuốc xe đường dài miễn phí. Còn hai bà cứ xách kè kè mấy túi thức ăn mua ở San Jose đi tới đi lui trông thiểu não, cứ vài phút lại nhắc “Nhanh nhanh rồi về. Hai chị em tôi cứ sớ rớ ở đây không chừng an ninh tưởng là khủng bố hỏi han mất công lắm!”. Thôi thì về, cũng đã quá nửa đêm rồi. Cô cháu lái xe đến đón đang chờ ở bên ngoài. Chuyến đi này thật quá đã. Lần sau chắc phải nộp đơn với Hollywood xin đóng phim vì đêm nay đã đóng vai một tay cờ bạc thật trọn vẹn và rất “nhập vai”. Đây cũng là một kỷ niệm không dễ gì quên.

* * * *

Phi cơ đưa chúng tôi đến xứ Cờ Hoa hạ cánh an toàn xuống phi trường quốc tế Los Angeles lúc 8 giờ sáng ngày 25-7-2015. Tôi thấy choáng ngợp với sự tấp nập, bận rộn và vĩ đại của phi trường này. Lấy hành lý xong, vì sợ lạc tôi vừa đi vừa hỏi thăm lối ra bãi đậu xe theo chỉ dẫn rất kỹ lưỡng của anh Lê Quang Đức từ trước ngày đi. Ra tới cửa thấy ngay bạn đang chờ với nụ cười thật tươi. Tôi bắt tay người bạn đồng môn mới gặp lần đầu, thấy lòng tràn ngập nỗi vui và hạnh phúc. Lúc đó, tôi mới cảm được mình đang đứng trên một đất nước kỳ diệu vào một buổi sáng mùa hè chan hòa nắng ấm ngoài trời và ấm áp cả trong lòng. Sống ở một xứ thời tiết khắc nghiệt hơn ba mươi lăm năm, mùa hè nóng cháy da, trên 40 độ bách phân là thường. Sang tới California, trưa hè không nóng quá 27 độ C thật là lý tưởng. Suốt năm ngày vui với các bạn đồng môn KSCN, Cali đã đón tiếp chúng tôi với những ngày hè tuyệt vời như thế.

Anh Đức lái xe đưa chúng tôi về nhà vì chưa đến giờ nhận phòng khách sạn. Từ phi trường về Little Saigon khá xa, xe chạy hơn một tiếng nhưng thấy khá nhanh vì chuyện trò không dứt. Nếu có người thứ tư cùng ngồi trên xe nghe chuyện sẽ tưởng là hai anh em ruột đã lâu ngày mới gặp lại nên có quá nhiều chuyện nói cho nhau nghe, chứ không ngờ đây là hai bạn đồng môn mới lần đầu gặp gỡ. Điều lý thú thứ nhì là được ngắm hệ thống xa lộ thênh thang và tân kỳ của nước văn minh nhất thế giới. Theo dòng xe cộ nối đuôi chạy không ngớt, chúng tôi về đến thủ đô của dân VN tị nạn CS ở Cali. Ở đây, cũng là quê người, nhưng tôi có cảm giác thân quen như đang ở ngay trên quê nhà vào những ngày thanh bình xa xưa khi anh Đức đưa chúng tôi đi ăn sáng trước khi về nhà. Điều ngạc nhiên thứ ba là giá cả mọi thứ ở đây rẻ không ngờ, chẳng những ở Phước Lộc Thọ mà còn ở khắp tiểu bang. Những cái tên quen thuộc như Mì LaKai, Phở Pasteur, Chè Hiển Khánh …. đã kéo tôi về một thời dĩ vãng vàng son đầy ắp những kỷ niệm đẹp của những ngày quần xanh áo trắng tung tăng hè phố khi tan lớp học. Có lẽ, sống nơi đây không cần phải nói tiếng Mỹ. Chắc quí vị cũng thích thú và nghĩ như tôi nếu chứng kiến và nghe những lời đối thoại ở một gian hàng bán thức ăn “food to go” trong thương xá Phước Lộc Thọ. Một anh chàng Mỹ trắng trẻ tuổi, ốm và rất cao, râu ria rậm rạp đang đứng sắp hàng trước tôi. Khi anh đến sát quầy, cô bán hàng nhìn anh hỏi to “Bữa nay ăn cái gì, mậy ?” “Hôm nay tao ăn bánh quấn” Anh chàng Mỹ này tươi cười trả lời bằng một giọng nghe rặc “Bắc kỳ” rất dõng dạc và rõ ràng. Trả tiền xong, anh còn “Cám ơn nhé!”. Xin nhắc lại, “nhé” đàng hoàng, nghe thật khoái. Tôi đoán, sư phụ dạy tiếng Việt cho anh chàng Mỹ trông có vẻ bụi đời nhưng mặt mũi dễ thương này phải là một Bố người Phương Liệt, Hà Đông. Ấy chết! Nói thế coi chừng đụng chạm, vì hình như Phương Liệt là quê của anh Giụ Hùng. Chắc anh ấy không giận đâu! Ngày xưa, từ Hà Nội về quê Chương Mỹ của tôi vẫn nghe bà con nói là “bánh quấn” thay vì “bánh cuốn”. Anh Giụ Hùng chắc còn nhớ một địa danh không mấy xa Phương Liệt, Chương Mỹ là Thanh Trì, quê hương của bánh cuốn ăn với nước mắm cà cuống ngon nức tiếng, không thể tìm được ở bất cứ nơi nào khác trên quê nhà Việt Nam thuở sông Bến Hải còn ngăn cách đôi đường. Tôi bắt chước anh bạn Mỹ mua một dĩa bánh cuốn. Giá thật rẻ, bánh nhìn thấy ngon nhưng đựng trong một khay nylon đen trông kém hấp dẫn. Tôi bèn nói với một bà bán hàng mượn một cái dĩa để ăn tại chỗ. Nghe xong, bà này trừng mắt, giọng gắt gỏng “Cứ thế mà ăn thôi, không có dĩa tô gì cho mượn cả!” Tôi thất vọng vì thấy ở xứ văn minh bậc nhất này, ngay thủ đô của người Việt tị nạn CS cũng có người đang học cái văn hóa “phở mắng, cháo chửi” của dân Hà Nội xã nghĩa!
Năm ngày ở Cali, chúng tôi được tiếp đón và chiêu đãi thật nồng hậu và thân tình bởi gia đình của ba người bạn đồng môn đều thuộc khóa 16 KSCN. Lê Quang Đức và Nguyễn Anh Châu là dân “local” Orange County, Nguyễn Trung Trực từ Saigon sang thăm các con đang du học ở Cali và dự Đại hội KSCN 7 Chicago. Tuy mới gặp lần đầu nhưng cả ba và “nửa kia” đã dành cho vợ chồng xã xệ tôi sự quí mến và săn sóc chân tình thật cảm động. Anh Đức đã ngưng công việc làm ăn để dành hết thì giờ đưa chúng tôi đi chơi các nơi và kiêm luôn việc tổ chức họp mặt và tiệc tùng cho bốn anh em KSCN và gia đình mỗi ngày, ở tư gia và những nhà hàng ngon nhất Cali. Chỉ tiếp xúc qua mấy ngày ngắn ngủi, chứng kiến cơ ngơi cùng đời sống khá giả và thành tích học tập của các cháu tôi thấy rõ các bạn KSCN trẻ tuổi của tôi đã nỗ lực và đầy bản lãnh để thành công trong mọi lãnh vực nghề nghiệp, như xây dựng của Đức và Châu ở Hoa Kỳ hay chế tạo cơ khí của Trực trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ở quê nhà.

Trạm dừng chân đầu tiên của chúng tôi ở đây thật đáng gọi là “Tiểu hội Califonia” để chuyến Mỹ du này của tôi có nhiều kỷ niệm đẹp. Chúng tôi có những buổi họp mặt tâm tình thật cởi mở và sảng khoái, cười đùa vui nhộn như những trẻ thơ vô tư lự. Tôi cho rằng, có một thứ gì đó quí hơn “thịnh tình” và đẹp hơn “hiếu khách” giúp cho những người mới sơ ngộ mau chóng trở thành bạn tâm giao. Đó phải chăng là tình đồng môn Kỹ Sư Công Nghệ, không khác chi tình huynh đệ trong một gia đình. Ngồi trên phi cơ trên đường về xa thẳm, cũng như khi trở về nhà rồi, bà xã tôi nhắc hoài đến ba cô em Huyền, Minh Thu và Khánh Ngọc. Sao cô nào cũng dễ thương đến thế! Và nửa kia của tôi cũng không quên mấy chén chè hạt sen có nguyên nhụy đắng Huyền nấu cho chị Mai ăn để bớt ho, và nhờ Đức đã đưa đi khám bác sĩ ở Little Saigon mới mau khỏi bệnh viêm cuống phổi để có sức đi dự đại hội. Bác sĩ Kỳ, người đã cống hiến nhiều năm khi ông còn trẻ cho công tác theo tàu cứu vớt dân tị nạn trên Biển Đông, là bác sĩ gia đình của anh chị Đức, chỉ lấy tượng trưng 20 đô la sau khi khám bệnh cho toa mua thuốc. Đa tạ vị lương y khả kính của đồng hương VN ở vùng Orange County.

Đến xứ lạ gặp người đồng hương, gốc gác ở ba miền đất nước thật là vui. Tôi và Nguyễn Trung Trực cùng với nửa kia Khánh Ngọc đều là dân Saigon. Trực lại có liên quan về công việc làm ăn với Xi Măng Hà Tiên của tôi trước đây nên có nhiều chuyện xưa thật vui. Lê Quang Đức, người xứ Quảng, nên duyên với Huyền, một cô gái Bắc duyên dáng, đồng hương của tôi. Còn chàng “đồng khói” Bắc Kỳ lưu lạc Nguyễn Anh Châu phải lòng cô gái Huế đẹp quí phái là Minh Thu. Nhìn chị Minh Thu tôi lại nhớ cô em gái thứ năm của tôi vì hai người thật giống nhau. Sau đại hội Chicago, chúng tôi sẽ bay đi Atlanta, Georgia, để thăm gia đình cô em này và gia đình một chú em nữa sau nhiều năm không gặp. Trong đêm cuối ở Cali, cả nhóm ngồi ở quán cà phê trên đỉnh cao nhất thành phố, Victoria Hill, khi đùa vui về chuyện “tình Bắc duyên Nam” tôi đã nhại hai câu đồng dao để ghẹo hai chàng kỹ sư phong nhã Đức và Châu để không khí buổi họp mặt thêm ấm cúng và vui nhộn.

“Học trò xứ Quảng ra thi. Thấy cô gái Bắc chân đi không đành” và
“Học trò xứ Bắc vào thi. Thấy cô gái Huế chân đi (cũng) không đành”


Ngày thứ ba ở Cali, anh Đức dành nguyên một ngày chở vợ chồng tôi và Trực xuống San Diego thăm một người bạn đồng môn Phú Thọ vừa là một cây bút nổi danh trên nhiều website. Dân Phú Thọ có nhiều người cầm bút, hai người được ái mộ nhất là Caubay và Tràm Cà Mau. Người chúng tôi sắp đến thăm là Caubay, tác giả của nhiều bài viết trào lộng thật cay độc với một văn phong độc đáo, cũng là kỹ sư kiêm thi sĩ Võ Thiêm. Tôi rất cảm động khi nghe anh Đức cho biết đã gọi hỏi Caubay ngày nào rảnh để đến thăm thì được trả lời “Rất mong các anh chị xuống chơi. Cứ cho biết giờ nào tới là tôi nghỉ làm để đón tiếp”. Caubay Võ Thiêm đã chào đón chúng tôi thật niềm nở và thân tình. Tâm tình cởi mở với tính khiêm nhường đáng quí của Caubay khiến tôi thêm quí trọng một cây viết đã thành danh mà tôi ngưỡng mộ từ lâu. Caubay đã đưa chúng tôi đi thăm một vòng San Diego, thành phố đẹp nhất với khí hậu tốt nhất của tiểu bang Cali. Lên thăm hàng không mẫu hạm SSS Midway, nay làm Nhà Bảo Tàng tôi đã có một ấn tượng khó quên hình ảnh đau thương của ngày tàn cuộc chiến. Trước khi chia tay, anh chị Võ Thiêm đãi chúng tôi một bữa ăn tối thật ngon miệng ở nhà hàng Việt Nam. Từ giã San Diego lòng nặng trĩu lưu luyến. Tôi và Trực mới gặp Caubay lần đầu nhưng đã quí mến như bạn lâu năm. Khi Đức bàn về tờ Đặc San KSCN tôi mới tiếc vì vui quá đã quên mục đích của chuyến đi thăm Caubay là để nói lời cảm ơn đến một người bạn văn nổi tiếng đã cộng tác bài vở đều đặn suốt 6 số báo để làm cho đặc san của dân kềm búa tăng thêm phần giá trị văn chương. Nếu Caubay có đọc những giòng chữ này, xin cho tôi gởi lời đa tạ muộn màng, cho những bài văn tuyệt cú, những bài thơ làm xúc động lòng người đã đóng góp cho đặc san KSCN suốt mười năm qua và một ngày vui khó quên ở San Diego. Mong được đón tiếp bạn hiền ở Miệt Dưới một ngày không xa.

Ngày 30-7-2015, nhóm 7 người chúng tôi có mặt ở phi trường Los Angeles lúc 4 giờ sáng để làm thủ tục gởi hành lý cho chuyến bay của Hãng Spririt cất cánh lúc 6 giờ đi Chicago. Sở dĩ phải đi cận ngày vì có một bạn không thể xin nghỉ phép sớm hơn và cả nhóm muốn đi chung cho vui. Gần tới giờ bay, quầy kiểm soát vé lên phi cơ báo cho biết chuyến bay hoãn 3 tiếng. Chờ tới 9 giờ sáng lại thêm một tin xấu, vì phi cơ hỏng nên chuyến bay bị hủy bỏ, hành khách phải lấy hành lý ra chờ sắp xếp một chuyến bay khác. Mấy trăm người đến chỗ nhận hành lý và lại rồng rắn sắp hàng chờ tới phiên lên nhận vé kế tiếp mà Spirit đang chạy vạy mua từ các hãng bay khác. Chờ đợi quá lâu trong tâm trạng bồn chồn, mệt mỏi và chán nản. Quầy vé Spirit có lúc ồn ào gần như náo loạn vì một vài anh Mỹ đen nổi nóng chửi bới rất thô lỗ. Có lúc, an ninh phi trường phải đến can thiệp. Chúng tôi cũng bực tức, nhưng thấy vẻ mặt chịu đựng đến chai lì của nhân viên hãng bay, muốn nói gì cũng chẳng nỡ nên kiên nhẫn chờ. Nhóm chúng tôi thay phiên ngồi giữ hành lý và sắp hàng đến quầy lấy vé. Sau 13 tiếng chờ đợi, đến 5 giờ chiều chúng tôi nhận được 7 vé cho chuyến bay Delta sẽ cất cánh lúc 7 giờ 05 tối bay đi Chicago, có ngừng ở San Francisco 2 tiếng chờ chuyển sang phi cơ United. Lại ký gởi hành lý và lại chờ với nỗi buồn ê chề vì đã mất một ngày Tiền Đại hội, là ngày quan trọng nhất. Vận xui còn chiếu cố thêm một lần nữa, chuyến bay Delta lại hoãn 3 tiếng! Cuối cùng rồi cũng tới phi trường O’Hare, Chicago. Xe buýt đưa phái đoàn 7 người mệt mỏi bèo nhèo, hành lý lỉnh kỉnh tay xách nách mang về đến khách sạn Four Points Sheraton lúc 8 giờ 15 sáng ngày 31-7-2015, trông thật giống một nhóm tàn quân bại trận tìm đường về đến hậu cứ. Lúc ấy, mọi tham dự viên Đại hội 7 đến từ hôm trước đang lục tục lên đoàn xe buýt màu vàng để đi du lịch thành phố Chicago. Anh Đỗ Huỳnh Hổ không nỡ bỏ anh em đến trễ ở lại nên yêu cầu chuyến đi chờ 30 phút để chúng tôi nhận phòng và sửa soạn để đi theo đoàn.
Cũng vì vận xui quái đản này mà 7 người từ Cali mới có gần một đêm không ngủ ở phi trường LAX. Nếu chỉ có vợ chồng xã xệ tôi thôi thì mệt lắm. Có ba bạn đồng môn CN16 với hai phu nhân đi cùng chuyến, là bạn đồng cảnh ngộ nên thời gian qua cũng nhanh. Phi trường về đêm vắng vẻ, các quán ăn chỉ còn mở lác đác với những món ăn cho đỡ đói thôi. Nhờ dịp này, bên ly cà phê nóng bốc khói, chúng tôi đã có những giờ phút tâm sự thoải mái. Những chuyện vui buồn của thời áo xanh Công Nghệ kể nhau nghe để thương để nhớ một dĩ vãng xa vời. Sau cuộc sảy đàn tan nghé năm 1975, dù còn ở lại hay may mắn vượt thoát ra nước ngoài, ít có ai không từng trải cuộc đời lắm truân chuyên. Sau chuyến Mỹ du này, tôi hãnh diện vì anh em Kỹ sư Công nghệ trẻ sống và làm việc ở đất nước cơ hội bình đẳng này đã chứng tỏ một ý chí vươn cao trong lãnh vực nghề nghiệp thật đáng ca ngợi. Trong đêm không ngủ bất ngờ này, bốn anh em đã hàn huyên thật cởi mở và thân tình, trao đổi kinh nghiệm sống từ gia đình, công ăn việc làm, cho đến việc giao tiếp xã hội bên ngoài để cảm thấy gần gũi và hiểu nhau nhiều hơn. Về lại Miệt dưới buồn hiu này, tôi nhớ những người bạn KSCN đã cùng tôi trải lòng ra qua những tâm tình chân thật nhất để tôi thấy cõi đời này vẫn còn những tấm lòng tin yêu của những người cùng xuất thân từ một mái trường dù đã mất tên, nhưng vẫn còn hiện diện mãi trong tâm tưởng của chúng ta.

Chỉ riêng ở Cali, chúng tôi đã có những ngày vui và biết bao kỷ niệm đẹp không thua gì Đại hội ở Chicago. Vì thế, tôi đặt tựa cho bài viết này là TIỂU HỘI CALIFORNIA 2015. Cám ơn tất cả những tấm lòng Công Nghệ ở tiểu bang nắng vàng tươi, ấm áp tình người này đã làm cho chuyến viễn du của chúng tôi thành một chuyến đi nhớ đời.

VĨNH NGỘ
Perth, Tây Úc, cuối đông 2015.
User avatar
admindd
Site Admin
Posts: 469
Joined: 24 Feb 05, Thu, 7:19 am
Location: USA
Contact:

Re: Viết Về Đại Hội

Post by admindd »

ĐẠI HỘI CHICAGO 2015
Vĩnh Ngộ

Sau Đại hội Kỹ Sư Công Nghệ thế giới lần thứ 7 ở Chicago, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, một anh bạn hỏi tôi “Trường Kỹ Sư Công Nghệ của anh có bao nhiêu sinh viên cho tới khi đứt phim 1975 ?” Khi nghe tôi trả lời “Tổng cộng là 19 khóa có khoảng 700 sinh viên, với 390 kỹ sư đã tốt nghiệp”, anh ta trợn mắt “Phục các ông quá! Chỉ có bảy trăm người ở tứ tán bốn phương mà cứ hai năm tổ chức được Đại hội KSCN thế giới một lần. Chịu chơi thật!” Mười năm nay, kể từ ngày hội ngộ trên website “kysucongnghe.net” anh chị em KSCN đã tổ chức được bảy lần Đại hội, nghĩa là tính trung bình chưa tới hai năm tổ chức một lần. Cứ mỗi lần như thế, những anh chị em có cơ hội tham dự cũng như những người không đều mang một tâm trạng giống nhau là mong chờ tới ngày đi hay ngóng cổ chờ xem hình ảnh đại hội trên Diễn Đàn KSCN, chứ mấy ai nghĩ tới lý do tại sao sinh hoạt của dân Công Nghệ náo nhiệt và vui vẻ làm cho khách bàng quan ngạc nhiên và ngưỡng mộ như vậy. Tôi là một Công Nghệ chỉ tham dự có một lần, ở thành phố gió Chicago năm 2015, còn sáu lần trước là thành phần “ngóng cổ” để dự hàm thụ thôi. Nay nghe được phát biểu của anh bạn như vừa kể ở trên tôi mới nghĩ ngợi. Không biết là “chịu chơi” hay “chịu khó”, hay “chịu gặp gỡ” hoặc là một thứ “chịu” nào khác để cứ sau một kỳ đại hội lại hứa hẹn và rủ nhau ghi tên cho lần tới. Tôi nhớ lại bảy chữ “Đại Gia Đình Kỹ Sư Công Nghệ” mà hai vị Giám đốc là Giáo sư Bùi Tiến Rũng và Giáo Sư Trần Kiêm Cảnh đã nhắc nhiều lần trong những bài phát biểu của hai Thầy trong các kỳ Đại Hội, nên trả lời ngắn gọn “Bởi vì chúng tôi là Đại Gia Đình Kỹ Sư Công Nghệ”. Nghe xong, anh bạn gật gù có vẻ hài lòng “À. Ra thế!”

Muốn tổ chức thành công một cuộc đại hội ngoài nhiệt tâm và tài năng, ban tổ chức cần có đầy đủ tài chánh. Dĩ nhiên là tham dự viên phải đóng góp, nhưng thường không đủ nên kỳ đại hội nào cũng có nhiều Mạnh Thường Quân ủng hộ thêm, có người còn hứa sẽ “bao chót” nếu chi nhiều hơn thu. Đây không chỉ là “hảo tâm” mà còn là sự hào sảng truyền thống của dân Công Nghệ. Nói tới truyền thống, xin nhắc nhớ những ngày xưa thân ái dưới mái trường yêu dấu. Vào dịp Giáng Sinh mỗi năm, Ban Đại Diện sinh viên đều tổ chức Dạ Vũ Tất Niên, một cuộc họp mặt cuối năm của Giáo sư, sinh viên và tất cả kỹ sư Công Nghệ đã tốt nghiệp đều được mời về tham dự. Nhắc nhở để tự hào rằng chúng ta đã có những buổi Dạ Vũ đông vui, sang trọng và lịch lãm nhất Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ. Ngoài sự khuyến khích, cố vấn và tặng “bao lì xì” cuối năm của Quí vị Giáo sư, các anh chị kỹ sư Công Nghệ đang hành nghề ở các cơ quan và xí nghiệp đã đóng góp rất hào phóng để đàn em rộng tay tổ chức thật đẹp. Tôi dám nói là “hào sảng truyền thống” vì suốt bốn năm học ở trường tôi có vinh hạnh tham gia ban tổ chức Dạ Vũ và là một thành viên tích cực trong “Cái Bang” có trọng trách đi xin tiền, phải chạy ngược chạy xuôi vất vả nhưng rất vui vì có dịp gặp gỡ các huynh trưởng đang giữ những chức vụ cao trong nhiều lãnh vực nghề nghiệp, và khi trở về túi thật nhiều tiền ủng hộ cho Dạ vũ tất niên. Riêng Đại hội kỳ thứ bảy này, trong sáu người của Ban tổ chức có ít nhất là hai Mạnh Thường Quân và nhiều vị khác đã giúp thêm nên phần tài chánh đã ổn thỏa dù chi phí tổ chức khá cao.

Chúng ta đã thấy, mọi chi tiết trong chương trình của Đại hội 7 thật qui mô và tốn kém kỳ này là những dự liệu có suy tính kỹ lưỡng của Ban tổ chức. Họp mặt vui vẻ nhất, tiết kiệm “năng lượng” nhiều nhất. Chữ trong ngoặc kép năng lượng ở đây, không phải tính về nhiên liệu cho phương tiện di chuyển mà muốn ám chỉ về “calories” xài cho đôi chân mà thôi. Trong lần Mỹ du đầu tiên này tôi nghe được nhiều chữ mới. Một trong những cái hay ho ấy là nhóm chữ “Ba cao, một thấp”. Nếu bạn hiền từ phương xa đến xứ Cờ Hoa chưa biết là gì, xin nói ngay “ba cao” là cao máu, cao mỡ và cao đường, còn “một thấp” là phong thấp. Đó là bệnh thông thường của những người không còn trẻ trung nữa. Không kể Quí Thầy Cô, nhìn quanh anh chị em đồng môn tôi thấy có hơn nửa số thuộc phe “Ba cao, một thấp” rồi. Hội ngộ cho vui mà phải đi bộ nhiều thì vui gì nổi. Vì thế, tôi thấy cho mọi người đi trên thuyền để ngắm thành phố là một sáng kiến hay ho, đáng tuyên dương. Lại xin nói thêm “hay ho” đây là hay thiệt chứ không phải già cả thường ho hen. Quí vị nghĩ thử xem, đi bộ ngắm thành phố ở chỗ khác thì hay chứ ở Chicago này, tòa nhà nào cũng cao ngất trời, cứ ngước cổ lên hoài chắc tốn tiền mua dầu nóng để xoa bóp. Từ du thuyền chạy dưới sông ngắm nhìn những cao ốc ở trên bờ, mỗi cái mỗi vẻ tuyệt đẹp, thật thoải mái và đỡ đau chân, mỏi cổ thì còn gì bằng. Thêm nữa, trên du thuyền mọi người có thể đi tới đi lui hàn huyên với nhiều nhóm thật là vui, chứ ngồi xe thì giỏi lắm chỉ bắt chuyện với người ngồi xa vài hàng ghế là cùng.

Sau chuyến du ngoạn thành phố bằng thuyền, mọi người được đi thăm một đền thờ Hindu. Xe chạy thật lâu cũng hơi mệt, nhưng khi đến nơi mới thấy đây là một kỳ tích khéo chọn, rất đáng xem. Cuối ngày là một bữa tiệc hải sản ăn mệt nghỉ với thực đơn thật dồi dào và nấu khá ngon. Tôm hùm thật to, chưa ăn đã biết là ngon rồi. Nhìn những bạn trẻ cứ bấm kềm bẻ càng tôm lách cách thấy thèm quá. Tiếc là phải chi vào chục năm trước, chưa phải là dân “ba cao, một thấp” chịu khó sắp hàng để sơi chừng ba chú thì “đã” biết mấy.

Chọn một khách sạn gần phi trường có xe buýt đưa đón thật tiện lợi cho tất cả tham dự viên đến và đi cũng như trong thời gian rảnh có thể từ khách sạn ra phi trường để đón xe điện xuống phố hay đi chơi những nơi khác không sợ lạc đường và đỡ tốn tiền taxi rất nhiều. Ban tổ chức đại hội đã thương lượng để được giảm giá phòng tiết kiệm được một số tiền đáng kể. Phòng khánh tiết của khách sạn sang trọng, thích hợp để tổ chức tiệc tùng. Khác biệt với những lần trước, tiền đại hội năm nay ai cũng ăn mặc đẹp như đêm cuối trên du thuyền Odyssey làm cho không khí thêm phần trang trọng. Đúng ngay lần dự đại hội lần đầu tiên này tôi lại trễ mất một ngày nên rất tiếc chưa có dịp thưởng thức tài nghệ của ban nhạc “Điếc Con Ráy” và các ca sĩ Toronto mà tôi nghe danh đã lâu. Thôi đành chờ nghe tiếng đàn giọng hát của đoàn lữ nhạc Toroney (Toronto&Sydney) vậy.

Từ giã Quí Thầy Cô, anh chị em ở ĐH 7 Chicago về đến nhà rồi tôi vẫn còn nhớ những nụ cười và những cái bắt tay nồng ấm. Tôi đã đọc ở đâu đó, có bài nói rằng ở cái xã hội con người phải chạy theo kim đồng hồ sẽ có rất ít nụ cười. Điều này chắc không sai. Ở đây khác, trong bầu không khí vui rộn ràng của Đại hội hình như đồng hồ đã ngừng rồi không cần chạy đua với nó nữa, nên ai cũng cười, cười tươi hết cỡ, cười thật to, thật sảng khoái không sợ ai cười chê vì không có ai là “người ngoài” cả, toàn là Thầy Cô và anh chị em trong Đại Gia Đình KSCN mà thôi. Từ những nụ cười tươi tắn khi tái ngộ sau nhiều thập niên lưu lạc cho đến những tràng cười hả hê tiếp theo những chuyện vui mấy thuở có dịp kể cho nhau nghe. Ở những giờ khắc thật hạnh phúc này, một “cụ” 75 vẫn còn thừa hơi để cười ròn rã làm cho nhiều thanh niên thiếu nữ hơi trọng tuổi (cỡ 65) cười theo, tiếng cười hồn nhiên như trẻ thơ. Một huynh trưởng cao lớn chỉ vào một sư huynh khác thấp hơn vừa cười vừa nói “Thành ơi! Có nhớ thời anh em mình còn chơi bóng chuyền ở trường không? Anh đập thằng này cú nào cú nấy như trời giáng, làm cho nó không cao lên nổi … hà hà …!” Chuyện nửa thế kỷ trước bây giờ kể lại để chọc ghẹo làm mọi người cười không kịp thở. Nụ cười còn phân biệt địa phương nữa đấy. Có một “nửa kia” Công Nghệ thấy tôi và anh Giụ Hùng cười cho một người bạn chụp hình, bèn nhận xét rằng “Hai ông cười quá tươi. Nhìn là biết dân Bắc Kỳ ngay!” Chuyện này chưa kể cho anh Giụ Hùng nghe. Có đúng thế không quí vị, hay là anh em tôi cười phô hết cả răng nên bị diễu chăng?!

Dông dài thêm một tí về nụ cười. Theo tuổi đời chồng chất gương mặt người ta ít nhiều có thay đổi nhưng nụ cười vẫn thế, nhất là quí bà quí cô. Thuở xa xưa ở Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ, trường tôi đối diện với trường Hóa học. Tôi có một ông anh đẹp giai, cao nhất trường và giọng nói điệu cười của anh cũng rổn rảng nhất nên nhiều cô sinh viên “lối xóm” để ý. Trong số ấy có một giai nhân với nụ cười thật đẹp và rạng rỡ chiếu sang trường Công Nghệ làm cho anh thần xiêu phách lạc nên anh phải “rước nàng về dinh”. Mối tình nên thơ bắt đầu từ một nụ cười đẹp ấy thật bền vững cho đến nay đã gần kỷ niệm “Lễ cưới vàng”. Và cũng ngần ấy năm tôi không gặp anh chị, khi biết tin nhau thì đang ở cách xa nửa vòng địa cầu. Hội ngộ ở Đại hội thứ 7 Chicago này, tôi vui mừng khi thấy anh chị còn khỏe lắm, anh vẫn bình dị, thân tình như xưa và nụ cười đẹp sáng ngời một thời sinh viên Hóa học của chị càng rạng rỡ hơn. Dù mới gặp lần đầu nhưng chị đã ân cần săn sóc “nửa kia” của tôi một cách trìu mến, thân thiết làm cho cô ấy nhớ và nhắc nhở bà chị hoài.

Tay bắt mặt mừng cũng có nhiều kiểu khác nhau. Chào hỏi xã giao khi gặp mặt người ta thường chìa tay phải ra để bắt. Thân hay sơ biểu lộ qua việc bàn tay siết mạnh hay nhẹ. Thân mật lắm mới đưa cả hai tay ra để nắm. Để diễn tả sự vui mừng tái ngộ bà con hay nắm chặt tay rồi lắc mạnh. Điều này chỉ thường xảy ra với hai đấng nam nhi. Dân Á Rập chào nhau bằng hai vòng tay ôm hờ đôi vai, hôn phớt hai bên má, rồi buông nhau ra là xong. Cho đến sau 1975, dân miền Nam xem trên truyền hình thấy cán ngố Mít khi chào mừng cũng bắt chước bọn lãnh tụ CS quốc tế ôm chầm lấy nhau rồi cọ cọ hai bên má một cách gượng gạo, trông thô tục và rất gai mắt. Đại Gia Đình KSCN có một cách bắt tay riêng, đơn giản nhưng rất thân ái. Anh chị em hội ngộ trong những kỳ đại hội thường bắt tay thật chặt và giữ yên một lúc. Cái “một lúc” thinh lặng này hình như đủ để nói trọn vẹn tình thân mà không có lời lẽ nào thay thế được. Cái cảnh hai người bạn lâu ngày mới gặp tiến sát lại gần rồi đứng yên, người này tươi cười nhìn người kia từ đầu đến chân rồi ôm vai, vỗ lưng nhau dễ làm cho người khác vui lây. Ở những xứ tự do có một số người, bất kể tuổi tác, khi chào mừng nhau họ bắt tay trái. Đó là những thành viên của phong trào Hướng đạo thế giới do Ngài Baden Powell sáng lập, có quan niệm bắt tay trái biểu lộ thân tình hơn vì tay trái gần quả tim hơn tay phải. Dân Công Nghệ có nhiều cựu Trưởng Hướng đạo VN. Đi dự ĐH Chicago năm nay tôi biết chắc sẽ gặp hai người mà tôi biết rõ đã từng là Trưởng Hướng đạo, đó là anh Quản gia Nguyễn Đắc Ứng (CN 13) và Thầy Trần Kiêm Cảnh (CN3). Gặp nhau mừng quá, khi thấy tôi chìa bàn tay trái ra anh Ứng khựng lại vài giây rồi nhanh tay đưa tay trái ra bắt, cười hà hà. Khi chào Thầy Cảnh tôi có hơi lúng túng vì trước mặt đông người đưa tay trái ra trước có thể bị coi là thất lễ nên tôi bắt bằng cả hai bàn tay. Như thế thật tiện lợi đôi đường, bàn tay trái chào Trưởng Hướng đạo còn bàn tay phải bày tỏ sự tôn kính với một giáo sư. Điều này tôi đã muốn nói với Thầy nhưng trong giây phút hội ngộ thật cảm động ấy tôi đã quên. Dân Hướng đạo hình như có một chút gì đó khác dân thường. “Hướng đạo một ngày, Hướng đạo mãi mãi”. Tiếc là không có nhiều thì giờ để cùng nhau ôn lại những ngày “sắp sẵn” thật đẹp của một thời đáng nhớ.

Chọn du thuyền Odyssey II làm nơi tổ chức đêm hội ngộ thứ nhì cho Đại hội 7 Chicago là một quyết định táo bạo, tự tin về khả năng tài chánh vì chi phí khá cao. Họp mặt vui chơi vào ban đêm trên một du thuyền sang trọng chạy dọc một con sông của một thành phố đẹp hai bên là những tòa nhà chọc trời với ánh đèn từ cửa kính, nhìn tưởng như bầu trời nạm hàng vạn ngôi sao chiếu sáng lung linh, tạo thêm bầu không khí hữu tình, là một kỷ niệm tuyệt vời. Giòng sông đêm êm ả, thuyền lướt nhẹ tới để lại sau lái những đợt sóng nhỏ nhấp nhô mang vô số vệt sáng lấp lánh làm cho người ta thấy lòng mình dịu xuống. Gió mát thổi nhẹ cũng làm cho tâm hồn thơ thới hơn. Bên trong du thuyền ánh sáng vừa đủ để tạo một không gian ấm cúng. Tổ chức Đại hội đúng vào ngày thành phố Chicago có đốt pháo bông. Bầu trời đêm rực sáng với những chùm pháo hoa đủ màu đủ kiểu giúp cho đêm hội ngộ KSCN thêm hào hứng và vui tươi. Mọi người mải mê tâm sự, thưởng thức những món ăn tối ngon miệng nên sàn khiêu vũ vắng bước chân của những “vua nhảy đầm” Công Nghệ năm xưa. Ngày mai có một số bạn sẽ chia tay nên đêm nay cứ tận hưởng những giờ phút bên nhau cho trọn vẹn một cuộc hạnh ngộ của những bạn đồng môn đến từ nhiều nơi cách xa nhau hàng chục giờ bay. Giờ khắc trôi qua thật nhanh, tâm sự chưa vơi nên đêm về khuya mọi người nói lớn hơn, cười nhiều hơn như để níu kéo thời gian trôi chậm lại.

Đêm nay, đứng trên một du thuyền đang đậu ở Navy Pier bờ sông Chicago, Hoa Kỳ, tôi nhớ về con sông xưa chảy qua thành phố quê hương tôi. Vào một đêm nửa thế kỷ trước, tôi cũng đứng trên boong một con thuyền đang neo ở một quân cảng, để dự một buổi dạ vũ Kỹ Sư Công Nghệ. Con thuyền ấy là một chiến thuyền của binh chủng hải quân VNCH. Giòng sông xưa êm đềm ấy có tên Saigon của tuổi thơ tôi yêu dấu. Trong 4 năm học KSCN, khóa 10 chúng tôi đã tham dự ba đêm Dạ hội ở Cơ xưởng và một đêm dưới một tàu chiến do Thầy Giám Đốc Bùi Tiến Rũng vận động với Bộ tư lệnh hải quân để mượn. Buổi dạ vũ này đông vui và long trọng nhất, được vinh dự khai mạc bởi vị Tướng Tư lệnh Hải quân VNCH. Ở đây, trong một thời điểm khác, với cùng những khuôn mặt thân quen của Thầy Cô và bạn đồng môn đang ở quanh mình, tôi lại có cảm giác bồi hồi xúc động không khác đêm năm xưa khi tôi cũng đứng trầm ngâm, tựa tay trên lan can một chiếc tàu chiến ngắm trời nước mênh mông của giòng sông quê trong một buổi dạ tiệc cuối năm, cảm được sự khốc liệt của không khí chiến tranh đang trùm phủ trên quê hương tôi. Nếu lịch sử không sang trang bi thảm thì có lẽ giờ này Đại Gia Đình KSCN chúng ta sẽ họp mặt cuối năm lần thứ 60 trên một du thuyền sáng rực hoa đăng trôi nhẹ nhàng trên giòng sông của Saigon thơ mộng ở quê mình chứ không phải Odyssey của Đại hội lần thứ 7 trên sông Chicago ở xứ người bên kia bán cầu.

Chúng tôi đến trễ và đi sớm, như một cơn gió thoảng, nên không kịp gặp mặt để nói lời từ giã và cám ơn đến Ban tổ chức đã cống hiến một dịp hội ngộ thành công mỹ mãn với lịch trình chặt chẽ nhưng đầy sáng kiến và chu đáo đến từng chi tiết nhỏ. Anh chị Mạnh Thường quân Hoàng Huy Phương (CN14) từ đầu đến cuối đã tất bật, vất vả nhiều ngày, Tô Mộng Thủy (CN15) luôn luôn đôn đáo và bận rộn, Lâm Anh Tuấn (CN14) ân cần dễ thương, kỹ sư đa tài kiêm Mạnh Thường quân Lê Hữu Luật Thạo (CN16) xông xáo và nổi bật trong mọi đại hội, người tự giới thiệu là “cô hồn” nhưng rất dễ mến và hết lòng đối với mọi người. Thầy Nguyễn Công Đàm (CN11) của anh em KSCN trẻ vẫn nhiệt tình và thân ái như ngày xưa, đã đón mừng và từ biệt mọi người bằng hai bài diễn văn hay và thật xúc động. Người nhắc đến sau cùng là anh Đỗ Huỳnh Hổ, một kỹ sư công nghệ năng động nhanh như điện xẹt, vì thoáng một cái là anh có mặt khắp nơi để chu toàn nhiệm vụ từ ngân sách, cờ xí trang hoàng … cho đến thức uống của mọi người. Cám ơn bạn hiền đã lo lắng cho tôi từ trước ngày Đại hội khá lâu. Sự tận tình của anh, và các “nhà báo” của Ban biên tập Đặc san cùng các bạn ở Little Saigon đã giúp cho tôi mạnh dạn làm một chuyến viễn du đến Xứ Cờ Hoa để có dịp tái ngộ Quí Thầy Cô, Huynh trưởng và các bạn đã xa cách nhiều thập niên. Đa tạ Ban tổ chức Đại hội 7 Chicago đã cho tôi những kỷ niệm đẹp của một lần hội ngộ nhớ đời.

Kính chúc Quí Thầy Cô, Huynh trưởng, các bạn cùng quí quyến luôn an khang và hạnh phúc. Mong tái ngộ trong những kỳ Đại hội sắp tới.

VĨNH NGỘ
Perth, Tây Úc. Mùa xuân 2015.
Post Reply