Bến Xuân

Giúp vui Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: nuoclanh

Post Reply
User avatar
unclevinh
Posts: 378
Joined: 01 Mar 05, Tue, 11:06 pm
Location: TVinh CN17, Gilbert, AZ
Contact:

Bến Xuân

Post by unclevinh »

Bến Xuân
Thái-Vinh

Thời niên thiếu nhờ ở gần tiệm giặt ủi của anh Sáu, tuy không có khiếu đàn địch ca hát, nhưng vào những đêm trăng sáng nghe anh Sáu thổi sáo và đánh đàn ca những bản nhạc tình lãng mạn làm các chị trong xóm đang tới tuổi biết buồn phải khóc thầm bỏ ăn mất ngủ khiến tôi ao ước cũng biết đàn địch và ca hát như anh để tán gái. Những lúc rảnh rang, tôi thường chạy qua tiệm, phụ việc lặt vặt xách nước xếp quần áo để được anh bày đánh đàn Mandolin. Nhưng khổ luyện chai ngón tay một thời gian, thấy tiếng đàn vui tai và hùng mạnh nầy không hợp với tâm hồn và không mang lại một tí kết quả, tôi chán nản thưa sư phụ:
- Em muốn học đàn Guitar?
- Tay mày còn nhỏ, chưa bấm hết cần đàn; mà mày học làm gì?
- Em muốn hát được bài Bến Xuân của Văn Cao.
- Vậy là mày làm thầy tao rồi! Mà mày kiếm đâu ra bài Bến Xuân?
- Em nghe Thái-Thanh hát bài nầy trên radio một lần thích quá nên nhịn ăn quà sáng, mua được bản Bến Xuân của Văn Cao và vài bản nhạc khác của Phạm Duy.
Nói xong tôi chạy về nhà lấy bản nhạc có hình bìa mầu xanh với đàn chim tung cánh bay trên sóng nước đem sang khoe. Anh Sáu thử đánh dạo và hát vài câu, rồi lắc đầu, nói "Rất ít người hát được bài nầy!" Nhưng từ đó anh cho tôi vò vẽ tập cây đàn Guitar trân quý của anh. Nhờ học đàn lai rai, tôi bớt chơi hoang và ít bị ba đánh đòn. Một hôm đi làm về không thấy tôi, ông kêu rền núi làm tôi hoảng hốt chạy về, tưởng sắp bị một trận đòn do ai mắng tôi phá phách; không ngờ ông nói, "Đi theo ba!"
Tôi yên lặng theo sau. Đi qua chợ vào một tiệm bán tạp hóa, ông chỉ cây đàn Guitar độc nhất treo trên móc cao, trả tiền, tưởng tôi mừng rỡ cầm đàn; nhưng tôi xấu hổ quá vì đã biết đàn đâu nên vụt bỏ chạy về nhà trước. Báo hại ba tôi phải vác cây đàn Guitar đầu tiên trong đời của tôi về làm hàng xóm hai bên đường ngó thấy ngạc nhiên!
Sau thầy Sáu, tôi còn thụ giáo thêm thầy Bảy, một vị sư phụ khiếm thị nhờ lũ cháu dắt chạy giặc đến ở tạm trong xóm. Thầy Bảy tên Phụng kết bạn anh em với ba tôi; nhưng bọn tôi gọi thân mến là anh Bảy Phụng. Anh Bảy chuyên trị nhạc buồn Bolero của Trúc Phương. Đúng là có tật có tài; anh dạy đàn dạy hát lai rai ít lâu sau cưới được một cô học trò thì không nhận học nữa. Tôi cũng thích nhạc buồn của Trúc Phương vì ông đặt lời quá hay; nhưng tôi không bao giờ quên được lời ca diễm tuyệt trong bài Bến Xuân của Văn Cao qua tiếng hát Thái-Thanh đã chớm gieo niềm xao xuyến đầu tiên trong tâm hồn tôi. Tôi ao ước lớn lên được làm ca sĩ, chỉ cần hát được bài Bến Xuân của Văn Cao và bài Tình Hoài Hương của Phạm Duy là tôi rất mãn nguyện. Người biết tôi mê hai bản đàn nầy là Hoàng Nam. Lúc còn ở State College, mỗi tháng anh có gia đình để về thăm nhà, và khi trở lại thế nào anh cũng ném cho tôi một cuốn báo mới Văn Nghệ Tiền Phong đã đánh dấu sẵn tên vài cô đặc biệt trong mục tìm bạn bốn phương để tôi trổ tài viết thư kết bạn. Anh là người kiểm soát thư, dán tem, và đọc thư trả lời cho tôi nằm nghe. Anh lại có sáng kiến bắt tôi vào phòng cầu tiêu khoá cửa để thu vào băng nhựa C60 của máy Cassette Panasonic mấy bài hát mà tôi thường hát cho anh nghe trong đó có bài Bến Xuân và Tình Hoài Hương gửi kèm theo lá thư kết bạn bốn phương. Kết quả, thư kết bạn do tài anh nghĩ ra thật lợi hại đều được trả lời một trăm phần trăm! Hai lần anh suýt được lấy vợ sớm nhờ những cánh thư tình kèm theo băng hát. Khi tôi rời nước Mỹ sang Pháp ở hai tháng, kết bạn với nhạc sĩ Trịnh-Hưng cũng hát chơi mấy bài hát cũ thu trong băng Cassette tặng cho một cô bạn. Lúc về ở hẳn bên đảo lại nhận được thư của Phạm Duy khen tôi hát nhạc Phạm Duy. Ông hẹn sẽ sang Nouméa. Tôi chờ có dịp gặp nhau sẽ hỏi ông về bài hát Bến Xuân của Văn Cao mà ngoài bìa nhạc tôi có thời xưa ấy do nhà xuất bản Tinh Hoa tái bản lần thứ 3 năm 1954 tại sao lại ghi tựa thế nầy?
Bến Xuân
Đàn Chim Việt
Văn Cao
Phạm Duy

Nhưng rồi ông bị bịnh, không sang Nouméa; mà chúng tôi lại trở về Mỹ. Trong dịp đến nhà anh Đan-Hùng chào đón nữ sĩ Ngô Minh-Hằng, nghe tiếng hát Mộng-Lan, anh thích quá, mời chúng tôi góp giọng ngâm và tiếng hát trong chương trình Chiều Thơ Nhạc "Quê Hương & Nỗi Nhớ" do anh tổ chức ngày 28 tháng 11 năm 2004 tại San Jose. Anh Đan-Hùng là một thành viên kỳ cựu trong ban ngâm thơ Tao Đàn do thi sĩ Đinh-Hùng phụ trách trên đài phát thanh Sài Gòn ngày xưa. Tôi quá yêu mến bài Bến Xuân, nên yêu cầu nàng hát bài nầy một lần. Lần ấy sau khi ngâm xong bài thơ Gái Việt của Hồ Hán Sơn, tôi xin phép MC Thủy-Tiên cho tôi được tự giới thiệu bài Bến Xuân của Văn Cao, rồi tôi bắt chước y như Phạm Duy trong đêm tái ngộ với các nghệ sĩ vào một đêm xuân mưa lấm tấm ở Bến Đò Rừng tại Việt Trì năm 1947 có Lưu Bách Thụ, Văn Cao, Hoàng-Oanh, Thương-Huyền... tôi đã mở đầu bài Bến Xuân bằng 2 câu thơ của Văn Cao:
Chiều nay run rẩy tha đôi cánh
Một cánh chim xưa đến lạc loài

và hát 2 câu mở đầu:
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần

Rồi nàng cất giọng cao vút thánh thoát hát:
Bến nước reo mừng hợp đàn trên khắp Bến Xuân...
cho tôi đệm sáo hoà cùng tiếng đàn của nghệ sĩ Đức-Mai. Hết lời hát thứ nhất của bài Bến Xuân, tôi lại cất giọng buồn bã mở đầu lời thứ hai của Bến Xuân với hai câu mà tôi thích nhất:
Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều...

Nàng hát tiếp theo cho đến hết bài:
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu...
Sau lần ấy, nàng không còn hát bài Bến Xuân nữa, mà tôi cũng không yêu cầu vì "Em vắng tôi một chiều" là hết rồi! Trong những dịp sinh hoạt thường lệ hàng tháng của nhóm bạn học cùng trường cũ, mỗi lần hát Karaoke, tôi chỉ ngồi lắng nghe. Nếu có người đề nghị tôi hát thì một vị đại ca trả lời hộ, "Hắn chỉ biết hát bài Bến Xuân thôi!" Bài Bến Xuân không có trong các đĩa karaoke mà chỉ có bài Đàn Chim Việt cùng nhạc mà khác lời của Văn Cao. Nhiều người thích lời hát của bài Đàn Chim Việt và cho lời hát nầy có trước lời Bến Xuân. Riêng tôi, tôi không bao giờ thích bài Đàn Chim Việt, mặc dù đã từng nghe Lê Dung hát bài nầy quá điêu luyện, lại còn rung láy giả tiếng chim ríu rít hợp đàn rất tuyệt vời.
Tôi nghĩ bối cảnh trong mối tình đẹp "Em đến tôi một lần" giữa Văn Cao và Hoàng-Oanh làm gì có chen những lời gượng ép như trong bài Đàn Chim Việt?:
Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành
Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh...

Tôi yêu Bến Xuân vì Bến Xuân là một câu chuyện tình đẹp dang dở giống như mối tình giữa Dũng và Loan trong tác phẩm Đôi Bạn của Nhất Linh mà tôi rất yêu thích từ thời trung học. Đôi khi tôi cũng tự hỏi Bến Xuân ở đâu trên đất Bắc? Trong Bến Xuân có thấp thoáng hình ảnh hoa đào nở vào mùa xuân trong câu:
Cành đào hoen nắng chan hoà
Rồi tự nghĩ làm gì có địa danh nào mang tên Bến Xuân; vì khi yêu và được yêu, thì hai tâm hồn gặp nhau như thuyền cập bến nhìn đâu cũng thấy mùa xuân.
Tôi lại nghĩ lời hát thứ hai của bài Bến Xuân có chất thơ hơn lời thứ nhất, và cho là của Phạm Duy đặt hơn là của Văn Cao. Cứ mỗi lần nhẩm lại lời thứ hai tuyệt đẹp trong Bến Xuân:
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương hơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân

là tôi lại cảm thấy phảng phất hình ảnh Dũng trong Đôi Bạn vào một đêm xuân qua lời thơ Giây Phút Chạnh Lòng của Thế Lữ cảm khái toàn bộ câu truyện Đoạn Tuyệt. Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn là 2 tác phẩm, nhưng cùng một cốt truyện của Nhất Linh. Đoạn Tuyệt giải quyết luận đề giữa mới và cũ. Tôi không thích Đoạn Tuyệt vì đã làm cho đời Loan dang dở, không được lấy người mình yêu, rồi còn lỡ tay giết chồng để đoạn tuyệt với cái cũ. Truyện tình trong Đôi Bạn trong trắng và thơ mộng hơn!
Tết năm 2010, tôi từ Lào về Sài Gòn, ghé lại nhà nhạc sĩ Phạm Duy thăm ông trước khi bay sang Thái Lan. Gặp nhau, hỏi đủ thứ chuyện mà lại quên hỏi lời thứ hai của bài Bến Xuân. Về lại Mỹ tôi mới nhớ, bèn gửi meo hỏi thăm ông:

Kính nhạc sĩ Phạm Duy,
Hình như Phamduy.com đã biến mất khá lâu, rồi trở lại lúc nào không hay. Tình cờ mới đọc những bài viết kỷ niệm Lá Rụng Về Cội trong http://www.phamduy2010.com
chúng tôi thấy Phạm Duy lúc nào cũng hay, và là một nghệ sĩ rất giàu tình cảm với gia đình và bạn bè dù đối với kẻ còn hay người đã mất. Cảm động nhất là đoạn ra mộ thăm nhạc sĩ Văn Cao.
Nhắc tới Văn Cao, lại nhớ Bến Xuân, một bài hát rất lãng mạn mà chúng tôi từng ưa thích. Phan Lạc Phúc có nhắc kỷ niệm về bài Bến Xuân trong một đêm xuân 1947 với Văn Cao, Phạm Duy, Thương Huyền, Hoàng Oanh, khổ chủ Lưu Bách Thụ, và Trần Ngọc D.., ông khen "Phạm Duy không phải là 1 giọng ca vàng, nhưng Phạm Duy hơn người ở chỗ anh biết nắm lấy cái "thần" của từng bài hát" làm chúng tôi càng khoái Phạm Duy hơn.
Chúng tôi có bản Bến Xuân do nhà xuất bản Tinh Hoa in năm 1954 đề tác giả Văn Cao và Phạm Duy. Xin hỏi nhạc sĩ Phạm Duy:
Nhạc và lời Bến Xuân của chung hai nhạc sĩ, hay mỗi người soạn một đoạn, hay mớm lời cho nhau?
Nếu chỉ hát lời một của Bến Xuân không thôi, thì bài hát chưa tuyệt. Chúng tôi cho lời hai "Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác. Em vắng tôi một chiều ..." mới là kiệt tác của Bến Xuân.
Còn tại sao Bến Xuân biến thành Đàn Chim Việt? Văn Cao chắc không phải là tác giả của lời hát mới nầy?
Cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy đã cho chúng tôi được gặp gỡ chớp nhoáng vài phút trước khi xa Sài Gòn ngày 27 tháng 12 vừa qua. Chúng tôi không quên câu dặn của nhạc sĩ, "Khi nào về thì đến thăm tôi."
Kính chúc nhạc sĩ Phạm Duy luôn vui khoẻ và mong có dịp gặp lại.

Nhận được meo, ông trả lời ngay:

"Cám ơn Thái-Vinh đã gửi cho tôi một message đầy tình cảm.
Anh hỏi : Nhạc và lời Bến Xuân của chung hai nhạc sĩ, hay mỗi người soạn một đoạn, hay mớm lời cho nhau? Nếu chỉ hát lời một của Bến Xuân không thôi, thì bài hát chưa tuyệt. Chúng tôi cho lời hai "Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác. Em vắng tôi một chiều ..." mới là kiệt tác của Bến Xuân...
Xin trả lời: 1945, sau khi đoàn hát ĐỨC HUY tan gánh ở Sài Gòn, tôi trở về Hà Nội, gặp lại Văn Cao là hai người lại gần như sống chung với nhau ở một căn nhà gần phố Huế. Trước đây, chúng tôi thường hay trao đổi sáng tác, bấy giờ Văn Cao vừa sọan bài Bến Xuân và cho tôi xem thì tôi thấy bài này nói tới một câu chuyện rất hay nhưng thiếu một đọan kết.
Bài hát mô tả một cuộc tình rất đẹp (mối tình mơ mộng giữa Văn Cao và 1 người đẹp tên Oanh) nhưng trong thực tế đó là một cuộc tình không thành (vì 2 người sẽ xa nhau)... cho nên tôi viết thêm lời hai.
Lời một là "em đến với tôi" để chung sống trong căn nhà trên bến xuân... em thẹn thùng nhìn bến xuân...
Lời hai là khi em đã "em xa vắng tôi" rồi, tôi trở về thăm lại căn nhà xưa... rũ áo phong sương, ngại ngùng nhìn bến xuân
Còn tại sao Bến Xuân biến thành Đàn Chim Việt? Văn Cao chắc không phải là tác giả của lời hát mới nầy?
Lúc đó là thời Cách Mạng nên chúng tôi đành phải đổi lời và nhét đồi Yên Thế, Bắc Sơn v.v..
Thân ái
PD"

Image
Image
Image

Image

Sài Gòn ngày 27 tháng 12, 2009
Phạm Duy & Thái-Vinh

Image
uncleVinh
Post Reply