Ca khúc thời chinh chiến

Giúp vui Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: nuoclanh

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Ca khúc thời chinh chiến

Post by uncle_vinh »

"Người Lính Trẻ" của Phạm Duy
Nguyên Hân

Cơn mưa chiều thứ Bảy hôm nay ngưng lúc hai giờ, nhưng bầu trời vẫn không sáng lên được chút nào vì mây xám từ biển Thái Bình Dương vẫn không ngừng ào vào, đi ngang qua thành phố nơi tôi đang sống. Tôi đang mải mê đọc e-mail và hình ảnh của một người bạn cho hay vừa đi thăm công trường khai thác bô-xít Nhân Cơ, ở Đắc Nông về, thì từ phòng khách vọng vào tiếng đàn của Ngọc.

Tiếng đàn dương cầm bỗng chấm dứt một cách bất thường, không láy luyến như thường lệ của mỗi bản nhạc hay nhỏ dần để chấm dứt như Ngọc thường chơi. Sự im lặng bỗng phủ xuống căn nhà, ngoài tiếng nước chảy róc rách của thác nước nhỏ chạy bằng điện trong góc phòng làm việc.

- “Sao vậy? Sao ngừng ngang xương vậy?” Tôi hỏi.

- “Buồn quá. Bản nhạc buồn quá, thấy thương cho mấy người lính… hát nữa chừng bỗng dưng muốn khóc.” Ngọc trả lời.

Tôi bước lại chiếc đàn dương cầm, bản nhạc Ngọc đang chơi nữa chừng và “bỗng dưng muốn khóc” là bài “Người lính trẻ” của Phạm Duy.

Người lính trẻ chết trận ngày mai
Trên quê hương ngọn lúa rụng rời

Phạm Duy, con người và âm nhạc của ông là một đề tài bất tận. Nói như Trần Dạ Từ, Phạm Duy là một “kẻ tình nhân lang chạ không phải của một, mà của nhiều người, nhiều thế hệ.” Tôi không muốn nói đến một Phạm Duy lang chạ kia trong bài này. Tôi chỉ muốn nói về bản nhạc “Người lính trẻ” của ông đã làm Ngọc bỗng dưng muốn khóc, đủ xúc cảm cho tôi viết lên những tâm tình muốn chia sẻ với các bạn trong buổi chiều cuối tuần này.

Image
Người lính trẻ miền Nam. Nguồn hình: Onthenet
--------------------------------------------------------------------------------

“Người lính trẻ” là một trong 41 bài trong tập nhạc “Ngày đó chúng mình yêu nhau” của nhạc sĩ Phạm Duy, do nhà xuất bản Tinh hoa Miền Nam phát hành ở Sài Gòn với lời giới thiệu của thi sĩ Trần Dạ Từ. Theo ghi chú ở cuối bản nhạc, thì bài này được sáng tác vào mùa xuân năm 1971, sau cuộc tổng tấn công miền Nam của lực lượng vũ trang Mặt trận Giải phóng Miền Nam và quân đội chính quy miền Bắc vào dịp Tết Mậu Thân, và trước “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972…

Người lính trẻ chết trận chiều qua
Nên trăng sao vụt tắt chẳng ngờ
Người lính trẻ chết trận hồi mơi
Nên hôm nay chẳng có mặt trời…

Đã là người lính trẻ, thì e rằng họ khoảng mười tám hay đôi mươi. Vừa học xong trung học, ở miền Nam dạo đó thì theo hệ 12 năm, ở miền Bắc thì theo hệ 10 năm. Cho dẫu họ có khoác áo lính vì lý tưởng, vì bị đi quân dịch hay đi nghĩa vụ, họ đều có mẫu số như nhau: TRẺ. Như một bản nhạc của Trần Thiện Thanh, “tôi đi vào quân đội mà trong lòng chưa hề yêu ai.”

Chưa hề yêu ai chưa hẳn đã chắc là không có người yêu họ. Bên cạnh họ còn có mẹ, có cha, có anh có chị, có bạn bè. Đi vào chiến tranh là đi vào chỗ chết. Hơn ba triệu rưỡi người dân hai miền đã chết theo cuộc chiến vừa qua, chết như mơ là cái giá những người lính trẻ đã trả. Họ chết nhưng người tình của họ - nếu có – cũng như những người thân của họ thì cũng phải chết đứng chết ngồi theo, ở cõi dương.

Tình chỉ còn màu tang lạnh ngắt
Và còn gì nhan sắc người yêu?
Sờ vào đàn thì giây đàn đứt
Đọc truyện tình dòng chữ rụng rơi

Nếu bạn thuộc vào lứa tuổi đôi mươi, và sinh ra trong thời gian khói lửa đó, thì người lính trẻ kia có thể là bạn. Nếu bạn thuộc lứa tuổi ba mươi, thì người lính trẻ kia có thể là người em nhỏ của bạn, và nếu bạn thuộc lứa bốn mươi, năm mươi trở lên, người lính trẻ kia không chừng là đứa con trai của bạn…

Ba mươi lăm năm từ ngày chiến tranh đã chấm dứt, hãy bình tâm nhìn lại, họ - những người lính trẻ kia - đã chết cho ai? Cái chết của họ mang lại gì cho đất nước hôm nay?

Người lính trẻ chết trận ngoài khơi
Nên không nghe chủ nghĩa tuyệt vời
Người lính trẻ chết trận bờ ao
Không dương danh một chế độ nào

Image
Người lính trẻ chết trận bờ ao, không dương danh một chế độ nào. Nguồn: Onthenet
--------------------------------------------------------------------------------

Trong cái ý nghĩa này, Phạm Duy đã bày tỏ sự thông cảm, của một người nghệ sĩ sáng tác dành cho số phận của người lính Việt Nam Cộng Hòa và những người lính trẻ Việt Nam đã hy sinh cho cuộc chiến vừa qua nói chung. Ông tử tế với người lính miền Nam hơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi bài “Cho một người vừa nằm xuống” của Trịnh Công Sơn chỉ thuần dành riêng cho Đại tá Lưu Kim Cương, người đàn anh đã yêu mến và bảo bọc ông lúc còn sống.

Nếu như, nhạc của Trần Thiện Thanh là chia sẻ niềm vui với lính, thì nhạc của Phạm Duy đã chia sẻ niềm đau, mất mát của lính. Kỷ vật cho em, Người lính trẻ, Trả lại em yêu, Tưởng như còn người yêu… là một vài thí dụ.

Trở lại với “Người lính trẻ”, đã có nhiều người lính trẻ hy sinh trong cuộc chiến vừa qua với lý tưởng của họ, như để bảo vệ tự do cho miền Nam, như nhằm giải phóng miền Nam… Nhưng cái tự do mà họ phải trả bằng sinh mạnh của chính mình đó, có còn không khi chính quyền miền Nam là một chính quyền bất lực để cho Cộng sản miền Bắc nhuộm đỏ cả toàn nước năm 1975? Cũng có những người lính miền Bắc đi B vì lý tưởng giải phóng miền Nam – không cần biết họ bị lừa hay ra đi có ý thức - câu hỏi là những người bộ đội trẻ kia hy sinh mạng sống của họ cho cái gì? Máu xương họ đổ xuống cho chủ nghĩa cộng sản toàn trị lên ngôi? Để cho hôm nay Tổ Quốc mất biển, mất đảo và Độc Lập-Tự Do-Ấm No-Hạnh Phúc đồng nghĩa với lọc lừa, phản trắc?

Hãy để cho những người lính trẻ đã nằm xuống kia có thêm cùng mẫu số khác: TỔ QUỐC. Họ đã chết TRẺ và đã chết cho TỔ QUỐC VIỆT NAM.

Hãy để tất cả Đài Tưởng Niệm Chiến sĩ Trận vong hay Đài Tưởng niệm Liệt sĩ trên toàn ba miền đất nước ghi nhớ sự hy sinh của những người lính trẻ này, không phân biệt người lính Việt Nam Cộng Hòa hay người bộ đội của Quân đội Nhân Dân Việt Nam.

Image
Người lính trẻ miền Bắc. Nguồn hình: Onthenet
--------------------------------------------------------------------------------

Lừa dối, gạt gẫm những người lính trẻ để họ phải hy sinh oan uổng là một điều bất lương. Vẫn ngoảnh mặt làm ngơ không chịu chấp nhận một lịch sử đã sang trang, còn phân biệt trong cách đối xử dành cho những người lính trẻ chết trong cuộc chiến vừa qua, là một điều bất nghĩa, bất cận nhân tình.

Hiện nay, nghĩa trang của những người lính trẻ của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam hằng năm vẫn có hoa và khói hương nghi ngút; trong lúc, nghĩa trang của những người lính trẻ Việt Nam Cộng Hòa vẫn hương tàn khói lạnh.

Hãy để cho tất cả các nghĩa trang Quân đội trên ba miền đất nước là nơi an nghỉ ngàn thu cho tất cả những người lính trẻ kia, của cả hai miền.

Người lính trẻ chết trận rồi nghe
Xin nghe đây tận thế gần kề
Người lính trẻ chết rồi còn chi?
Còn chi?

Còn chứ, còn những người đang sống và đang ước mơ sẽ có ngày đất nước sẽ có những đài tưởng niệm chung, những nghĩa trang quân đội chung, dành cho các anh - những người lính trẻ của hai miền Nam Bắc đã đổ máu xương cho tổ quốc Việt Nam năm nao. Và cái chết của các anh sẽ không bị bầy kên kên – nhân danh các anh, mang tên đảng Cộng sản Việt Nam, mà thực chất chỉ là một chính thể độc tài, đảng trị - tiếp tục rĩa rói cái quê hương đang rã rời, tàn tạ của chúng ta trong lúc, kẻ thù muôn đời vẫn lăm le ở phương Bắc.

You may say I’m a dreamer,
but I’m not the only one,
I hope some day you'll join us,
And the world will live as one. (1)

Giờ thì tôi hiểu vì sao tiếng dương cầm bỗng hụt hẫng chiều nay.


© DCVOnline
User avatar
nuoclanh
Posts: 181
Joined: 02 Jun 05, Thu, 11:40 pm
Location: Melbourne, Úc

Re: Ca khúc thời chinh chiến

Post by nuoclanh »

Cám ơn anh Ứng rinh bài về, hay quá,
Để phụ họa, mời quý vị cùng nghe Duy Khánh trong bài "Người Lính Trẻ"

Người Lính Trẻ
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Ca khúc thời chinh chiến

Post by uncle_vinh »

nuoclanh wrote:Cám ơn anh Ứng rinh bài về, hay quá,
Để phụ họa, mời quý vị cùng nghe Duy Khánh trong bài "Người Lính Trẻ"

Người Lính Trẻ
Cám ơn anh nhiều lắm.
Cũng xin cám ơn anh thỉnh thoảng cho anh em chúng tôi nghe những bản nhạc đã lâu lắm không được nghe!

Thân mến,
dacung
Post Reply