Từ Toronto đến Niagra Falls

Post Reply
nguyenvton
Posts: 10
Joined: 29 Jul 05, Fri, 11:45 am
Location: CN13, Toronto, Canada
Contact:

Từ Toronto đến Niagra Falls

Post by nguyenvton »

Từ Toronto đến Niagra Falls

Mới mở tour du lich lần đầu, nên gặp vài rắc rối. Đầu tiên là chuyện ghi tên .
Dù đã phổ biến trên trang mạng, nhưng chỉ có mình Anh Chị Dĩnh CN1 ghi tên. Đến Đêm Hội Ngộ 15/8 thì được thêm Chị Thu CN1 và Anh Chị Ái CN13 nữa là 5 người. 12giờ đêm thứ sáu mới về tới nhà mua vé online cho Chủ Nhật đi. Mặc dù đã in sẵn giấy ghi tên nhưng ít người quá, không dùng đến, bây giờ lại trở ngại vì không biết tên thực của các Chị. Đành ghi tên các Anh trước, còn các Chị phải chờ sáng thứ bảy điện hỏi tên sau. Ghi tên không cùng một lúc, chẳng may phải đi hai chuyến xe khác nhau, thì không biết nên tính sao đây ? 6 giờ sáng dậy, nhận email xác nhận 3 vé , họ yêu cầu in biên nhận trả tiền này thay cho vé lên xe. Phải chờ đến 7:30 sáng mới dám gọi hỏi tên Chị Dĩnh và chị Ái. Sau đó mua thêm 3 vé, cả cho tour guide nữa. Nhận được email xác nhận 3 vé sau này nữa tưởng là xong.

Nhưng trong Đêm Đại Hội 16/8, Anh Chị Huân CN2 và Anh Chị Quí CN8 ngỏ ý muốn đi thác, vì tối qua không biết để ghi tên. Như vậy , việc thông báo chưa đầy đủ, và bàn ghi tên nên có bảng ghi rõ tên chương trình du ngoạn dễ mời gọi mọi người tham dự. Rắc rối là trên trang mạng Toronto Tour là đại lý bán vé của King Tour, chỉ liên lạc bằng email, không có số điện thoại. Cũng may là trên vé mới in ra, có số điện thoại của người điều hành xe, nên gọi cầu may xem sao. Họ đồng ý nhận thêm 4 người nữa vì vẫn còn chỗ trống cho ngày mai. Bấy giờ mới nghĩ ra là đi xe lớn hay nhỏ là tuỳ theo lượng khách, nên không sợ hết chỗ. Ngoài ra, Chị Thu muốn trả phòng trước khi đi, cuối ngày, muốn về nhà Nguyễn Hùng Quân để tiện theo xe Nguyễn Đắc Ứng đi Mỹ vào thứ ba 19/8. Anh Chị Huân đã đặt mua trước để chuyển sang khách sạn Sheraton cho gần phi trường hơn. Thôi, để các Anh Chị cứ trả phòng, nếu xe đi thác không chở hành lý thì đành chất cả vào xe của mình, đậu ngoài bãi vậy. Nhưng, định như thế, lỡ mất hành lý thì sao?
Về đến nhà 1giờ sáng Chủ Nhật, lại mua vé online cho 4 người để 8 giờ sáng đi. Sáng dậy, nhận email xác nhận vé, mới chợt nghĩ ra Anh Chị Quí dù khóa 8, nhưng có thể đã trên 65 tuổi, nên đúng ra phải mua vé của người già, bớt được $10 mỗi vé. Ngoài ra, nếu mua 10 vé một lúc, thì được giảm giá, nhưng mua 3 lần thì không được, lại uổng tiền lần nữa. In bản đồ nhà Quân và khách sạn Sheraton Derry Rd., Mississauga để chiều nay dùng. 7:30 sáng ra khỏi nhà, tính tìm mua nước suối và bánh mì VN, nhưng chưa có chỗ nào mở cửa cả, thôi đành uống Coke có sẵn vậy.

Tại khách sạn, vui mừng tiếp chuyện Anh Lâm CN8 và Chị Nguyễn Võ Đức trước đây ở Sicovina Phong Phú mà tôi đã thực tập một tháng. Hơn 8:30, xe mới đến. Cũng may là Anh Huân sẽ chuyển về Sheraton Lakeshore , trên đường Niagra về lại Toronto, nên lái xe đồng ý sẽ đưa về tận nơi. Xếp hành lý cho Chị Huân xong, chở 10 người đi đón thêm 3 người khác nữa, rồi bỏ xuống khách sạn Primrose ngồi chờ. Vội vàng ghi số xe, anh Huân còn chụp hình bảng số xe nữa , vì sợ mất hành lý. Cả hơn một tiếng sau xe mới trở lại, thêm 4 khách nữa, rồi lên đường trễ hơn cả giờ. 7 người khách sau này còn rất trẻ, không già cả như chúng tôi.
Bây giờ mới để ý thấy bảng treo trên cao bên phải , nhắc nhớ tip cho lái xe kiêm hướng dẫn 15%. Vừa lái vừa nói chắc không an toàn rồi.

Vài phút sau xe đã lên Gardiner Expressway. Đây là đường cao tốc, nối liền hai phía Đông và Tây của Toronto. Xây dựng từng phần từ năm 1955 mãi đến 1966 mới xong, hết 110 triệu đồng, tương đương 700 triệu thời giá 2006. Lúc đầu, đường này dự định nối với đường cao tốc 400 và đường Scaborough, nhưng cuối cùng hai dự án sau không thành. Đường này còn có hơn 4km trên cao, rất cao để không ồn ào phía dưới. Từ lúc bắt đầu xây đến nay, nên giữ hay đập bỏ đoạn đường trên cao này vẫn là đề tài tranh cãi. Hiện Toronto đã chi ra 11 triệu đồng để nghiên cứu. Đập bỏ tốn gần 300 triệu đồng nhưng tạo điều kiện để phát triển khu bờ hồ. Tưởng cũng nên nhắc lại, cầu Mỹ Thuận Việt nam chỉ hết có 98 triệu đô Úc, tương đương 89 triệu đô Canada thôi, đã là một niềm phấn khởi cho dân chúng đồng bằng sông Cửu Long rồi. Saigon hiện nay đang có nhiều dự án trên cao, cũng cần rút kinh nghiện, đừng làm rồi lại đập bỏ như Toronto.


Xe tiếp tục vào Queen Elizabeth Way. Đường này với lưu lượng xe 200,000 mỗi ngày, một trong những xa lộ nhộn nhịp nhất Canada, dài 139 km qua Mississauga, Oakville, Burlington, Hamilton, St. Catharines quanh bờ hồ Ontario, vào Niagra Falls, tới Peace Bridge, Fort Erie, sát biên giới Mỹ.

Hồ Ontario là hồ ở phía cực Đông và nhỏ nhất trong nhóm Ngũ Đại Hồ Bắc Mỹ, dung tích 1,640 km3, diện tích 19,529 km2 và chu vi 1,146km, độ sâu trung bình 86m, cao độ 75m so với mặt nước biển. Sông Niagra dẫn nước từ hồ Erie , cao độ 174 m, ở phía Tây Nam theo hướng Nam Bắc chảy vào hồ Ontario này. Còn sông St. Lawrence từ hồ ra biển theo hướng Đông Bắc, là đường sông chính của Ontario và Quebec. Không giống như ở VN, sông thường chảy từ Bắc xuống Nam, còn ở đây thì ngược lại, nên xem bản đồ dễ có cảm giác như sông chảy từ thấp lên cao vậy.

Theo hướng tây nam, cách Toronto 52km, xa lộ QEW sẽ vượt cầu Burlington James N. Allan Skyway ngang qua vịnh Burlington hướng Đông Nam để sang Hamilton. Cầu và đường dẫn dài 7.6 km, phần cầu cao 30m, dài 2,560m, 75 nhịp trên 76 trụ ( gần bằng cầu Rạch Miễu Việt Nam, 8.3 km, cao 37m, cầu dài 2878m). Do mật độ lưu thông tăng nhanh, năm 1983 bắt đầu xây cặp thêm cầu thứ hai, trị giá 39.5 triệu, đến tháng 10 năm 1985 thông xe. Hiện cả hai cầu rộng 30m , 8 làn xe. Do quá cao, vào những lúc gió to, có khi cấm lưu thông qua cầu, xe phải dùng cầu quay cũ.
Hamilton là một cảng lớn và thành phố kỹ nghệ nặng của Canada. Từ xa, đã nhìn thấy ngọn lửa lò luyện thép đỏ rực. Nhưng có lẽ cũng là nơi ô nhiễm nhất Canada.

Trên xe, Naveed, tài xế nhắc nhở rất nhiều lần về tiền tip của đoàn, tôi phải xác nhận rằng tôi sẽ lo liệu cả. Naveed nói về các nơi đi qua, mà không thấy khách phản ứng gì, anh ta hơi nản. Tôi thật sự chỉ muốn anh ta lái xe mà không nên nói truyện gì cả, nhưng cũng yêu cầu được nghe vài câu dân ca Pakistan. Anh ta lại đề nghị tôi hát trước. Thôi, đành gân cổ ca Lý Đò Đưa ‘ lấy chồng thì em chịu lấy, nằm chung thì em chả nằm”…Đoàn già thì hiểu, nhưng nhóm trẻ chẳng hiểu lời ca ra sao, cũng vỗ tay ủng hộ.

Tiếp tục hướng Đông, trên Queen Elizabeth Way, vòng theo bờ hồ Ontario, cách Toronto 115 km, cầu lớn thứ hai là Garden City Skyway, thành phố St. Catharines. Cầu và đường dẫn dài 5.6 km, cao 37.5m, 6 làn xe, bắc ngang kinh đào Welland. Kinh này từ hồ Erie chảy theo hướng Nam Bắc vào hồ Ontario vì tàu không thể theo sông Niagra vượt thác được. Hàng hóa từ Ohio, Clveland, Michigan, Detroit, qua kinh này, vào hồ Ontario, sông St. Lawrence đến Montreal rồi chuyển sang tầu vượt đại dương. Khởi công từ từ 30 tháng 11 năm 1824, sau ba lần thay đổi, kinh hiện nay dài 43.5 km, vượt kinh hết 11 giờ, mỗi năm lưu thông 40 triệu tấn hàng ( so với kinh Panama 77km, 9giờ và 278.8 triệu tấn). Có thể qua kinh này các tàu dài 285.5m, mớn nước 8.2m và độ thông thuyền của cầu Garden City Skyway là 35.5m. Kinh này có 8 âu thuyền, mỗi cái dài 233.5 m, rộng 24.4m. Xuôi dòng qua mỗi âu 10 phút, còn ngược dòng thì khoảng 20 phút. Kinh này dự kiến đóng cửa vào năm 2030, sau 100 năm hoạt động, khi hoàn thành kinh thứ năm.
Rời xa lộ Queen Elizabeth , chuyển vào xa lộ 55 để đi Niagra-on-the-Lake. Hơn 11giờ sáng, điểm dừng chân đầu tiên là Niagra District Airport. Có nhiều trực thăng cho khách bay ngắm nhìn phong cảnh từ trên cao. Trả thêm $85, có 9 phút bay trên thác và sông Niagra, nhà máy thủy điện, vùng trồng nho và thành phố Niagra -on- the- Lake. Chỉ có mấy người khách trẻ , còn đoàn già này không ai bay cả.

Tài xế yêu cầu tôi nộp tiền cho cả đoàn 10 người, gần $800, nghe muốn xỉu. Tôi trả lời rằng, tôi trả tiền online xong rồi, và đưa cho anh các biên nhận mà tôi đã in ra. Anh gọi về xác nhận với văn phòng và thu giữ các biên nhận này. Đúng ra, tôi nên đưa các vé này ra, trước khi lên xe, để chắc chắn mình lên đúng xe, vì có nhiều hãng du lịch cùng tổ chức đi thác một lúc, không thu tiền trước, mà do lái xe thu. Xe tôi lên có chữ King Tour, là hãng tổ chức, nhưng tôi lại mua vé và trả tiền cho Toronto Tour, một đại lý bán vé của King Tour. Nếu bây giờ lái xe nói rằng các vé này lên xe khác, còn xe này chỉ bán vé và thu tiền tại chỗ thì tôi không biết phải làm sao nữa?
Từ Hamilton cho đến Sông Niagra là vùng bán đảo Niagra. Vùng này nhờ có khí hậu dễ chịu quanh năm, thích hợp trồng các loại cây ăn trái như táo, lê , hồng , dâu, mận,…nhất là nho các loại. Du khách đến từ tháng 12 đến tháng 2, khi trới giá lạnh và đầy tuyết, để xem hái và ép nho ngoài trời , trong quá trình chế tạo ice wine, một đặc sản ngọt, đắt giá nổi tiếng nhất thế giới của vùng này. Trái nho trên cây, chỉ có nước đông lạnh, còn đường và các chất khác không đông, nên khi ép ra, mặc dù được ít chất lỏng, nhưng sẽ cô đọng và ngọt. Nước nho này sẽ đông đặc trước khi lên men, ngược lại với các loại vang khác. Chỉ những trái nho tốt mới được để dành cho mùa đông. Tốn nhiều công, nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất, nên ice wine rất đắt.

12 giờ ghé Pillitteri Estates Winery, 1696 Niagra Stone Rd. ( Hwy55), Niagra-on-the-Lake. Theo sau lái xe vào quầy thử rượu. Người ta bày ra 17 ly, mời mọi người nếm thử rượu vang trắng. Còn ice wine, nếu có mua $50 nửa lít, thì không tính $5 nếm thử loại rượu này. Vậy mà trong quảng cáo, King Tour dám cho rằng được uống thử ice wine miễn phí còn giá trị hơn cả tiền mua tour này.
Rời tiệm rượu vang, nhóm trẻ nhắc lại yêu cầu dân ca Pakistan. Naveed vừa lái vừa ca.
(còn tiếp)
NGUYEN VIET TON
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Re: Từ Toronto đến Niagra Falls

Post by uncle_vinh »

Mời bấm vô link dưới đây để Xem:

Hình Du Ngoạn Niagara Falls
nguyenvton
Posts: 10
Joined: 29 Jul 05, Fri, 11:45 am
Location: CN13, Toronto, Canada
Contact:

Re: Từ Toronto đến Niagra Falls (tiếp theo)

Post by nguyenvton »

Từ Toronto đến Niagra Falls (tiếp theo)

Niagra-on-the-Lake, tên không giống ai của một thành phố cổ, nằm ngay cửa sông Niagra, nên có một vị trí quan trọng từ thời lập nước, thời chiến tranh 1812, đã từng là thủ phủ của tỉnh bang Ontario. Ngày nay, đây là thành phố cổ đẹp nhất Canada, còn nguyên vẹn vẻ đẹp của thế kỷ 19, với lâu đài, đồn lũy, vườn hoa và công viên muôn màu sắc. Cho nên đây cũng là một trung tâm du lịch và nghệ thuật của Ontario với nhiều lễ hội quanh năm dù dân số chưa đến 15,000 người.
Chạy ngang phố bán hàng kỷ niệm, thủ công và đồ cổ, xe đậu kín hai bên đường . Nhưng không ai muốn mua, nên tới luôn bác tài.
Đi xuôi về Nam trên Niagra Parkway, chạy dọc theo sông, bên phải là Canada, bên kia là Mỹ. Ngang qua cầu biên giới Queenston Lewiston, rồi dừng chân nghỉ ở Floral Clock lúc 1:15 giờ chiều. Xây dựng từ năm 1950, rộng 12 m đây là một đồng hồ có hoa lớn nhất thế giới. Các kim dài 435cm, 525cm, và 630 cm, nặng 681 kg, động cơ điện một chiều 5 HP. Một tháp cao 7.2 m, cứ mỗi khắc lại điểm giờ theo chuông của điện Westminster, dùng hai loa 25watt. Mỗi năm trồng từ 15,000 đến 20,000 cây cho thảm cỏ, còn hoa thì thay đổi hai lần mỗi năm: hoa tím mùa xuân, và hoa màu xanh và xám trong mùa hè thu. Hoa đẹp nên lại chụp hình.
Tiếp tục hành trình, ngang qua Nhà Máy Thủy Điện Sir Adam Beck của Canada, còn bên kia sông là Nhà máy Lewiston của Mỹ. Đây là các nhà máy thủy điện tích năng. Nước từ trên thượng nguồn thác, được phân dòng vào hai ống dài hơn 9km, ngầm dưới thành phố sâu cả 100m và xả ra tại nhà máy Queenston này vào trở lại dòng sông. Ban đêm, khi tiêu thụ điện thấp mà nước từ sông được xả vào nhiều, dùng điện hệ thống bơm nước lên trữ ở hồ cao. Ban ngày, khi tiêu thụ điện tăng , nhưng lại không có nước, do phải dành nước cho chảy qua thác, xả nước từ hồ cao phát điện vào hệ thống. Trạm I, dùng nước sông Welland, cũng từ hồ Erie,tiêu thụ 625 m3/s, công suất 487 Mw. Trạm II, dùng nước sông Niagra, 1200m3/s, công suất 1,472 MW. (Thủy điện Hòa Bình Việt Nam 1920 MW). Hiện có chương trình xây dựng hai đường ống khác, đường kính 13.5m, ở sâu 140m, dài 10.4km , trị gíá $985 triệu, để gia tăng khả năng dẫn nước về nhà máy.
Từ hồ Ontario đến Lewiston, chênh lệch 1.5m, thì tàu bè đi lại được. Nhưng từ đây đến thác thì khó khăn vì có nhiều ghềnh. 12,000 năm về trước, thác ở Queenston này , nhưng do tầng đá bị bào mòn dần, thác lùi dần về Nam gần 12km như hiện nay, tạo thành Vực Sâu Niagra.
Đi thêm 3 km nữa, là Niagra Glen, vùng sông hẹp chỉ còn 76m, nước chảy mạnh 36 km/giờ, không rộng 915m như ở Niagra-on-the-Lake. Đây cũng chính là Devils’Hole, có ghềnh cao 6m, và cao độ tăng 14 m chỉ trong một đoạn 600m sông dài. Tôi chợt nhớ ngày xưa, mỗi lần từ trường học tỉnh Long Khánh về , ngang qua sông La Ngà , khi chưa có đâp Trị An, nước cũng vần vũ trắng xóa quanh các mỏm đá xanh rêu, là gần dến nhà rối.
Ngang qua Bontanical Garden và Butterfly Conservatory. Ở đây có hơn 2,000 loại bướm nhiệt đới đủ màu sắc sống tự nhiên.
Tiếp theo là vùng nước xoáy. Vùng này dài 518m, rộng 365m. Trước khi chảy vào vùng này, sông hẹp lại còn 137m, ghềnh cao 10.7m, nên vận tốc nước tăng nhanh thành 48km/giờ và dòng sông đổi hướng đột ngột như cùi chỏ. Khi ít, nước chỉ chảy theo chiều kim đồng hồ. Nhưng khi nước nhiều thì hai dòng nước ngược chiều xoáy vào nhau tung bọt trắng xóa.
Lái xe ngừng ở 5920 River Rd.,Niagra Falls, hẹn chúng tôi sẽ tập họp ở đây lúc 5pm, rồi mua vé cho đoàn xuống Maid of the Mist thăm thác. Giá vé người lớn là $14.50, với nửa giờ trên tàu. Trong khi dong thuyền buồm Toronto, một giờ rưỡi , cũng chỉ tốn $21.95. Bến tàu nằm ở chân đồi Clifton. Dùng thang máy xuống bến, có cả lối đi cho xe lăn. Mỗi người nhận một áo đi mưa cánh bướm ,trong xanh, mỏng. Tàu đang dùng là Maid of the Mist VI và VII, khoảng hơn mười năm cũ. Tàu này dài 24m, nặng 145 tấn, trang bị hai động cơ diesel 350 HP, sức chở 600 người. Hai mươi năm trước dùng tàu nhỏ hơn, chỉ chở 300 người.
Chị Quý nhắc nhở tôi đừng để lạc mất chị Thu, vì khách xuống tàu rất đông. Tôi chỉ cho anh Quý xem , cờ Mỹ treo dưới cờ Canada, ngang tầm cờ tỉnh bang Ontario, còn cao nhất có lẽ là cờ Công Ty Maid of the Mist. Khách xuống trước thường leo lên boong tàu và tràn sang phía bên sông để nhìn cho rõ. Tại đây, sông Niagra đang theo hướng Đông Tây, lại chuyển 135 độ theo hướng Tây Nam – Đông Bắc. Cực tây là thác lớn Horseshoe bên Canada, còn hai thác nhỏ bên Đông là Bridal Veil và American bên đất Mỹ. Thấy thác Niagra hùng vĩ, chợt nhớ lại có lần đến thác Datanla Đà Lạt, mất công đi xuống mà thác chẳng ra gì cả. Chỉ có lúc leo lên mới mệt thở không ra hơi nên nhớ mãi thôi.
Từ bến, tàu hướng sang bên hữu ngạn, qua hai thác nhỏ trước. American Falls cao hơn mặt sông 57m, nhưng chỉ còn cao 21 đến 34m nếu kể từ chân thác. Đá càng ngày càng rơi chồng chất lên nhau, nên năm 1969, Hoa kỳ đã từng ngăn dòng cho thác khô nước để nghiên cứu và định bốc dỡ lượng đá này đi, nhưng cuối cùng không làm, rồi lại khơi dòng cho thác chảy lại như cũ. Thác này trên đỉnh rộng 253m, lượng nước chảy dầy 0.6m, lưu lượng 580m3 mỗi giây.
Còn Bridal Veil Falls, tên trùng lắp với cả mấy chục thác trên thế giới, ở giữa Luna Island và Goat Island, chỉ rộng có 17m. Sau thác này từng có Hang Gió (Cave of the Winds) cao 40m, rộng 30m, sâu 9m. Sau nhiều lần đá đổ, hang này không còn thăm được nữa. Du khách bây giờ , từ mặt đất dùng thang máy xuống mặt sông, mặc áo mưa màu vàng, rồi leo bộ lên các sàn gỗ đỏ và lối đi trước thác, vẫn cảm thấy gió lạnh khoảng 68mph .
Trưa này nắng ấm , nên chúng tôi còn thấy cả cầu vồng, cùng tên với chiếc cầu biên giới gần đấy. Tàu đi tiếp một km nữa sát với Horseshoe Falls của Canada. Goat Island ngăn cách thác này với thác Bridal. Nhìn từ trên không xuống, thác hình vòng cung như móng ngựa, nên có tên là Horseshoe. Thác này rộng 671 m, cao 53m ( trên thế giới còn 500 thác khác cao hơn, nhưng lưu luượng nhỏ), có chỗ lớp nước dầy 3m, với vận tốc 40km/giờ, lưu lượng được giữ khỏang 5.720 m3/giây trong lúc có du khách ( mới chỉ bằng hơn một nửa so với thác Victoria Phi Châu). Đầu thế kỷ 20, thác lùi dần 1.16m mỗi năm. Nay do đã phân dòng cho thủy điện gần một nửa lượng nước, và nhiều biện pháp khác giữ cho bào mòn chỉ còn 1cm mỗi năm mà thôi. Vào năm 1848, do tuyết chặn cửa sông, sông Niagra cạn nước hơn 30 tiếng đồng hồ. Còn trong thế kỷ 20, 15 người đã vượt thác, nhưng chỉ còn 10 người sống sót. Chỉ có cá, vượt thác , còn sống hơn 90% .
Nước trên thác thường màu xanh do khúc xạ ánh nắng và các vi sinh vật, và các cặn trong nước . Khi thay đổi thời tiết và các chất cặn, người ta nhìn thấy nước đổi màu. Sau thác, do cặn bã bị quấy lên , nước trở sang màu nâu. Mỗi ngày, sông Niagra này chuyển xuống hồ Ontario 80,000 tấn (một tấn mỗi giây) khoáng chất và cặn, bằng sức chở của 1,600 toa xe lửa.
Khi tàu vào chân thác , người ta có thể nghe tiếng gầm rú như tiếng sấm trong khi các hạt nước như sương muối bắn rát vào mặt, chẳng nhìn thấy gì nữa cả. Nhiều người từ bên trái tàu lại chạy dạt sang bên phải để tránh nước. Tôi sợ tàu lật nên đứng ngay giữa tàu, nhìn chung quanh chẳng thấy phao cứu sinh đâu hết, chẳng hiểu luật tàu khách đường sông ở Canada này ra sao nữa ? Nhớ lại hồi 1985 đi phà An Hòa Long Xuyên, phà gỗ , hình như 10tấn, chở được có một xe 4 bánh, còn lại là xe hai bánh. Phà thường chở đầy cho tới qúa tải, mà hành khách đứng nhiều ở mũi phà, dù tài công có nhắc nhở cũng như không. Khi vượt sông Hậu, sóng lớn, tôi lo xanh cả mặt vì đâu có biết bơi. Bây giờ cũng lo nên không dám chụp hình, nhất là sợ hơi nước làm mờ kính chụp. Chờ đến khi xa vùng sương mù mới vội vàng bấm máy.
Lên bờ, đã hơn 2:30 chiều, đói rã người, nhất là đã thử một ly vang trước đây. Lúc xuống thì vội vã, nay mới có thời gian chụp vài tấm hình kỷ niêm. Lên khỏi thang máy, vào Maid of the Mist Plaza. Chị Thu còn mải xem vài món hàng kỷ niệm. Tan hàng. Tôi và vợ chồng Ái một nhóm, còn lại do Anh Huân hướng dẫn. Tôi dùng Terrayaki ( cơm ) với thịt gà xào. Còn Ái thì ăn Sushi. Quầy này không bán nước uống, nên chúng tôi leo đồi ghé Wendy, trong khi Chị Ái tìm mua quà kỷ niệm cho bạn bè . Nắng và mệt, nên chẳng muốn đi đâu nữa. 4:30 pm, chúng tôi rủ nhau xuống điểm tập trung. Chụp vài tấm hình với hoa, rồi nằm dưới mấy tàn cây nghỉ mệt.
Hơn 5pm, lái xe mới đến. Lên đỉnh thác Horseshoe, chụp vài tấm hình. Tại đây, có bán vé Journey Behind the Fall, nhưng ngoài chương trình, và có lẽ mệt cả rồi, không ai muốn đi xem nữa. Nếu muốn ở lại đến khuya thì trả thêm $30 mỗi người, mà cũng không ai hưởng ứng cả.
Thế rồi Toronto trực chỉ. Chị Thu và anh Quý ngồi phải gác chân lên cao cho bớt mỏi. Mọi người đều im lặng, cả lái xe cũng thế.
Trả 4 người khách ở hai diểm khác nhau trong Mississauga, rồi đến Anh Chị Huân tại khách sạn Sheraton. Chị Huân mừng qúa, tip ngay cho lái xe, dù Chị đã gửi tiền tôi tip chung với cả đoàn. Thấy tip hai lần hơi nhiều, tôi giữ phần đó lại. Sau này, theo ý Anh Huân, tôi đã gửi sang Anh Sáu góp vào quỹ Hội. Về đến Spadiana-Dundas, xe còn đi lên trả tiếp 3 người khách trẻ, nên đoàn về đến Bond Place sau cùng, khoảng 8:30 tối. Cháu Tuấn Anh đã sẵn sàng đưa Chị Thu về nhà Hùng Quân, nơi vẫn còn Tiệc Chia Tay từ trưa đến giờ.
Naveed có nhắc tôi email cho biết cảm tưởng sau chuyến đi này. Tôi đã phàn nàn về chuyện đi trễ, và lái xe kiêm hướng dẫn, nên không ích lợi gì mấy. Tôi đề nghị nên dùng DVD và in thêm tờ quảng cáo có nhiều chi tiết của một người hướng dẫn viên lành nghề, vì chúng tôi đọc tốt hơn nghe Anh ngữ.
Tôi đã nhận được email xác nhận tàu Maid of the Mist khi thiết kế đã dự trù khách di chuyển mà tàu vẫn ổn định, có đủ phao cứu sinh, áo phao ở trên boong ( tôi không lên tới) và có sẵn ba tàu khác trên sông. Từ 1846 đến nay, tàu này chưa bị tai nạn nào.
Khi tôi viết bài này, Toronto Tour đã trả lại $50, do mua tập thể 10 người. Tôi sẽ góp vào Quỹ ĐH 3, mà nếu còn dư, cũng sẽ chuyển về Quỹ của Hội Ái Hữu.

Nguyễn Viết Tốn CN13
NGUYEN VIET TON
Post Reply