GS Bùi Tiến Rũng chào mừng Đại Hội

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

GS Bùi Tiến Rũng chào mừng Đại Hội

Post by uncle_vinh »

Đại Hội KSCN III, Toronto 16.8.2008
GS Bùi Tiến Rũng

Image

Xin cám ơn Ban Tổ Chức Đại Hội III của Hội Ái Hữu KSCN đã cho tôi hôm nay những giờ phút đáng ghi nhớ vì được gặp lại bao tâm hồn trong sáng của Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ. Xin cám ơn các hội viên, cựu giám đốc, giáo sư, cùng quí khách, gia đình và thân hữu. Xin cám ơn giáo sư Trần Kiêm Cảnh, Hội Trưởng Hội Ái Hữu KSCN, về lời giới thiệu đầy nhiệt tình thân hữu và khích lệ.

Thưa quí vị, trong suốt một phần ba thế kỷ ra đi để lập lại cuộc đời nơi đất mới, tôi đã có dịp gặp lại bao nhiêu hình bóng thân mến của TQGKSCN, từ Montréal, Toronto, Guelph, Edmonton, từ phía đông và phía tây Hoa Kỳ, từ Việt Nam, từ Pháp, từ Anh, từ Bỉ,… và bao nơi khác nữa. Tôi đã được gặp lại các cựu giám đốc, giáo sư, cựu sinh viên từ khóa 1 đến khóa 19. Những giờ phút ấy làm tôi cảm động và ghi nhớ mãi trong lòng. Nhưng chiều nay mới thật sự là một ngày hội hoa đăng của phần cuộc đời mà tôi tự hào đã cống hiến cho TQGKSCN.

Chắc quí vị còn nhớ, cuộc tình của tôi với Trường bắt đầu từ năm 1956 cho đến đầu 1960, khi tôi phụ trách hai môn học trong chương trình kỹ sư mới mở, lúc đó có trụ sở tạm tại Nha Kỹ Thuật Học Vụ, đường Phan Đình Phùng, Saigon. Sau đó ít năm tôi có dịp trở lại Trường vào mùa hè 1967, cho đến 1970 khi được GS Hùng rồi GS Cảnh và Bàng thay thế.

Tới nay, sau 33 năm, tích lũy thêm kinh nghiệm về giáo dục đại học trên đất Bằc Mỹ này, niềm hãnh diện của tôi về Trường của chúng ta và về sinh viên KSCN chẳng những không phai nhạt mà còn thêm đậm nét. Những đặc tính, nêu ra thì nghe có vẻ cliché, nhưng là sự thật, không dễ gì mà có, đó là tình tương thân, sự tham gia, dấn thân, hòa mình, đóng góp, khoan dung, tinh thần cộng đồng, tình thần trách nhiệm của người KSCN.

Tới nay, sau 33 năm học hỏi thêm ở xứ người, tôi vẫn giữ nguyên lòng tự hào về những đóng góp của Trường và của các KSCN. Ngay trong thời gian chiến tranh còn sôi động, KSCN đã đóng góp những thành quả to lớn vào mọi công trình phát triển, nào điện lực, nào kỹ nghệ thực phẩm, kỹ nghệ đường, kỹ nghệ giấy, kỹ nghệ bông vải, kỹ nghệ xi măng, hỏa xa, hàng hải, và nhiều ngành khác nữa. Những tên Điện Lực Việt Nam, Nhà Đèn Chợ Quán, Xi Măng Hà Tiên, Sicovina, Caric, Hải Quân Công Xưởng, Trí Độ,… còn vang trong đầu như mới hôm qua. Chúng ta đã có mặt và đóng góp cả ở kỹ nghệ khí đá, cả ở ngành sư phạm kỹ thuật, và vì khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, “nước nổi trôi” theo nghĩa bóng và cả nghĩa đen nữa, KSCN đã mở lớp dạy sửa đồng hồ, đã xây cất long house, tại một nơi góc biển chân trời tên là Pulau Bidong. Ngày nay thì khỏi nói, chúng ta có mặt khắp nơi, từ Việt Nam, Mỹ, Canada
-- từ James Bay miền bắc có tuyết rét mướt đến mỏm nam Florida nắng ấm hoa vàng -- và Pháp, và Úc, và Anh, và Bỉ,…đến cả Ả Rập Saudi hoặc Châu Phi xa xăm. Chúng ta giữ đủ mọi trọng trách, tham gia vô số hoạt động và sản phẩm, từ nghiên cứu khoa học với những thành quả và giải thưởng hiếm quí, từ đập thủy điện, động cơ máy bay, cho đến kỹ thuật không gian, tin học, kỹ nghệ dược phẩm, hay những thiết bị kỹ thuật cao, đến những thành công đáng kể từ công ty địa ốc đến công ty du lịch, kể cả nghề tay trái giúp đời, chữa những bệnh cố hữu cho người lớn tuổi mà không cần thuốc, tất cả đều chứng tỏ KSCN là con người bách khoa không phải lời nói ngoa.

Tôi muốn đưa vài trường hợp cụ thể trong vô số trường hợp khác mà tôi được biết và hãnh diện tuy tiếc không đủ thì giờ để nêu lên hết. KSCN Nguyễn Văn Thanh Vân nay điều khiển hai trung tâm nghiên cứu về môi sinh và về thủy lợi tại đại học hàng đầu của Canada là trường McGill. KSCN Nguyễn Minh Nhựt tiếp tục để dấu ấn của mình với nhiều canh tân và sáng tạo trên nhiều dự án lớn của SNC Lavalin, một đại công ty xây cất có tầm vóc quốc tế. Từ nhiều năm nay công ty này hưởng những tài năng kỹ thuật của KSCN từ khóa 5 đến khóa 14. GS Trần Kiêm Cảnh đã thành công trong việc đứng ra tổ chức và điều hành một trường kỹ sư tại tỉnh Amiens, vùng Picardie, France nhắm vào việc huấn luyện các cán sự chuyên môn cấp cao để nâng cấp thành kỹ sư. Đây là một ý kiến độc đáo mà không phải ai cũng có được, và dù có, không phải ai cũng làm được.

Quí vị thực sự đã cho tất cả chúng ta lý do để tự tin và tự hào.

Sau bao nhiêu công sức của nhiều người trong chúng ta, những công sức đáng khâm phục và ghi nhớ, nay thì ta đã có hội ái hữu để bắc cầu, có diễn đàn trên mạng để trao đổi tin tức, chia xẻ cái ấm cái lạnh của cuộc đời. Nhưng khi nhớ lại, quí vị khó có thể tưởng tượng lúc ban đầu mỗi khi bắt liên lạc được với nhau thì mừng mừng tủi tủi như thế nào. Tôi muốn mượn lời của KSCN Võ Văn Hoàng từ Pháp viết năm 2003:”Trong cuộc sống ở hải ngoại, vật chất dư thừa mà nhiều lúc vẫn cô đơn, chỉ thiếu chút tình người ấm áp mà thôi”. KSCN Nguyễn Mậu Phụng từ Montréal nói:”Những anh em KSCN chưa bao giờ gặp nhau nhưng vẫn thương yêu và quí mến lẫn nhau, không hiểu làm sao mà KSCN tạo được cái tinh thần đáng quí này”. Anh Hoàng, anh Phụng ơi, nhìn quanh ta đêm nay, tôi đã tìm thấy câu trả lời rồi đấy. Câu trả lời đó chính là cái mối tơ duyên Công Nghệ xưa từ nửa thế kỷ. Và tôi đồng ý rằng như vậy Trường QGKSCN sẽ mãi tồn tại trong lòng mỗi chúng ta.

Đến đây tôi không khỏi nhớ lại mấy câu thơ của Thiêm Võ giãi tỏ lòng mình trong Đặc San Kỷ Niệm 50 Năm của Trường. Bình dị mà thành thật, Thiêm Võ đã để lại một nỗi buồn nhẹ nhàng mà thấm thía. Anh viết như sau:

“ Ngôi trường ấy bây giờ thay đổi quá,
“ Ba mươi năm tôi bạn đã chớm già,
“ Những kỷ niệm đã lùi về dĩ vãng,
“ Giữ dùm tôi tình bạn chẳng phôi pha”.

Nỗi buồn nhẹ nhàng này, không phải là nỗi buồn tôi muốn rũ, mà là nỗi buồn tôi muốn giữ.

Xin chúc mỗi KSCN, mỗi giáo sư, mỗi nhân viên, mỗi thân hữu, và gia đình, dù có mặt ở đây hay trong tâm tư của chúng ta, tất cả được bình an thịnh vượng, tiếp tục góp mặt với đời, tiếp tục cống hiến trăm ngàn lợi ích, và nhất là còn có nhiều dịp họp mặt đầm ấm ở những hội hoa đăng Công Nghệ như đêm nay.

Một lần nữa xin cám ơn Ban Tổ Chức Đại Hội, và cầu mong Hội Ái Hữu QGKSCN trường tồn để thực hiện được ước vọng của Thiêm Võ, và cũng là của tất cả chúng ta:

“ giữ dùm tôi tình bạn chẳng phôi pha”.

Bùi Tiến Rũng
Toronto, 16.8.2008
Last edited by uncle_vinh on 01 Sep 08, Mon, 8:30 pm, edited 3 times in total.
Post Reply