Tết, Ngày Xưa Còn Bé

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Tết, Ngày Xưa Còn Bé

Post by uncle_vinh »

TẾT, NGÀY XƯA CÒN BÉ
Yến Chi

Khi mẹ tôi còn, tết nhất thật là long trọng.

Từ khoảng 20 tháng chạp, bà đã xem xét ở chợ và hôm nào thấy có lá dong tốt là thuê người khuân hai bó to tướng về dựa vào góc bếp. Mỗi năm mẹ tôi gói gần một trăm cái bánh chưng, để biếu họ hàng (ở Việt Nam, họ hàng sao nhiều thế) và để đủ cho mười một đứa con của bà ăn Tết.

Sau khi đưa ông Táo về chầu Trời, bà bắt đầu mang lá dong ra rửa. Trong khi rửa, lá được xếp ra làm hai loại: lá nhỏ sẽ dùng để lót bánh lớp trong cùng, gọi là “lá áo”, và lá lớn sẽ gói bọc lớp ngoài, gọi là “lá quân”. Bà nhúng từng cái lá vào một chậu nước lớn, và dùng một cái khăn sạch kỳ cọ từ cọng đến ngọn lá. Mỗi cái lá đều được rửa ba lần nước; đến lần cuối cùng, nước rửa phải vẫn còn trong như chưa dùng; như thế bánh mới sạch và giữ được lâu. Sau khi rửa xong, mẹ tôi lại dùng một cái khăn sạch khác lau từng cái lá cho khô rồi mới xếp thành từng chồng để đó.

Gạo nếp đã ngâm một đêm, vớt ra để vào ba bốn cái rổ to cho ráo nước rồi xóc vào chút muối cho bánh đậm đà. Đậu xanh cũng ngâm qua đêm để đãi vỏ, đựng đầy ba bốn cái rổ to nữa. Đám lau nhau (hai đứa em tôi và tôi) đã nghỉ Tết được mẹ giao cho làm “Tấm Cám” ngồi xăm xoi nhặt từng cái vỏ đậu xanh còn sót lại cho đến lúc rổ đậu chỉ còn một màu vàng tươi. Đậu cũng được xóc vào một ít muối, rồi hấp trong “chõ” như nấu xôi. Đậu vừa chín tới và còn nóng, mẹ tôi đổ ra cối và giã ngay cho nhuyễn rồi nắm lại thành từng nắm to hơn quả cam để đấy.

Những ngày này mẹ tôi đi chợ rất sớm, để mua được những thức tươi tốt nhất. Những miếng thịt ba chỉ, da trắng trẻo sạch sẽ được bà cắt ra thành những miếng to bản và đều nhau, ướp với hành ta, hạt tiêu, chút muối và một chút nước mắm để sẵn đấy.

Mọi thứ đã sắp xong, bày chung quanh một tấm chiếu mới trải giữa phòng, bà bắt tay vào việc gói bánh. Ở nhà chỉ có độ ba hay bốn cái khuôn gói bánh mà mẹ tôi rất quí, và giữ không biết đã bao nhiêu năm. Những khuôn này đã được một ông thợ mộc giỏi, chọn mua gỗ tốt và làm tặng bà. Khuôn dùng qua bao nhiêu cái Tết cũng không bị cong, mặt gỗ bóng láng, có vân nâu, bốn cạnh thẳng tắp và đều đặn. Bốn thanh gỗ nhỏ lồng vào với nhau bằng những cái “mộng” nhỏ được đục đẽo ở hai đầu, thành một cái khuôn vuông vức. Khi đặt xuống, khuôn bánh nằm ngay ngắn trên mặt bàn phẳng, không một kẽ hở.

Bốn sợi lạt, hai sợi ngang, hai sợi dọc, được đặt dưới khuôn bánh. Lá dong đã được bẻ góc sẵn đặt vào khuôn đối diện nhau, bốn lá quân ở ngoài, bốn lá áo ở trong.

Bắt đầu bằng một chén gạo nếp, san bằng vào các cạnh, nửa nắm đậu xanh rải đều trên mặt, hai miếng thịt sắp cạnh nhau cho vừa kín khuôn, xong nửa nắm đậu xanh còn lại, và cuối cùng là một chén gạo nếp nữa trên mặt. Lá áo gói vào trước, rồi đến lá quân. Một tay giữ lá bánh, tay kia gỡ khuôn, mẹ tôi buộc lạt, xoắn lại cho chặt và gài đầu lạt vào trong cho khỏi tuột. Thỉnh thoảng dừng tay lại, nhìn những cái bánh vuông vức, xinh xắn sắp thành từng chồng cao dần, bà gật đầu hài lòng. Bao nhiêu năm quan sát mẹ tôi gói bánh, tôi cũng thuộc cách làm và luôn luôn muốn được thực tập.

Từ khi còn bé, tôi đã được mẹ khen là khéo tay nhất nhà. Tôi thường thích quan sát mẹ tôi lúc bà trang điểm để đi ăn cưới. Bà tô son đỏ hình trái tim và kẻ lông mày với bút chì nâu. Thỉnh thoảng vì tôi vẽ khéo, bà để cho tôi giúp bà tô lông mày.

Năm tôi mười hai tuổi, tôi mừng rỡ và hãnh diện khi được mẹ tôi cho phụ bà gói bánh, các chị lớn của tôi ngồi chung quanh thán phục. Hai mẹ con gói từ sáng đến chiều cũng đủ một trăm cái bánh. Một lò than đã đỏ hồng ở sân sau. Mẹ tôi sắp bánh vào một cái nồi lớn chỉ dùng để nấu bánh chưng mà ba bốn đứa trẻ con chúng tôi chui vào đứng cũng lọt. Bánh sắp vào nồi xong, nồi được khiêng đặt lên bếp lò; bà dằn lên trên tất cả bằng một nồi nước to để bánh khỏi bị nổi, rồi đổ nước vào cho vừa ngập bánh.
Mẹ tôi dọn dẹp, rồi trong khi anh chị em tôi đi ngủ, cùng với bố tôi pha trà thức canh nồi bánh. Ngày hôm sau thức dậy, chúng tôi đã thấy các tấm bánh đã được sắp thành hai hàng ngay ngắn trên một miếng gỗ lớn để trên bếp; ba bốn nồi nước to để trên mặt một miếng gỗ lớn để lấy sức nặng ép bánh. Bánh phải ép chặt thì ăn mới ngon và để được lâu. Qua hôm sau, bánh được gỡ ra, lau bằng khăn sạch cho hết lớp nước mỡ bám bên ngoài. Các anh tôi được mẹ sai mang bánh đi biếu họ hàng. Một ít khác được để dành đấy để hễ có ai mang quà Tết đến bất ngờ, thì cũng sẽ được biếu lại một cặp bánh.

Ngày mồng một Tết, bố tôi được vinh dự bóc cái bánh chưng đầu tiên. Nếu một góc của cái bánh bóc đầu tiên ngày đầu năm mới này bị “hấy” (một góc bánh gạo còn sống, thường do gói chặt tay quá), thì bố tôi sẽ reo to vui vẻ vì đó là điềm sẽ phát tài làm cả nhà cũng cười theo!

Mẹ tôi gói bao nhiêu là bánh chưng thế, nhưng nhà cũng nhận được bánh chưng của họ hàng hay bạn bè khác gởi tặng. Bao nhiêu năm ăn bánh của mẹ gói, chúng tôi … chê tất cả bánh chưng của nhà khác gói không ăn. Những bánh này khi đã hết Tết, mẹ tôi đem ra chiên. Một cái bánh cắt làm bốn, bà kiên nhẫn chiên với một chút dầu vừa tráng mặt chảo, trên ngọn lửa rất nhỏ. Mỗi lần trở mặt bánh, bà ấn từ từ cho bánh dẹp xuống vừa vào lòng chảo tròn như một cái trứng chiên. Chúng tôi lại được dịp thi nhau thưởng thức những cái bánh chiên dòn, vàng óng như màu mật ong này, cùng với món củ cải phơi khô ngâm với nước mắm gừng của bà.

Ngoài món bánh chưng, mẹ tôi còn gói giò thủ rất ngon. Cũng như thịt gói bánh chưng, mẹ tôi chọn tai và mũi heo rất kỹ. Mọi thứ đều phải tươi và trắng trẻo. Thế mà khi mang về, mẹ tôi cũng nhặt lông lại và cạo rửa rất lâu. Tôi không bao giờ bén mảng xuống bếp khi bà làm việc này cả vì công việc rất khó khăn và không thú vị. Thế nhưng khi thịt thủ đã được thái mỏng, ướp gia vị cho thấm, và đang xào thơm trong chảo nóng, là tôi chạy ngay xuống bếp để được mẹ giao cho việc trông chảo thịt cho đến lúc vừa khô và hơi dính chảo. (Để còn được cậy những miếng thịt đã bị dính vào chảo, vàng xém và hơi dòn nên không dùng gói giò được nữa, nhưng ăn rất ngon). Trong lúc ấy, mẹ tôi trải trên kệ bếp một cái vỉ đan bằng mo cau; trên ấy bà cũng xếp lá dong. Thịt trong chảo vừa được, mẹ tôi đổ hết lên trên chỗ lá dong ấy, gói lại thành một cái đòn dài, xong cuộn lại bằng cái vỉ mo cau. Bà lấy hai sợi lạt, buộc túm hai đầu mo cau lại, rồi dùng thêm lạt cột thân giò cho chắc. Tất cả đều phải làm nhanh tay, khi thịt còn nóng. Cuối cùng, bà kẹp cây giò vào giữa hai thanh gỗ; rồi lại dùng lạt buộc ngang nhiều lần lại cho chắc và cuối cùng dằn lên trên bằng cái cối đá. (Cái cối đá này, khi di cư vào Nam mẹ tôi đã đóng cho vào thùng đồ đạc mang theo. Mọi người ai cũng cười, nhưng mẹ tôi vẫn nói bao nhiêu năm ở trong miền Nam, bà chưa bao giờ thấy bán ở đâu cái cối đá tốt như thế). Có khi mẹ tôi ép giò như vậy cả mấy ngày mới bỏ cối ra, để nước mỡ chảy bớt ra ngoài và giò thủ của bà ai được ăn cũng khen là gói rất chặt tay. Bao nhiêu năm sau khi mẹ tôi đã mất, qua bao nhiêu thay đổi trong cuộc sống, tôi vẫn không quên được món giò thủ của mẹ tôi và những ngày được phụ bà làm món đặc biệt này.

Khoảng giữa tháng chạp, trước cả ngày mua lá gói bánh chưng, mẹ tôi đã muối dưa hành bằng cách nén, là cách chỉ có ngày Tết bà mới làm. Dưa cải sen phải chọn thứ đã già vừa phải, đừng non quá thì khi chín, dưa sẽ không dòn và vàng đẹp. Đem về tách ra từng lá, rửa sạch rồi phơi một hay hai nắng cho hơi heo héo. Hành ta chọn củ tròn trịa nhưng không to lắm, bóc đi lớp vỏ ngoài và tỉa “râu” nhưng không cắt hết cả rễ đi; chỉ cần rửa cho thật sạch và để cho khô ráo. Cứ một lớp dưa, một lớp hành, một lớp muối, một lớp cam thảo (mẹ tôi mua ở tiệm thuốc bắc, còn nguyên cả cây, chưa thái nhỏ), và một lớp mía đã róc vỏ và chẻ thành những thanh mỏng, tiếp tục cho đầy “vại”. Tất cả mọi thứ khô như thế, cuối cùng dằn lên bằng cái cối đá đã được rửa và lau khô sạch sẽ. Để vào một góc bếp; khoảng vài tuần sau là nước tự chảy ra, dưa chín màu vàng đậm đà; cắt ra để lên đĩa ăn chua tự nhiên, rất dòn và hơi có vị ngọt của mía và cam thảo. Những củ hành tím cũng đổi ra màu trắng nõn nà, không còn hăng nữa và trông thật đẹp mắt. Gọt rễ đi, thái mỏng rồi bày lên đĩa cùng với dưa trông như một tác phẩm nghệ thuật.

Sau khi bánh chưng và giò thủ đã xong, mẹ tôi bắt đầu rim một nồi thịt to, kho cá thu với giềng, mía, và nước trà tươi (cũng một nồi to không kém), phơi củ cải để ngâm nước mắm gừng, và làm mứt. Gừng non được gọt vỏ, thái rất mỏng, rồi ngâm nước cho bớt cay. Quả bí làm mứt là loại bí rất già và to, vỏ xanh biếc như ngọc thạch. Những miếng bí cắt ra được ngâm với nước pha vôi để mứt sẽ trắng và trong. Tôi thường không có kiên nhẫn nên không theo dõi mẹ làm mứt thế nào, vì mỗi thứ đều phải làm rất công phu.

Nhìn chảo mứt liu riu trên bếp lửa, và mẹ tôi kiên nhẫn ngồi bên, tôi có cảm tưởng như cả một thế kỷ nữa những miếng gừng hay miếng bí trong nước đường lóng lánh mới trở thành mứt được. Trong các thứ mứt ngày Tết, bố tôi thích nhất món mứt bí; và trong khi bọn trẻ con chúng tôi gianh nhau những sợi bí tăm của hiệu bánh Bảo Hiên Rồng Vàng có thoảng mùi nước hoa bưởi pha vào, thì bố tôi chỉ thích miếng mứt bí cắt to vuông vức và dài bằng ngón tay mà mẹ tôi làm. Mãi đến ngày nay tôi mới biết thưởng thức miếng quà đặc biệt này của bố: miếng mứt làm khéo sẽ dòn và trong veo như kẹo ở bên trong; để răng cắn vào sẽ thấy mát và có vị ngọt hơi beo béo và thơm tự nhiên, nhấp với nước trà xanh thật thú vị, hơn cả mứt sen.

Mỗi lần nghĩ đến ngày xưa, tôi thường không khỏi thắc mắc không hiểu mẹ tôi đã học cách nấu nướng từ đâu. Mẹ tôi là con một, và ông bà ngoại tôi rất giàu có. Tôi được nghe kể là khi còn ở với ông bà ngoại tôi, mẹ tôi không phải làm bất cứ việc gì. Khi mẹ tôi lấy chồng và theo bố tôi đi làm việc ở tỉnh xa, ông ngoại tôi cũng cho bao nhiêu là người giúp việc đi theo. Mẹ tôi không biết làm gì cho hết thì giờ rảnh rỗi; trong lúc bố tôi đi làm, mẹ tôi chỉ ở nhà lấy cần câu ra câu rùa ở ao sau nhà rồi lại thả xuống cho đỡ buồn. Đến khi bố mẹ tôi có con, thì mỗi anh chị tôi đều có một người vú riêng. Mẹ tôi cũng vẫn không làm gì cả ngoài việc ngồi đan áo cho con. Thế nhưng mẹ tôi tính hồn nhiên và giản dị. Trong khi các bà bạn cùng thời với bà học làm bánh trái cầu kỳ để khoe tài khéo léo, thì mẹ tôi nấu ăn và làm những thức bình dân, thực tế rất giỏi. Có lẽ bà đã học được nhờ quan sát những người giúp việc của bà, phần lớn là dân quê mà ông ngoại tôi đã mướn cho. Vào Nam, khi phải tự tay làm mọi việc, mẹ tôi nhớ lại mọi thứ để nuôi một bầy con … lúc nào cũng ăn được với tài nội trợ của bà. Nhà đông con, nên khi tôi còn bé, các anh chị tôi lúc ấy đang tuổi thanh niên; mẹ tôi nấu nướng suốt ngày, nhưng thức ăn ngày nào cũng được thanh toán gọn ghẽ cả. Các anh tôi đi học về thường chạy ngay vào bếp ăn vụng. Bị mẹ bắt gặp mắng cho là ăn bốc thì các ông ấy bèn nói là ăn vụng mới ngon chứ lên bàn ngồi tử tế ăn không thấy ngon nữa. Thế là các ông ăn vụng thả giàn, vừa ăn lại còn vừa than phiền là không bị mắng nữa thì ăn vụng cũng bớt phần thú vị!

Với các anh tôi trong tuổi nghịch ngợm và các chị em tôi sàn sàn bằng nhau, luôn cãi nhau rồi khóc lóc, mẹ tôi thường phải la mắng hay phân xử suốt ngày. Ngày 30 Tết bà gọi chúng tôi ra dặn dò. Nào là ba ngày Tết không được cãi nhau, không được giận dỗi, và nhất là không được khóc, vì chuyện gì làm trong ba ngày Tết là sẽ “giông” cả năm. Ngoài ra còn kiêng không được vịn vai mẹ (vì xui xẻo), không được quét nhà (vì sẽ quét cả giàu sang đi), vân vân … Tôi thích nhất việc không phải quét nhà, vì tha hồ cắn hạt dưa và vất vỏ xuống đất; vỏ hạt dưa đỏ đầy cả nhà, bước lên nghe lạo xạo, hòa lẫn với màu xác pháo tươi thắm đầy sân trông thật vui mắt ...

Sáng mồng một Tết, sau khi đã dọn thức cúng lên bàn thờ tổ tiên, mẹ tôi gọi chúng tôi ra để bà mừng tuổi. Kèm với phong bao màu đỏ đựng những đồng tiền mới còn phẳng và thơm mùi giấy bạc mới là những câu chúc đầy ý nghĩa, thích hợp với từng đứa con. Mười một anh chị em, hầu như năm nào cũng có một, hai, hay có khi ba chúng tôi phải trải qua một kỳ thi quan trọng: thi vào đệ thất trường công, thi trung học đệ nhất cấp, tú tài phần một, tú tài phần hai, thi vào đại học … Nếu phải chuẩn bị để thi cử trong năm, chúng tôi sẽ được bà chúc “thi đâu đậu đấy”. Những đứa nhỏ chúng tôi thì luôn luôn được thêm câu “hay ăn chóng lớn”. Đến phiên tôi, xen lẫn với niềm vui của nghi lễ trang trọng đầu năm, là một chút cảm giác “bất an”, vì bao giờ câu chúc của bà cũng được kết thúc bằng “… và mẹ chúc con năm nay không còn khóc dai nữa” mà tôi có cảm tưởng như một lời trách nhẹ nhàng. Anh tôi luôn luôn lém lỉnh chúc lại mẹ: “Năm mới năm me, con xin chúc mẹ, mẹ le nhất đời …” Mẹ tôi nhoẻn miệng cười, giọng bà nhẹ nhàng chúc cho anh sang năm ăn nói ý tứ, ai cũng yêu mến.

Chúng tôi cũng thích nhất trong những ngày Tết là không phải ăn đúng bữa và không cần phải ăn cơm. Cả ngày không phải đi học và cũng không bị sai quét nhà hay phụ dọn cơm, cả lũ chúng tôi đi ra đi vào, thỉnh thoảng nhón một miếng giò thủ, hay miếng xôi lạp xưởng, hay một mẩu bánh chưng … Công việc chính của đám lau nhau chúng tôi ba ngày Tết là bưng nước mời khách và nhận tiền mừng tuổi. Các chị lớn của tôi đứng trong nhà pha trà, rót ra “ấm chuyên” để cho những lá trà còn sót lại lắng xuống đáy, rồi mới chuyển sang những tách nhỏ bằng men trắng mỏng có hình cô tiên hoặc hoa hồng và có viền bằng vàng hay bằng bạc rất đẹp mà mẹ tôi chỉ mang ra vào ngày Tết hoặc những ngày giỗ. Chúng tôi sắp tách lên khay rồi bưng ra mời khách.

- Tôi: Cháu lạy hai bác ạ.
- Khách: À, con bé này là Yến phải không? Trông nó kháu khỉnh quá nhỉ. Lại còn học giỏi nữa, thi được vào trường Gia Long cơ đấy.
- Tôi (e thẹn): Dạ … cháu mời bác xơi nước ạ.
- Khách: Thế cháu vẫn học giỏi chứ? Thi đệ nhất lục cá nguyệt cháu được hạng mấy?
- Tôi: Dạ cháu được hạng ba. (Lòng hơi buồn bã vì thế nào em tôi khi được hỏi, sẽ khoe là được đứng nhất lớp).
- Khách: À, cháu học giỏi quá nhỉ. Đây bác mừng tuổi cho cháu nhé. Bác chúc cháu năm mới luôn luôn học giỏi, ngoan ngoãn, và ngày càng xinh đẹp nhé. Thế các em cháu đâu, ra đây bác mừng tuổi luôn thể.

Tôi mừng rỡ chạy vào gọi các em ra, để khỏi bị cầm tay trả lời mọi câu hỏi và có khi đứng mỏi cả chân cũng chưa được thả ra để vào trong nhà vừa ăn hạt dưa và mứt, vừa chơi bài “các-tê” tiếp.

Ngày Tết ở nhà tôi thường chơi ba loại bài. Khi có cả bà ngoại tôi và bố mẹ cùng chơi, chúng tôi được “rút Bất”. Bài bằng chữ Tàu, chúng tôi không đọc được, nhưng nhìn hình vẽ đế biết là quân gì. Khi đến phiên mình, mỗi người được rút một cây bài, và rút bao nhiêu lần cũng được; tuy nhiên hễ rút quá 10, thì gọi là “bất”, tức là thua cả. Các anh chị lớn của tôi thường hay chơi “Tam Cúc”. Lá bài cũng bằng chữ Tàu, có nhiều luật lệ khó khăn và chơi thường phải đấu trí thì mới ăn được lá bài cuối cùng. Đám lau nhau chúng tôi thường chơi bài “các-tê” hay còn gọi là bài Tây. Tụi nhỏ chúng tôi bị giới hạn không được đặt quá 5 cắc mỗi lần. Tôi thích nhất là buổi tối ngày Tết khi tất cả nhà ngồi chen nhau trên cái phản lớn nhất nhà chơi Bất, khi có cả chú T., là em họ của mẹ tôi đến chơi.

Chú rất vui tính, thường ăn gian, rút nhiều quân bài rồi dấu bớt vào tay áo, nên ăn to liền mấy ván. Đến khi chúng tôi nghi ngờ, hùa nhau đè chú ra, rồi hễ bắt được chú dấu bài, là lục túi, lấy hết tiền của chú đem chia nhau; chú cười khà khà vui vẻ, khoe bộ răng ám khói thuốc của chú. Chú cũng là con một như mẹ tôi, và mẹ tôi với chú thân nhau còn hơn cả chị em ruột. Chú thua mẹ tôi đúng mười hai tuổi, và mẹ tôi thua bố tôi cũng đúng mười hai tuổi. Cả ba người cùng cầm tinh con khỉ. Ngày còn bé, chúng tôi cãi nhau thường tức mình gọi nhau là “khỉ già”. Thỉnh thoảng mẹ tôi nghe được, bèn mắng chúng tôi: “Mẹ cũng là khỉ già, bố chúng mày cũng là khỉ già đấy; vậy không được gọi nhau là khỉ già nữa”.

Những năm tản cư, khi mẹ tôi đã sinh đến người chị kế tôi, chú T. chỉ mới là cậu học sinh trung học. Bà cụ thân sinh ra chú là em của bà ngoại tôi; lúc ấy vì ông cụ mất sớm, bà phải đi buôn bán xa nên gửi chú cho mẹ tôi, và dặn dò hễ mẹ tôi đi đâu, thì cho chú đi đấy. Bố tôi cũng có khi phải làm ở tỉnh xa; có lúc mẹ tôi một mình dẫn đàn con đi chạy loạn; chú lẽo đẽo đi theo mẹ cùng với bầy cháu nhỏ.

Trong một lần chạy loạn, sau khi con cái đã yên ổn ở nhà người quen trên tỉnh, mẹ tôi quyết định đi về làng để lấy thêm ít của cải còn dấu chưa đem đi được; chú cũng đòi đi theo. Về đến nơi, dân làng đã chạy hết cả chẳng còn ai. Mẹ tôi và chú vừa bước vào nhà thì lính Tây cũng về đến đầu làng. Mẹ và chú vội vàng leo lên trần nhà của vựa thóc, rồi rút thang lên dấu. Lính Tây với xe jeep và súng ống vào càn quét và khám xét từng nhà. Chú lo sợ khóc. Mẹ tôi dỗ: “Đừng lo, nếu có chết thì cả hai chị em cùng chết.” Chú ngưng ngay nước mắt và hỏi: “Chị nói thật nhé. Nếu có chết thì chị cùng chết với em nhé.” Mẹ tôi cả quyết: “Ừ, chị sẽ cùng chết với chú.” Thế là chú yên tâm, và hai chị em ngồi im đợi cho đến chiều tối, khi Tây đã đi sang làng bên cạnh, mới lẻn xuống, lấy ít vàng trong chỗ dấu, bỏ vào cái gối đầu, khâu lại, rồi hai chị em đi bộ miệt mài cho đến khuya mới về đến nhà trọ trên tỉnh.

Thỉnh thoảng chúng tôi lại được nghe nhắc đến kỷ niệm này, và cười bò ra chế diễu chú. Là con một nên chú ăn chơi thỏa chí. Trong cuốn album của gia đình, mẹ tôi vẫn còn giữ bức ảnh chụp lúc chú còn là cậu học sinh đệ nhất, đứng cạnh chiếc xe đạp bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Quần trắng, giầy trắng bảnh bao, chú cười toe với bộ răng bất hủ, trông rõ ra một cậu công tử. Ngày đi học, tối chú cùng bè bạn đi khắp các cao lâu, thường đến khuya mới về. Vừa dắt xe vào nhà, là chú chạy ngay đi tìm người chị kế tôi, lúc ấy mới lên ba, để cho quà. Đi chơi khuya đến đâu cũng không bao giờ chú quên cháu: khi thì cái bánh, khi thì hộp kẹo, khi thì con búp bê nhắm mắt mở mắt và biết khóc …

Vì chú vui tính như thế, năm nào chú cũng nhận vinh dự xông đất cho gia đình tôi. Mẹ tôi vừa cúng giao thừa xong là chúng tôi đã nghe tiếng xe vespa của chú nổ giòn ở cổng.

Chúng tôi ở trong nhà cùng bố mẹ vui mừng chuẩn bị đón người khách được tin tưởng là với tính tình vui vẻ, rộng rãi, sẽ mang lại may mắn cho năm mới. Chú đóng bộ chỉnh tề, “complet” xám với cà-vạt đỏ thắm, miệng tươi cười và kính cận gọng vàng lấp lánh ngoài sân. Nhưng chú không vào nhà ngay. Một phong pháo đỏ dài trên tay, chú còn tìm cách treo lên cành cây trước cửa. Chúng tôi ở trong nhà cười vui nhìn chú loay hoay bật lửa châm đốt. Tiếng pháo nổ giòn giã vui tai, xác pháo đỏ bay tung đầy sân. Bước qua khói và xác pháo, chú tươi cười vào nhà, mở chai sâm banh trên tay, rót mời bố mẹ tôi và bắt đầu chúc Tết: “Năm mới em xin chúc anh chị một năm nhiều sức khỏe và vạn sự như ý …” Giọng chú to, vui tươi và ấm. Chúng tôi cũng mỗi đứa được chú cho nhấp một ngụm nhỏ, trước khi nhận phong bao và lời chúc của chú. Làm xong nhiệm vụ vinh dự, chú ngồi cắn hạt dưa, uống trà và ăn vài miếng mứt cùng bố mẹ tôi rồi mới lên xe ra về. Tối mai cũng với chiếc xe này, chú sẽ chất tất cả vợ con lên đấy: hai đứa nhỏ đứng trước, đứa bé nhất thím tôi bế ngồi sau, để cả gia đình đến chúc Tết và ở chơi với chúng tôi.

Nhìn chú gà trống hiên ngang, da vàng óng ả nằm gọn trong lòng đĩa, miếng tiết tròn màu nâu phơi trên lưng, mắt nhắm lim dim, mỏ ngậm bông hoa cẩm chướng đỏ ngước lên trời đón ông Táo, tôi thấy lòng lâng lâng vui sướng. Hồn Xuân phảng phất trong gió, hương Xuân thoang thoảng trong không gian. Một năm cũ vừa qua, một năm mới sắp đến. Xuân đến với bao nhiêu là bánh kẹo, quần áo đẹp và tiền lì xì, nhưng quan trọng hơn cả: thời gian càng qua nhanh, tôi càng bước gần đến tuổi được làm người lớn!

*****

Mẹ tôi mất năm 1974. Trước ngày dân miền Nam đi di tản một tháng thì chú mất. Chú uống cà phê rất đậm và hút mỗi ngày hai gói Basto từ ngày còn trẻ. Vì thế chú bị ung thư phổi. Những ngày chú nằm ở bệnh viện Grall, vào thăm chú tôi không khỏi ứa nước mắt. Tôi cầm tay chú, chú ngước mắt nhìn tôi bảo: “Đau lắm Yến ạ”. Tôi không biết làm sao hơn, vì làm sao tôi có thể chia xẻ cái đau với chú được. Hơn nữa, lúc ấy tôi mới vừa mới lên đại học, còn bạn bè, còn mới có người yêu, còn hẹn hò vui vẻ. Tôi buồn nhưng chỉ vài ngày sau lại cuốn theo chiều gió vào đời sống học trò, giảng đường, thư viện, những chiều tụm năm tụm ba ở quán nước sân trường … Khi mẹ tôi mất, cả một khu nghĩa trang rộng lớn đã đầy kín mộ bia. Thế mà một năm sau đó, miếng đất sát chân mẹ vẫn còn trống: miếng đất trống duy nhất. Ai đi đưa tiễn cũng bảo mẹ đã để dành cho chú.

Mỗi lần Tết đến, tôi không tránh khỏi nghĩ đến bài thơ mà tôi đã được nghe từ những ngày còn bé và không ngờ mình vẫn còn nhớ:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Nhưng mỗi năm một vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài đường mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?


YẾN CHI
(½ NHĐộng CN13)
Post Reply