KỸ SƯ ĐIỆN THỨ KHÁC

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

KỸ SƯ ĐIỆN THỨ KHÁC

Post by maixuanthanh »

KỸ SƯ ĐIỆN...THỨ KHÁC

Ông Ba Ri là dân Saigon, ra lập nghiệp ở Ô Cấp đã khá lâu. Ô Cấp là tên gọi đã Việt hoá của Cap Saint Jacques, sau có tên là Vũng Tàu, một bãi biển nghỉ mát nổi tiếng của miền Nam, ngày nào cũng có nhiều ông tây bà đầm ra phơi nắng, bơi lội và đùa nghịch đú đỡn. Sau hiệp định đình chiến và chia đôi đất nước, bãi biển tuy không đông như hồi xưa nhưng không lúc nào thiếu vắng những cái bụng phệ nằm trên ghế bố lắc lư theo nhịp thở và những thân hình béo tròn nung núc, từng khối mỡ rung chuyển theo nhịp bước chân hằn dấu thật sâu trên bãi cát.
Ở cái thành phố Vũng Tàu hiền hoà này, vào những năm giữa thập niên 50, nhiều người biết ông Ba Ri vì ông là một người dân bản xứ nổi trội hơn đa số đồng bào lam lũ của mình. Nói là quen mặt biết tiếng, nhưng có lẽ, ít ai biết rõ về ông. Thân thế của ông Ba Ri là tập hợp nhiều chuyện “nghe nói” về ông mà thôi. Thói thường, càng nhiều điều xầm xì, khen chê, thì thiên hạ càng chú ý nhiều hơn. Nội cái tên của ông thôi, cũng đã làm cho nhiều người nể nang. Thoạt đầu, nghe gọi ông Ba Ri, người ta cứ tưởng là ông thứ ba, tên Ri. Lầm to rồi đấy nhé. Không phải là cà ri hay gà ri đâu ! Cái tên rặc nhà quê Nam bộ ấy không phải. Tên thật của ông là Paris, Đặng Paris. Thầy ký toà Bố đã xác nhận như thế thì phải tin chứ. Bà con nghĩ lại, thấy cũng đáng tin lắm. Nghe nói ông là kỹ sư, du học ở bên Tây. Nhìn ông Ba Ri thấy giống dân Tây chính cống thật. Quanh năm, suốt tháng, lúc nào cũng thấy ông bảnh bao với quần soóc, áo thể thao, giày vớ trắng, nghĩa là trắng lốp từ đầu xuống chân và nói chuyện với Tây nghe rôm rốp, y như là dân . . . Phú Lang Sa. Ông có mặt khắp nơi, nói chuyện niềm nở với mọi người không phân biệt sang hèn. Ông nói nhiều, thân thiện cởi mở, khi có ai hỏi về mình thì ông sẽ tùy đối tượng mà kể thôi. Thấy ông thường có mặt ở khách sạn người ta chỉ đoán ông là chủ hay quản lý của khách sạn, chứ không thấy làm ăn gì lấy tiền đâu trả dài ngày. Mang tên Tây hẳn hòi, ăn mặc như Tây chắc ông thích làm ra vẻ hay cũng có thể là người của mẫu quốc, chưa vội về xứ, còn nấn ná ở lại vì công việc gì đó chăng. Đấy là lời đàm tiếu của những tên vô công rỗi nghề, có ý ganh tị. Dĩ nhiên, chỉ dám nói sau lưng ông mà thôi. Dư luận đầy ác ý này chưa kịp loan truyền rộng rãi đã tự nhiên xẹp xuống sau cái đêm đáng nhớ vì hành động chống Pháp thật anh hùng của me sừ Paris. Thời đô hộ, thành phố Ô Cấp này do Pháp xây dựng để làm chỗ nghỉ ngơi, giải trí cho quan quyền cai trị, du khách và một số dân bản xứ giàu có. Vì thế, khi màn đêm buông xuống phố xá rực rỡ ánh đèn màu, quán rượu nhà hàng đông nghẹt khách vãng lai. Cái cảnh thủy binh Pháp say sưa ồn ào phá phách, thậm chí có khi còn nổ súng bừa bãi ngoài phố, gần như xảy ra hàng đêm. Dân lành chỉ còn biết yên phận xa lánh và làm ngơ. Sau này, phố đêm Vũng Tàu thỉnh thoảng vẫn còn vài anh thủy thủ tàu buôn say rượu, ôm cổ bá vai nhau vừa đi vừa hát hò vang cả đường phố.
Đêm hôm ấy, khi dân phố đang yên giấc bỗng nghe nhiều tiếng la hét vang trời. To tiếng nhất là một giọng chửi mắng bằng tiếng Pháp xen lẫn tiếng Việt. Nhiều người tò mò hé cửa sổ ra xem, thấy ông Ba Ri đang vừa chửi vừa đấm đá một thằng Tây râu xồm. Buông thằng này, ông quay sang quai thằng khác một cú đấm té chúi mũi khi hắn lao về phía ông. Còn hai tên nữa, đang bò lê bò càng, cố đứng lên chân nam đá chân xiêu, đang chạy về hướng bến tàu. Khi trời chưa kịp sáng, ở quán cà phê bến xe, một địa điểm nổi lửa nấu nước sôi sớm nhất đã tụ tập nhiều người bàn tán xôn xao về cái tin sốt dẻo “Ông Ba Ri đánh bốn thằng Tây chạy lê lết hồi đêm qua”. Hả dạ quá xá ! Vậy là ông Ba Ri “không có làm tay sai cho Pháp”. Hẳn là ông ấy “có nghề nên mới dám chơi tụi Tây”. Ông Ba Ri “anh hùng quá, đáng nể thiệt !” Mỗi người một câu, tuy ngôn ngữ mộc mạc bình dị nhưng ai cũng muốn bày tỏ sự thán phục và biểu dương. Không biết có được mấy người mục kích sự việc mà có nhiều lời kể sống động hết sức, nhất là khi mô tả những đường quyền có kèm theo tiếng gió rít, làm cho những người đang phù mỏ thổi cà phê đổ ra dĩa cho mau nguội phải ngừng thổi, huýt gió phụ hoạ theo. Khi cuộc bàn luận đang bế tắc vì không ai biết nguyên cớ nào khiến ông Ba Ri ra tay thì Năm Chà, gác dan của khách sạn nơi bắt đầu “biến cố”, xăm xăm đi tới. Vừa thấy bộ dạng khệnh khạng của Năm Chà, anh chủ quán cà phê đon đả xách chiếc ghế chạy ra : “Ngồi. Ngồi đây anh Năm. Làm cái xây chừng cho ấm bụng rồi kể bà con nghe chuyện đánh Tây hồi đêm.” Năm Chà thủng thẳng ngồi xuống ghế, bắt đầu kể : “Anh Ba của tui coi vậy mà ngon lắm nghe bà con . . .” Mọi người chăm chú lắng nghe tin hấp dẫn do một nhân chứng đã có mặt tại hiện trường kể lại. Năm Chà, làm gác dan lâu năm cho khách sạn, là người Chà Và nhưng nói tiếng Việt rất sõi, lâu lâu lại nhắc “anh Ba của tui” thế này thế nọ làm thính giả cười vui và chuyện kể thêm rôm rả. Đầu đuôi câu chuyện là : khoảng gần nửa đêm có bốn thằng Tây say rượu kéo vào khách sạn. Hai thằng sỉn “quắc cần câu” và hai thằng kia coi bộ cũng “ba ngù” rồi. Năm Chà bước theo hỏi, tụi nó bảo muốn tìm gái. Dù được lịch sự mời đi ra nhưng hai thằng vẫn lớn tiếng chửi lại. Biết là to chuyện, Năm Chà vội chạy lên lầu gọi ông Ba Ri xuống giải quyết. Hai thầy trò vừa xuống thì thấy cả bốn thằng đang giằng co và sờ mó cô thư ký đang ngồi ở quầy. Cả hai nhào tới cố lôi bốn thằng ra. Ba Ri chỉ vào mặt chúng dõng dạc nói : “Tụi bay đi khỏi chỗ này ngay. Nếu không tao đập chết !” Một tên chửi thề, giơ nắm đấm chạy lại nhưng chưa kịp ra đòn đã bị một cú đá nhanh như chớp, ngã huỵch xuống đất như cái bị. Tên thứ hai trợn mắt, hai tay nắm thủ thế như đang đánh bốc xông tới. Ba Ri phóng một ngọn cước, nhưng đó chỉ là hư chiêu. Chờ đối phương khòm xuống đỡ, một quả đấm thôi sơn tung vào mặt làm hắn ngã ngửa xuống thềm cửa. Hoảng hồn vía vì đã đụng thứ dữ, hai thằng say dìu hai tên sỉn bỏ chạy. Coi bộ còn tức, dù vừa bò vừa chạy hai thằng râu rìa vẫn quay lại chửi rủa tục tĩu. Ông Ba Ri giận quá đuổi theo. Tiếp sau đó là những cú liên hoàn cước, những quả đấm trời giáng nện vào đầu mấy thằng Tây mất dạy. Bị một trận đòn chí tử, tụi nó chạy lê lết, tìm đường về bến tàu.
Câu chuyện kể xong, mọi người vỗ tay và khen ngợi ông Ba Ri là tay chịu chơi thứ thiệt, dám đánh một lúc bốn thằngTây chạy trối chết. Có một ông già lên tiếng hỏi : “Chú Năm làm việc cho khách sạn lâu rồi, chẳng hay có biết gốc gác của Ba Ri không ? Ổng là chủ hay làm công vậy ?” Năm Chà trả lời ngay : “Khi tui xin việc thì anh Ba có ở đó rồi. Nghe nói ảnh người Saigon. Ảnh là chủ hay quản lý khách sạn tui cũng không rành, chỉ biết mỗi tháng ảnh phát lương cho tui rất đúng ngày.” Ngay cả một người làm việc ở khách sạn còn không biết gốc gác của ông Ba Ri thì ai biết nhiều hơn. Nhưng sau cái đêm ông dám đánh Tây ấy, hình như không mấy ai tò mò tìm hiểu gì thêm.
Khách sạn nằm kế bến xe lô, trên cùng một con đường lớn chạy ngang một nhà máy làm nước đá trước khi xuống bến tàu. Ông Ba Ri đến nhà máy nước đá này thường lắm. Đến vì công việc cũng có, khi nhà máy bận quá không kịp giao nước đá cho khách sạn ông phải đến lấy, nhưng thường là ghé chơi để chuyện trò với Dũng, làm thợ điện ở đây. Nhà máy nước đá này trước đây do một người Pháp làm chủ, đã bán lại cho một người bạn là ông Thạch, người Bắc di cư, tốt nghiệp kỹ sư hàng hải ở Pháp. Kỹ sư Thạch làm việc ở Saigon, mua nhà máy nước đá này và để cho cụ Thiết, thân sinh của ông, trực tiếp trông coi. Cụ Thiết là một ông già tuổi ngoài lục tuần, dáng người mạnh khoẻ, thần thái còn tinh anh lắm. Từ ngày về tay chủ mới, nhà máy làm ăn phát đạt nhờ sự quảng giao và tài quản lý của cụ Thiết. Nhà máy hoạt động thêm giờ, mua thêm xe tải để giao nước đá cho đoàn tàu đánh cá ở Phước Hải, của người Bắc đã di cư nguyên một làng vào Nam. Giao nước đá cho chủ tàu ngay tại bến với nhiều ưu đãi về giá cả và cách thức trả tiền dễ dãi là do thiện ý của cụ Thiết muốn giúp đỡ đồng hương đang vất vả để tái lập cuộc sống trên quê hương mới. Nhà máy chạy ổn định, năng suất cao nhờ vào sự tích cực của Dũng, làm việc hết lòng như là một thành viên gia đình hơn là người làm công. Dũng đã từng làm thợ điện cho nhà máy điện Uông Bí trước khi di cư vào Nam. Dũng là cháu gọi cụ Thiết bằng bác, có vợ và một con trai 7 tuổi, gia đình làm nghề đánh cá ở Phước Hải. Cụ Thiết đã đãi ngộ Dũng thật xứng đáng, được trú ngụ trong căn nhà nhỏ trong khuôn viên nhà máy, vợ của Dũng phụ trách nấu cơm cho nhân viên, được trả lương rất hậu. Ông Ba Ri và Dũng tuổi tác chênh lệch tính tình khác biệt nhưng tương đắc, có lẽ nhờ Dũng biết lắng nghe và không hay thắc mắc những điều kể lể, có khi ba hoa của ông bạn vong niên. Ông Ba Ri đã kể cho Dũng nghe ông là con một điền chủ ở Vĩnh Long, được cho đi du học ở Paris. Ông đã lấy bằng của trường kỹ sư điện Voltaire, có vợ đầm nhưng không có con. Hai người thôi nhau, ông về nước cưới vợ khác ở quê nhà. Không được bao lâu hôn nhân lại tan rã. Buồn đời, ông bỏ xứ ra Vũng Tàu làm ăn. Nhân một hôm, có kỹ sư Thạch ra nhà máy, khi dùng cơm chiều, Dũng vui miệng kể cho cụ Thiết và ông Thạch nghe và hỏi ông anh họ về trường Voltaire ở Paris. Ông Thạch cười bảo : “ Khi học ở Paris, anh có biết trường này. Voltaire là một trường dạy nghề của tư nhân, bằng cấp dễ lấy nên tiện lợi cho vương tôn công tử Việt Nam sang Paris vừa ăn chơi vừa học lấy bằng về nước cho oai.”
Một hôm, trời chưa sáng đã có người từ Phước Hải ra báo tin mẹ của Dũng đau nặng. Anh vội thu xếp công việc và bàn giao lại cho Phú, phụ thợ, rồi xin phép cụ Thiết đi ngay. Dũng rời nhà máy chưa được bao lâu thì băng tải chuyển nước đá ngừng chạy vì động cơ điện bị cháy. Bình thường, Phú sửa chữa được hầu hết những hư hỏng nhỏ, lần này thì bó tay. Cụ Thiết có việc về Sàigon mấy ngày, vừa trở ra nhà máy hôm qua, dắt theo một cháu ngoại trai vừa nghỉ hè ra Vũng Tàu đổi gió. Giờ này, ông cháu đang ăn sáng ngoài tiệm chưa về. Phú đi ra đi vào, lo lắng ra mặt vì máy hỏng nhằm thứ hai là ngày bận rộn nhất trong tuần, lại thêm vắng mặt Dũng. Cụ Thiết vừa về đến cổng đã có Phú chạy ra đón và báo cáo sự việc. Suy nghĩ một lát, cụ Thiết hỏi Phú: “Có hai người mình có thể nhờ cậy, thợ điện của nhà máy nước đá gần chợ và ông kỹ sư Ba Ri. Cháu thấy mình nên nhờ ai ?” Phú đáp ngay: “Nhờ nhà máy khác, chưa chắc họ chịu giúp. Hay là để cháu đi mời Ông Ba Ri .” “Ừ. Cháu chạy ngay đi. Cứ nói là bác mời ông Ba đến uống trà và có việc cần nhờ cậy cháu nhé !” Cụ Thiết vào văn phòng pha một ấm trà ngon chờ khách. Chờ hơn nửa giờ không thấy, tới phiên cụ Thiết ngồi đứng không yên. Đến trưa nay mà máy chưa chạy lại được thì khổ lắm. Các nơi trữ nước đá để bán lẻ không đáng lo, vì họ có thể mua đỡ từ nhà máy khác. Nghĩ tới đội thuyền đánh cá tối nay không ra khơi được vì không có nước đá, cụ bồn chồn lo lắng. Vừa thấy dạng ông Ba Ri xuất hiện ở cổng nhà máy, cụ Thiết vội chạy ra đón, mời vào văn phòng. Vừa châm trà mời khách xong, cụ vào đề ngay: “Ông đến giúp thật quí hoá quá. Dũng vừa mới đi Phước Hải thì băng tải nước đá bị cháy động cơ điện. Tôi thật bối rối, không biết làm sao, đành phải phiền đến ông...” Ông Ba Ri đứng lên, vừa nói vừa giơ hai tay lên như phân bua: “Phụ lòng tin cậy của cụ thật có lỗi. Rất tiếc là tôi không giúp được!” Cụ Thiết đứng lên theo, hỏi vớt vát một câu, giọng trầm xuống nghe thật buồn: “Tôi cứ ngỡ việc thay động cơ chỉ là trò chơi đối với một kỹ sư điện, nên mới mạo muội nhờ đến ông”. Ông Ba Ri đứng tần ngần, tháo kính cận xuống lau chậm chậm, ngước mắt nhìn cụ Thiết, giọng ngập ngừng, rầu rĩ: “Xin lỗi ... Tôi là kỹ sư điện ... thứ khác.” Nói đến đó, ông bước vội ra ngoài và đi luôn không kịp chào từ giã ai cả.
Cụ Thiết ngồi xuống, cầm tách trà lên nhưng không uống, mắt nhìn ra cửa, đầu gật gù như đang suy tính điều gì đấy. Ngồi im lặng một hồi lâu, cụ đặt tách trà lên bàn, với tay lấy cuốn sổ và cây viết, đứng dậy đi xuống nhà máy. Cụ nói với Phú: “Không ai giúp được thì mình phải tự làm. Cháu xuống nhà kho mang một cái động cơ dự phòng lên đây.” Phú đứng yên mở to mắt nhìn cụ Thiết chăm chăm, muốn nói gì đấy nhưng lưỡng lự mãi không dám. Hiểu ý của Phú, cụ bảo: “Cháu đừng lo, cứ lấy động cơ mới lên đây cho bác.” Thấy cái động cơ vừa mang ra giống y như cái đang sử dụng, cụ Thiết có ngay một quyết định, vừa chỉ tay vào từng bộ phận vừa hỏi Phú: “Bây giờ, mình tháo cái khung lưới bọc an toàn này, lấy hai dây trân ra. Xong rồi, tháo luôn bánh xe kéo dây trân ở trục động cơ. Những việc này cháu làm được không ?” Phú gật đầu. Cụ Thiết bảo: “Chờ bác đi tắt công tắc điện nhà máy cái đã. Cháu cho anh em đi làm dọn dẹp linh tinh để chờ máy chạy lại.” Cụ Thiết tắt điện xong, cẩn thận bỏ chìa khoá hộp công tắc vào túi, trở ra đã thấy Phú soạn đồ nghề sẵn sàng. Cháu ngoại của cụ Thiết vẫn đứng im lặng theo dõi từ đầu, lên tiếng hỏi nhỏ, giọng lo lắng: “Mình thay động cơ thật hả ông ?” Ông cười, nhìn cháu: “ Cháu cầm cuốn sổ và cây viết này, ông có việc nhờ cháu. Ông cháu ta làm được, không lo cháu ạ !” Thằng cháu cưng của ông năm nay 12 tuổi, tựu trường sắp tới lên lớp đệ lục, luôn luôn xem ông Ngoại như một “thần tượng” vì việc gì ông cũng làm được đến nơi đến chốn, nhưng hôm nay chú bé thấy hồi hộp quá. Tuy còn bé, chú cũng đủ thông minh để thấy đây là việc làm cần đến thợ chuyên môn. Cụ Thiết bảo Phú mở nắp của hộp nối dây điện ra rồi bảo cháu ngoại : “Cháu vẽ cho ông một sơ đồ nối dây điện của động cơ này. Cháu nhìn kỹ đây, cháu vẽ chính xác, đánh số thứ tự cho mỗi chấu điện và ghi rõ sợi dây màu gì nối vào chấu số mấy.” Quay sang Phú, cụ vỗ vai : “Cháu bắt đầu công việc đi.” Phú hăm hở bắt tay vào việc, nhìn cụ già cười vui: “Cụ thật tài tình, cháu lại học thêm được một điều hay. Làm thế này thì phải được thôi !” Tháo xong các thứ, cụ Thiết nói: “Bây giờ, cháu đặt động cơ mới vào vị trí, bắt bù loong chân cho cứng rồi nối dây điện theo đúng sơ đồ vừa vẽ. Bác sẽ cho chạy thử xem sao rồi hãy ráp lại mọi thứ cháu nhé !” Xong giai đoạn này, cụ mở công tắc chính, bảo Phú và thằng cháu bước ra xa rồi đích thân bấm nút cho máy chạy. Trục động cơ quay vút, êm ả, không có gì xảy ra cả. Tự nãy giờ, chú bé nín thở đứng nhìn, hai tay đan vào nhau chống dưới cằm trông thật tội nghiệp. Phú vui mừng, vừa nhảy tưng tưng vừa hô to: “Máy sửa được rồi, bà con ơi !” Thằng cháu chạy lại ôm chặt lấy ông ngoại không nói gì cả. Chờ ngắt điện xong, Phú gọi thêm vài người vào phụ để hoàn tất công việc cho nhanh.
Nhà máy hoạt động trở lại. Người và xe ra vào nhộn nhịp như mọi ngày. Sáng sớm hôm sau Dũng đã có mặt trước khi máy chạy. Sau khi nghe Phú kể chuyện, Dũng chạy lên văn phòng. Cụ Thiết đang uống trà, thấy Dũng vào hỏi ngay: “Mẹ cháu thế nào ?” “Mẹ cháu đỡ nhiều rồi Bác ạ ! Hôm qua, cháu có mời được bác sĩ đến tận nhà. Mẹ cháu bị thương hàn, chích thuốc xong đến chiều thấy đỡ. Sáng nay, cháu bắt chuyến xe sớm nhất ra đây.” Cụ Thiết kể cho Dũng nghe “biến cố” lúc anh vắng mặt. Dũng nói: “Cháu xin bái phục. Lão Ba Ri là kỹ sư điện ... thứ khác. Còn bác đáng gọi là kỹ sư bách khoa ... thứ thiệt !”
Hai bác cháu sánh vai đi xuống nhà máy, vừa đi vừa nói chuyện, Dũng cười vang nghe thật vui.

VĨNH NGỘ.
Post Reply