Y LÊNH

Làm đẹp Diễn Đàn Kỹ Thuật

Moderator: HungNguyen

Post Reply
User avatar
maixuanthanh
Moderator1
Posts: 55
Joined: 16 Jul 05, Sat, 7:41 pm
Location: CN10, Perth, Australia

Y LÊNH

Post by maixuanthanh »

Y LÊNH


Trực thăng vừa đáp, cánh quạt thổi cát bụi tung mịt trời, cỏ tranh bên dưới ngã rạp, thân dập dềnh như sóng. Thăng nhảy xuống trước tiên, đảo mắt quan sát chung quanh rồi quay người lại giơ tay cho Chinh bám lấy để bước xuống. Cũng chiếc máy truyền tin cũ đeo sau lưng, nhưng hôm nay có vẻ nặng hơn vì gương mặt Chinh đanh lại chứ không nhìn Thăng cười và khẽ gật đầu như những lần đổ bộ trực thăng trước. Chinh mang máy cho Thăng đã ba năm, đeo hạ sĩ gần một năm. Thầy trò đã kề cận, cùng vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, chưa bao giờ Chinh biểu lộ sợ hãi kể cả những lúc nguy khốn nhất, bị địch vây hãm phải mở đường máu để triệt thoái. Người kế tiếp là Sơn Phon, hạ sĩ nhất. Thói quen của Phon là mỗi lần nhảy xuống đều tránh ra một bên nhường chỗ trống cho đồng đội, rồi ngồi xổm nhìn Thăng chờ lệnh và nháy mắt cười. Lần này, Sơn Phon khom người quay qua quay lại, mắt dáo dác như sắp đánh cận chiến. Từng trải chiến trường nhiều năm, Thăng thương yêu lính như những đứa em và nhớ cả tính tình và cố tật của từng người. Ngược lại, họ cũng kính mến Thăng như một cấp chỉ huy gan dạ, đáng tin cậy để cùng xông pha lửa đạn, sinh tử không sờn lòng. Thái độ khác thường của hai thằng em thân cận làm cho Thăng hơi chột dạ, nghĩ ngợi rồi thấy lo ngại. Có điều gì đó bất an mà chàng chưa linh cảm được vì bản tính chai lì chăng. Thăng chăm chú nhìn đám lính lần lượt nhảy ra khỏi trực thăng đang dàn ra bố trí canh phòng, cố xoá đi những ý nghĩ tối tăm trong đầu.

Sơn Phon, người Miên, hai mươi mốt tuổi, lính tình nguyện, đã xông pha chiến trường bốn năm. Trong cái thân xác gầy gò và loắt choắt của Phon chứa một sức chịu đựng bền bỉ không ai sánh bằng. Cứ nhìn Phon cười cợt, ca hát những lúc dừng quân hay về dưỡng quân ở hậu cứ, không ai có thể ngờ rằng khi xung trận, đối diện với quân thù, cậu bé người Miên nhỏ thó này sẽ trở thành một con cọp dữ, và tiểu đội trưởng tiền sát Sơn Phon đã lập được những chiến tích đáng nể. Robert Chinh, tên mà đồng đội thường gọi ngưòi lính mang máy truyền tin cho Thăng. Ít người biết đích xác nguồn gốc của cái tên “Robert”. Thăng nhớ, hình như có nghe đôi lần khi còn thụ huấn ở trường bộ binh Thủ đức. “Rô be” hay “Tà lọt” cũng thế, dùng để chỉ một thuộc cấp thường theo sát chỉ huy đơn vị. Dù có mang tên Tây hay Mỹ gì đi nữa, thì chàng thanh niên người Việt gốc Hoa tên Chinh cũng là một chiến sĩ biệt động quả cảm.

Thăng nhìn đồng hồ. Mới hơn bốn giờ chiều nhưng trời đã mờ mờ, vì vầng thái dương đang ngã về phía tây rặng núi. Đơn vị đổ xuống an toàn ở một trảng cỏ tranh cao ngang vai người. Bên phải là sườn núi dốc thoai thoải, cây thấp và thưa. Xa xa, nhìn những làn khói mỏng vươn lên bầu trời với trần mây là đà, người ta dễ hình dung sự sống vẫn còn hiện diện ngay trong vùng mịt mờ lửa đạn. Tiểu đội tiền sát đã tập họp xong, trình diện chờ lệnh xuất phát. Nhìn Sơn Phon đang chào tay nhưng mắt nháy nháy, Thăng mím môi cố giữ cho khỏi cười, gật đầu rồi mở ngay phóng đồ hành quân để vạch hướng và dặn dò. Đơn vị của Thăng được lệnh di quân ngay trước khi trời tối, đến địa điểm kế bắt tay với một đơn vị bạn, để cùng tiến vào mục tiêu. Dự trù sẽ làm ăn lớn nên Thăng đã được trao tần số trực tiếp để gọi không yểm khi cần thiết. Cái ân huệ khác thường này đã làm cho Thăng lo ngại nhiều hơn những lần hành quân trước.

Kiểm điểm quân số, phát lệnh cho thuộc cấp, phối kiểm tín hiệu truyền tin xong, với đội hình yểm trợ, đơn vị di chuyển đến điểm hội ngộ. Trời tối, rừng cao nguyên đen thẫm mịt mùng đầy đe dọa. Thỉnh thoảng, những tiếng gõ lọc cọc lại vang lên. Thăng muốn nổi cáu. Bầy chim gõ kiến khó thương này không chịu ngủ, lâu lâu lại gõ, âm vang như nhát dao cứa vào những sợi dây thần kinh đang căng thẳng cực kỳ của đoàn quân dạ hành. Thăng cùng binh sĩ, im lặng vô tuyến, tiến từng bước thận trọng, không gặp một sự quấy phá nào của địch quân. Đến điểm hẹn, đơn vị bạn là một chi đoàn thiết giáp đã chờ sẵn. Sĩ quan chỉ huy thiết kỵ là một người bạn chiến đấu rất thân, chào mừng và nồng nhiệt bắt tay Thăng làm cho chàng cảm thấy vững tâm hơn cho đoạn đường gai góc sắp tới. Chiến xa tiến thật chậm, chiến sĩ biệt động bám theo sau, tùng thiết, tiến vào mục tiêu. Đến sáng, toán tiền sát báo cáo là đã có dấu hiệu địch xuất hiện phía trước, nhưng chưa bên nào khai hỏa. Chỉ một lát sau, địch mở màn tấn công. Tiếng sơn pháo vang rền, tiếng nổ B40 bùng vỡ, sắc ngọt. Đụng nặng. Hoả lực đối phương quá mạnh. Như vậy là quân ta đã lọt vào ổ phục kích. Thăng liên lạc về bộ chỉ huy nhưng không vào được tần số. Sơn Phon báo cáo hai thiết giáp mở đường đã bị bắn cháy, toán tiền sát đang áng binh bất động, chờ lệnh. Thăng ra lệnh cho đơn vị dừng lại, bố trí dọc bìa rừng bên trái. Địch quân chưa xuất đầu lộ diện, nhưng mức độ đạn pháo càng nặng thêm, nổ liên tục và đến từ nhiều hướng, chứ không bắn từng đợt như trước. Quân ta phản công quyết liệt, nhưng sau hơn nửa giờ giao tranh vẫn không tiến lên được. Những khẩu đại bác trên chiến xa phải bắn trực xạ vào những bụi rậm nghi ngờ có ổ súng địch. Để giảm thương vong, Thăng ra lệnh chuyển một nửa lực lượng sang cánh rừng bên phải để mở đường tiến lên. Chưa kịp bố trí thì đạn từ dưới sườn núi bắn lên dữ dội. Thương vong lên cao. Thăng gọi trực thăng tải thương nhưng không được đáp ứng. Nhất cử nhất động của quân ta đều bị khống chế vì đã lọt vào bẫy rập ác hiểm. Hình như địch quân đã bố trí sẵn vũ khí nặng trên các ngọn cây, nên những tiếng nổ kinh hoàng như từ trời cao chụp xuống đã gây sát thương ghê gớm. Thăng liên tục báo cáo về bộ tư lệnh tiền phương xin tiếp viện và yểm trợ hoả lực khẩn cấp nhưng không nghe trả lời. Tình hình càng lúc càng bi đát và tuyệt vọng. Thăng đành cho đơn vị triệt thoái. Hoạ vô đơn chí, tiến không được, thối cũng không xong. Địch đã chặn đường rút lui bằng những trận mưa pháo. Chỉ còn một con đường, cho quân chạy sâu vào cánh rừng bên trái, nhưng đạn từ trong bắn ra như vãi trấu. Thật là tứ bề thọ địch. Trong cơn hoảng loạn, Thăng nghe tiếng gió rít của pháo đài bay B.52. Chỉ ít giây sau đó, hàng tấn bom trút xuống. Cánh rừng rung chuyển như đang cơn địa chấn. Súng ngưng nổ, chỉ còn tiếng bom kinh khiếp. Từng cột lửa dậy lên, rừng bốc cháy đỏ rực trời.

Đơn vị tan hàng. Những người sống sót sau cơn bão lửa mạnh ai nấy chạy thoát thân. Sơn Phon và Chinh vẫn bám sát Thăng. Ba thầy trò chạy mãi vào rừng. Sơn Phon nhanh nhẹn dẫn đầu. Bỗng một tràng đạn AK nổ dòn tan. Sơn Phon ôm ngực lảo đảo, quị xuống. Thăng nằm sát đất nghe ngóng vài giây, rồi bò đến. Sơn Phon nằm nghiêng, người co quắp, mắt lạc thần nhìn Thăng thì thào : “Chắc em nghỉ chơi rồi, Ông Thầy !” Nói xong, mắt trợn lên, đầu gục hẳn xuống. Thăng ngoắc tay, Chinh chạy đến tiếp tay kéo xác Sơn Phon dấu vào trong một bụi rậm. Thăng rút súng lục cầm trên tay, mở khoá an toàn rồi quay người chạy theo hướng khác. Chinh chạy theo liền. Hai người cứ chạy, như một phản xạ tự nhiên để tránh địch quân, chứ không biết sẽ đi về đâu. Bất thần, súng lại nổ vang từ phía bên trái. Thăng khựng người lại, khom lưng xuống, hai tay ôm đầu gối. Khẩu súng lục rớt xuống đất. Tiếp theo là một tiếng nổ khô khốc. Thăng ngã bật ngửa, bàn tay trái ôm lấy phía trên ngực phải, máu trào ra theo kẽ mấy ngón tay. Chinh phóng người tới như một lò xo, nằm xuống, nhặt cây súng lên bắn liên tiếp mấy phát về hướng địch rồi xốc một bên vai Thăng kéo đứng dậy để cõng chạy đi. Thăng ghì người xuống, thì thào “ Anh không qua khỏi đâu. Em chạy đi, một mình may ra mới thoát được !” Vừa nói xong, Thăng buông xuôi tay rồi lịm đi. Chinh đặt Thăng nằm xuống, ngần ngừ vài giây, chắp tay xá ba cái, rồi gạt nước mắt đứng lên chạy thật nhanh.


*
* *


Thăng tỉnh dậy, mở mắt nhìn quanh, thấy mình đang nằm trong một nhà sàn. Nhà trống không có ai, bếp lửa đốt bằng nhánh cây khô trên một bệ đá sắp thật khéo tỏa hơi ấm áp. Thăng thử cựa mình, nhưng không nhúc nhích nổi vì toàn thân tê cứng như bị cái gì nặng đè xuống. Thăng tự nhủ, vậy là mình còn sống, và cố nhớ lại những gì đã xảy ra, nhưng chỉ thấy đầu óc mơ hồ và rối tung. Nhìn xuống thân thể, Thăng thấy trên người không còn quần áo trận. Một tấm vải màu chàm thô nhám che từ ngực xuống quá đầu gối. Ống chân trái và một bên vai phải của Thăng được quấn bằng một loại vỏ cây và buộc lại bằng dây. Mùi thuốc gì đó, hình như là ngải, lâu lâu tỏa mùi hăng hắc. Cơ thể bất động, nhưng đầu óc của Thăng dần dần tỉnh táo. Chàng nghĩ chắc là trên đường đào thoát bị thương nặng bất tỉnh nhưng may mắn được một nhóm người Thượng cứu, mang về đây.

Có tiếng chân người bước lên sàn nhà. Thăng nằm quay đầu ra cửa nên không nhìn thấy, nhưng yên tâm chờ. Bước chân nhẹ nhàng tiến đến. Một cô gái ngồi xuống bên chàng. Thấy chàng đã tỉnh lại, cô nàng nói một tràng, giọng nhẹ nhàng thanh thoát. Tuy không hiểu, nhưng cứ nhìn nụ cười tươi như hoa, mắt long lanh, hai hàm răng trắng ngời dưới ánh lửa bập bùng, Thăng thấy lòng ấm áp, cảm nhận được một nguồn hạnh phúc bất chợt, như một ân sủng của Thượng đế ban cho một chiến sĩ sa cơ lỡ bước. Nàng đã biểu lộ sự vui mừng khi thấy Thăng hồi tỉnh. Cô sơn nữ cứ ngồi nhìn Thăng một hồi lâu, nụ cười xinh vẫn nở trên môi, đôi mắt lộ vẻ thương cảm. Nàng đứng lên, đi về phía góc nhà và trở lại tay cầm một cái chén nhỏ. Nàng quì xuống, một tay nâng đầu của Thăng lên một chút, tay kia kê cái chén vào miệng. Thăng uống từng hớp nhỏ một thứ nước loãng màu ngà ngà, vị nhạt và thơm thơm. Uống thuốc xong, nàng đặt nhẹ đầu Thăng xuống gối, tay xoa xoa trên trán rồi gật đầu cười thật tươi. Lúc đó, Thăng mới chú ý quan sát dung mạo của cô gái. Nàng xinh tươi như một đóa hoa hàm tiếu, một tuyệt phẩm của tạo hoá đã gởi xuống để làm đẹp núi rừng Tây nguyên. Gương mặt trái soan, mũi dọc dừa, mắt sáng, môi hồng, mang một vẻ đẹp man dại nhưng tinh khiết vô cùng.

Từ hôm đó, mỗi ngày nàng đến nhiều lần để cho Thăng ăn uống, chăm sóc vết thương. Nàng làm công việc vệ sinh thân thể cho chàng thật ân cần, chu đáo và tự nhiên như vợ lo cho chồng. Hai người thông cảm nhau chỉ qua ánh mắt vì trở ngại ngôn ngữ. Thỉnh thoảng, Thăng cầm lấy tay nàng nói cám ơn. Nàng để yên bàn tay nhỏ nhắn trong tay Thăng, nhìn chàng với ánh mắt dịu dàng và âu yếm. Thăng phục hồi thật nhanh, nên mỗi lần nàng đến thường ở lại khá lâu để chuyện trò và dạy chàng nói thứ ngôn ngữ nghe rất êm tai của nàng. Thăng đã biết tên nàng là Y Lênh và rất vui, như nhận được một món quà Trời ban, khi biết cô sơn nữ chưa chọn được chồng. Chàng cũng có một cái tên mới do nàng đặt cho. Y Thang. Y Thang, tên gọi thật ngọt ngào và tình tứ. Một tháng sau, vết thương trên người Thăng chưa thật lành, nhưng đã hết chảy máu khi cử động mạnh. Thăng có thể tự ngồi dậy một mình để mỗi sáng lết ra cửa nhà sàn chờ nàng tiên của chàng đến. Ngồi trong nhà nhìn ra bên ngoài, núi rừng như được phủ một màn sáng dệt bằng những sợi nắng óng ả, không sáng rực rỡ nhưng lung linh đẹp tuyệt vời. Đây đó trong bản, những mái nhà sàn còn đẫm sương phản chiếu ánh bình minh, màu nâu vàng nổi bật trên nền trời xanh. Thấp thoáng, trên những con đường núi dốc quanh co đã có bóng những sơn nữ vai đeo gùi lên nương. Ở bản này, trồng tỉa, dệt may là việc của phụ nữ, nên các nàng phải thức dậy và rời nhà thật sớm. Đàn ông thì thong dong hơn, vì còn chờ sương tan mới lên núi săn bắn. Khi nghe được tiếng hát trong trẻo, trầm bổng du dương, theo gió đưa tới là lúc Y Lênh xuất hiện ở khúc quanh của dốc lên nhà sàn Thăng đang ở. Mỗi ngày đều như thế, rất đúng giờ, dù cho giờ giấc nơi này chỉ đoán theo bóng nắng thôi. Có mặt ở bản chưa được bao lâu, Thăng đã thấy hình như mọi người dân bản, bất kể tuổi tác, đều yêu thích và thường ca hát theo tiếng khèn với nhiều âm điệu, khi nhún nhảy vui tươi, có lúc nghe nghèn nghẹn như chất chứa nỗi niềm u uẩn. Y Lênh cũng thường hát cho Thăng nghe. Giọng của nàng đầy sinh lực, khi cao vút ngân nga thánh thót, khi trầm xuống như kể chuyện thầm thì. Tuy chỉ hiểu lõm bõm lời ca, nhưng chàng cũng nhận xét được mỗi khi hát lại một bài cũ là lời và điệu nhạc đều ít nhiều thay đổi. Chàng thích thú khi khám phá một điều mới mẻ. Nàng tiên của núi rừng đang kề cận bên chàng, và cũng có thể mọi cô gái khác, mang một tâm hồn nghệ sĩ hoà điệu với hơi thở của núi rừng, để có thể hồn nhiên hát lên một khúc ca diễn tả tâm trạng của mình. Cái cảm hứng để sáng tác tức thời này giống như lối trình diễn của những nhạc sĩ Jazz, một loại nhạc “tức hứng” rất được ưa chuộng ở Mỹ châu.

Thăng đã tá túc ở bản qua hai con trăng. Vết thương đã lành hẳn, nên mỗi ngày Y Lênh dìu Thăng bước xuống thang nhà sàn để tập đi. Nàng còn làm cho Thăng một cây gậy để chống. Đến những đoạn đường dốc, nàng cầm tay Thăng đặt lên vai của mình để vịn cho vững chân đi. Trời đã vào xuân, hoa rừng nở rộ, chim hót vang khắp nơi. Thăng thấy lòng phơi phới, tạm quên mình là một thương binh, cảm nhận một nguồn hạnh phúc vô biên như đang cùng một tiên nữ dạo chơi trong cảnh Bồng lai. Sức khoẻ của Thăng hồi phục nhanh chóng, Thăng đã bỏ hẳn cây gậy chống và hai người có thể đi thật xa, trèo lên những ghềnh đá cao hiểm trở. Một buổi trưa trời nắng đẹp, Y Lênh cùng Thăng ngồi nghỉ chân bên một dòng suối nước trong veo, cá nhỏ nhiều màu lội nhởn nhơ. Y Lênh cởi đôi giày vải, thọc hai bàn chân xuống suối khoắng nước trêu ghẹo bầy cá. Nhìn đôi bàn chân mủm mỉm trắng hồng, gót đỏ như son, Thăng bất chợt thấy lòng mình rung động. Chàng cúi xuống kỳ cọ, nâng niu đôi bàn chân ngà ngọc một hồi lâu. Khi chàng ngẩng đầu lên, bốn mắt nhìn nhau say đắm. Nàng đứng lên, kéo tay Thăng đi nhanh đến một bãi cỏ xanh rì. Thăng cởi chiếc áo chàm đang mặc trải xuống cho nàng ngồi. Vừa ngồi xuống là Y Lênh nhanh tay mở hàng nút vải, cởi áo để một bên, tay đập nhẹ nhẹ lên mép áo, đôi mắt long lanh ngước nhìn lên, miệng cười tươi như hoa. Thăng ngồi xuống, nhìn sững bộ ngực thanh tân, đẹp như pho tượng ngọc, xuất hiện bất ngờ như một dâng hiến, chàng thấy rạo rực xuân tình và không còn tự chủ được nữa. Thăng dìu nàng ngã xuống. Chàng vội ôm chầm lấy thân hình nồng ấm, gục đầu xuống đặt những nụ hôn tham lam vội vã trên cặp tuyết lê đang ưỡn lên mời mọc. Gió ngừng thổi. Chim muông thôi hát. Núi cao, rừng sâu nghiêng xuống đôi trai gái đang quấn quít trao tình. Trời và đất hoà nhịp trong hơi thở dồn dập của sức trai vũ bão chiếm đoạt cuống cuồng. Mây trời gió núi cùng giao hưởng với tiếng rên rỉ thống khoái của tận hiến và đáp ứng nồng nhiệt …..

Trên đường về thôn, Y Lênh nắm tay Thăng không rời, chân bước tung tăng, miệng hát líu lo như một đứa trẻ vô tư. Đến ngả rẽ vào nhà sàn đang ở, Y Lênh níu Thăng dừng lại, nhìn thẳng vào mắt chàng, hỏi : “ Mình là vợ chồng, Y Thang có chịu không ? ” Ngắn gọn thế thôi, và nàng mở to mắt nhìn, chờ đợi. Câu trả lời hình như đã chờ sẵn trong đầu Thăng tự bao giờ. Có lẽ đã có từ ngày chàng vừa tỉnh dậy và nàng đến, mang theo tất cả như sự an bài của Thượng đế, những ân sủng mà chàng không dám mơ ước và không có quyền từ chối. Thăng mỉm cười và gật đầu. Y Lênh lại nắm tay Thăng dẫn đi về một lối khác. Đến một nhà sàn cao, rộng và đẹp nhất. Nhà của Y Bân, trưởng thôn, người được cả thôn bản tôn quí, gọi là Già Bân. Thăng chưa gặp mặt Già Bân lần nào, chỉ nghe nàng nhắc đến khi hai người trò chuyện, hôm nay mới được diện kiến. Khi hai người đến, ở chân thang có một thanh niên lực lưỡng đang lui cui buộc dây một chiếc gùi to. Anh chàng quay lại thấy Y Lênh, chỉ khẽ gật đầu chào và im lặng nhìn Thăng mặt không biểu lộ một cảm xúc nào. Vào trong nhà, thấy Già Bân đang ngồi trên một chiếc nệm cỏ, Y Lênh kéo tay Thăng cùng ngồi xuống đối diện. Thật hết sức bất ngờ, Y Lênh giới thiệu Già Bân là cha của nàng. Thăng im lặng, vừa lắng nghe nàng thưa chuyện cùng cha vừa kín đáo quan sát phản ứng của Già Bân. Nghe xong, ông vẫy tay ra hiệu bảo ngồi gần lại, rồi đặt bàn tay lên đầu Thăng, hỏi : “Y Thang ! Y Lênh đã chọn ngươi làm chồng, ngươi có chịu không ? ” Lại thêm một bất ngờ đầy ngạc nhiên và thích thú, Già Bân đang nói với Thăng bằng tiếng Kinh rất rành rọt. Thăng chỉ trả lời “Dạ, chịu !” rồi ngồi yên nghe lòng rộn rã. Vui mừng, nhưng không nôn nả, như còn có nỗi lo không rời. Già Bân tươi cười, dặn dò nhiều điều bằng ngôn ngữ của bộ tộc. Vừa nghe vừa đoán, Thăng hiểu được ý chính là “ …. Ông Giàng (Trời) đã cho Y Thang xuống bản làng, nên đôi vợ chồng với Y Lênh, thì phải ở mãi với núi với rừng …..”. Khi xuống thang ra về, thấy chàng trai vẫn còn đấy. Y Lênh mới giới thiệu là Y Lang, anh trai của nàng. Bấy giờ, Y Lang mới nở một nụ cười, đặt bàn tay lên vai Thăng, nói : “Mừng cho hai người”, rồi đeo gùi lên vai đi ngay. Nàng lại kéo tay Thăng bước xuống con đường dốc, vừa đi vừa nói : “ Y Lang khó chịu lắm đấy, nên chưa có cô nào chọn làm chồng !”

Trở về nhà sàn, Y Lênh vào dọn dẹp bên trong, Thăng ngồi ở cửa ngó ra núi, nghĩ ngợi mông lung. Chàng mới gặp mặt Già Bân và Y Lang lần đầu, nhưng giọng nói thì nghe quen quen. Thăng chợt nhớ ra. Phải rồi, không thể lầm lẫn được…. Khi chàng trúng đạn gục ngã, đau đớn đến hôn mê. Lúc tỉnh lại, còn mơ mơ màng màng, chàng đã nghe rõ tiếng người nói chuyện và có vẻ như cãi nhau rất hăng. Một phụ nữ nói năng nhỏ nhẹ, có lúc nghẹn ngào như khóc…Y Lênh. Đúng là tiếng nói của nàng. Còn tiếng của hai người đàn ông, một cộc lốc gắt gỏng, và một giọng ồm ồm đầy vẻ quyền uy… Hai giọng nói Thăng vừa nghe lúc nãy … Chàng nhớ lại rồi, thật không sai, đấy là giọng nói của Y Lang và Già Bân. Khúc phim được ráp nối bằng những sự kiện đã kiểm chứng, chiếu lại những giây phút kinh hoàng lúc Thăng lâm nạn trong rừng sâu đang hiện lên trong đầu …… Ba cha con Già Bân đi rừng, phát hiện một người lính bị thương nặng còn thở thoi thóp. Vì lòng nhân từ không thể bỏ mặc, Y Lênh đã xin cha ra tay cứu mạng. Y Lang quyết liệt phản đối. Y Lênh đã khóc lóc cầu xin. Sau cùng, Già Bân ra lệnh cho con trai cõng Thăng, băng rừng lội suối, mang về bản …… Y Lênh, ân nhân cứu tử, đóa hoa xinh đẹp của núi rừng đã thành thân với chàng chiến binh thất trận, lạc bước vào chốn thâm sơn cùng cốc. Hôn lễ sẽ tổ chức vào ngày hội con trăng sắp tới. Thật là thiên duyên tiền định. Ông Tơ ở trần, đóng khố, bà Nguyệt đeo kiềng quấn sà rông chờ sẵn trên núi, đã cầm sợi chỉ hồng buộc cẳng hai người lại. Nói buộc cẳng là đúng lắm vì Già Bân đã nói rồi “Chịu làm chồng Y Lênh thì phải suốt đời gắn bó với bản làng”. Đó không phải là một điều kiện có thể bàn cãi hay thương lượng, mà là mệnh lệnh của uy quyền tột đỉnh trong một xã hội thu nhỏ, sống biệt lập với thế giới văn minh dưới kia. Biết rõ liên hệ gia đình của nàng rồi, Thăng càng thắc mắc không biết tại sao suốt thời gian dưỡng thương, Già Bân không hề xuất hiện. Những ngày tháng sắp tới liệu có êm ả không. Thăng nhủ lòng phải tạm chấp nhận hoàn cảnh hiện tại xem con tạo sẽ xoay vần đến đâu. Chàng tin là mình sẽ có đủ bản lãnh để đối phó với những bất trắc, nếu có xảy ra.

Đám cưới diễn ra vào đêm rằm trăng sáng lung linh. Cả bản làng tham dự vui vẻ. Không có áo cưới, sính lễ là một nhánh hoa ban nở mãn khai do chú rể Y Thang cài lên tóc cô dâu Y Lênh đang cười rạng rỡ. Trai gái làng có dịp gặp nhau, cùng ca hát, nhảy múa thâu đêm bên ánh lửa bập bùng. Thịt rừng nướng thơm lừng, rượu cần uống thả dàn. Chú rể cũng say túy lúy, cô dâu cõng về nhà hồi nào không hay.

Chàng chiến binh hào hùng đã ngậm ngùi trút bỏ chinh y trên chiến trường, nay trở thành một sơn nhân với cuộc sống hoang dã. Thăng làm quen dần với tháng ngày leo ghềnh vượt suối săn bắt thú rừng và đỡ đần cho Y Lênh thật đắc lực công việc nương rẫy. Con cọp dữ đồng bằng đã thành chú nai hiền lành trên núi cao. Sinh lực sung mãn và tài tháo vát của một sĩ quan tác chiến lì lợm giúp Thăng thích nghi với cảnh sống mới thật dễ dàng. Chàng luôn luôn giúp đỡ mọi người nên được cả bản làng quí mến và nể nang. Đúng một năm sau, Y Lênh hạ sinh một bé trai bụ bẫm và kháu khỉnh. Chú cọp con nhanh nhẹn được đặt tên là Y Đông, vì Y Thăng còn để lại một nửa trái tim của mình ở thành phố, về phía đông nam của rặng núi cao hiểm trở này. Trong thôn bản êm ả, dòng đời cứ ngày qua ngày trôi lặng lẽ. Con người không có thù địch, chỉ cần canh chừng mưa nắng cho mùa màng và chỉ phải đấu tranh với thiên nhiên, lúc Ông Giàng nổi giận vô cớ, đem gió bão trấn xuống núi rừng. Cuộc sống thật hồn nhiên. Ánh sáng đầu ngày vừa le lói là tiếng hát nổi lên, hoà với tiếng hót lảnh lót của chim muông gọi nhau rời tổ. Già trẻ, lớn bé, ai cũng có nụ cười trên môi vì quanh năm no ấm, không cần lo lắng gì về cái ăn cái mặc. Không hận thù, không tranh chấp. Một người săn được con mồi to là cả bản được chia phần. Như thế có đáng được gọi là thiên đàng hay không. Y Lênh, sau khi sanh con đầu lòng, càng ngày càng mơn mởn, đẹp mặn mà. Nàng chu toàn công việc hàng ngày và chăm sóc Y Đông thật chu đáo. Đối với Y Thang, nàng lúc nào cũng là người tình tuyệt vời. Thế nhưng, mỗi khi chiều xuống, một mình trên núi, nhìn xuống bản làng phía dưới thấy sương giăng mờ mờ, nhà sàn đã bắt đầu “thở khói âm u”, là lúc Thăng buồn bã. Nhớ nhà, nhớ chiến hữu những ngày trận mạc gian khổ. Nhớ quay quắt. Nhớ điên cuồng. Nếu đừng có những vướng bận tâm trí không dễ dàng rũ bỏ được, thì Thăng có thể chấp nhận sống cuộc đời êm đềm, hạnh phúc này bên người vợ đẹp, hiền lành và đảm đang. Rồi hai người sẽ có một đàn cọp con dễ thương.

Hoa ban lại nở rộ. Núi rừng trắng xóa, như nàng sơn nữ vừa thay áo mới thật kiều diễm, nhắc nhở Thăng mùa xuân thứ ba đã đến. Chưa kịp uống rượu mừng tin vui Y Lênh đã có mang đứa con thứ hai, thì một biến cố xảy đến làm xáo động tâm trí và đời sống. Một buổi trưa, Y Thang đang ở trên nương, làm thay cho vợ những công việc nặng nhọc, thì thấy Y Lang tất tả chạy lên. Anh ta báo cho chàng biết là có hai người Kinh mặc quân phục, tự xưng là cán bộ, vào bản tìm gặp Già Bân để báo tin là “cả nước đã được ‘giải phóng’, nhà nước sẽ giúp đỡ các thôn bản ở vùng cao xây dựng một cuộc sống tự do, no ấm”. Y Lang quăng mạnh mẩu thuốc đang hút ra thật xa, hai bàn tay nắm lại, mặt cau có bực bội, nói tiếp : “Cha đã bảo với chúng nó là: xưa nay thôn bản chưa hề đói ăn, thiếu mặc; núi rừng bạt ngàn, ai cũng được ung dung đi lại. Người ở đây không cần ai giúp đỡ hay giải phóng gì cả !” “ Hai đàng giằng co, cải vả. Chúng nó giận dữ bỏ đi rồi. Coi chừng nó quay trở lại. Cứ ở trên này chờ. Tao sẽ lên báo tin thêm”. Nói xong, y quày quả đi xuống.

Thăng ngồi gục đầu, nỗi đau thương uất hận dâng trào. Chàng muốn hét lên một tiếng cho núi vỡ, mây tan. Vậy là hết thật rồi. Đường nào để về nhà, khi cả nước đã bị nhuộm đỏ. Lớn lên trong thời tao loạn, đáp lời kêu gọi của núi sông, Thăng đã khoác chiến y để làm một công việc cao quí là bảo vệ tổ quốc, ngăn làn sóng xâm lăng của quỉ đỏ phương Bắc. Chàng và chiến hữu đã làm hết sức mình trong sứ mạng được giao phó. Trong trận đánh cuối cùng, đàn mãnh hổ đồng bằng của chàng đã được đưa lên núi cao để làm sơn hổ, chưa kịp thi thố tài năng đã phải tan tác trong biển lửa kinh hoàng. Những cấp chỉ huy quân sự tối cao nhưng bất tài đã đưa nhiều đơn vị tinh nhuệ vào một chiến trường qui mô thiếu điều nghiên chu đáo. Cả một guồng máy tình báo quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ và Việt Nam làm ăn ra sao mà không biết được cạm bẫy của địch để điều quân vào cửa tử. Khi hai phe lâm chiến đã ở vào thế cài răng lược thì các ông tướng họp ở phòng tham mưu quần áo ủi hồ láng coóng, đầu vẫn đội nón gắn sao lấp lánh, đeo kính mát, tay cầm gậy gỗ mun hai đầu bịt vàng, chỉ chỏ, quẹt qua quẹt lại trên bản đồ, gấp rút ban lệnh thí quân bằng bom B.52 trải thảm. Có ai biết được bao nhiêu sinh linh đã oan thác trong cuộc tàn sát bất nhẫn và bi thảm ấy. Bao nhiêu năm anh dũng chiến đấu dưới cờ, cuối cùng là bại trận bi thương. Lỗi ở nơi ai ? Bây giờ, còn đâu lá cờ vàng thân yêu đã từng tung bay ngạo nghễ sau những chiến thắng lẫy lừng, người đời còn ghi nhớ. Hình ảnh của từng binh sĩ đã cùng Thăng vào sinh ra tử lần lượt hiện lên trong tâm trí, rất rõ nét, rất sinh động. Có những khuôn mặt nám đen khói súng, mắt mở trừng trừng. Có nhiều nụ cười thơ dại trên gương mặt dãi dầu sương gió …. Trên đường đào thoát, Sơn Phon đã ngã xuống trước mắt Thăng. Còn những đồng đội khác, tất cả chắc đã thành tro bụi trong trận bão lửa. Còn Chinh giờ này đang ở đâu. Không biết có thoát ra được không. Thăng thường nhớ đến Chinh và Phon nhiều nhất với câu hỏi mà chàng chưa tìm được giải đáp. Đó là : động lực nào đã thôi thúc một thiếu niên người Miên sống trong một sóc Khmer, chưa tới tuổi đi quân dịch và một thanh niên người Hoa giàu có, gia đình có dư tiền để mua một chân lính kiểng hay lính ma; đã tình nguyện vào Biệt động quân và mau chóng trở thành dũng sĩ, xem cái chết như không.

Thăng ngồi bất động như một pho tượng đá, chìm đắm trong nỗi buồn ray rứt. Hoàn cảnh đưa đẩy, tên bại binh giờ này thành một người rừng gởi thân nơi sơn cùng thủy tận, đã có một mái ấm gia đình riêng với vợ đẹp con ngoan. Đứa con thứ hai sắp ra đời, dù trai hay gái, chàng sẽ đặt tên là Y Nam, cho trọn hướng trở về như chàng đã mơ ước. Ngày về. Ôi, ngày về ! Chắc mãi mãi chỉ là giấc mơ. Cuộc sống ở đây rồi sẽ có những tai họa khó lường.Thăng nghĩ đến con đường Tây tiến để đi tìm tự do. Nếu chỉ có một thân một mình, chuyện băng đèo vượt núi để qua biên giới đối với chàng không khó lắm. Nhưng với một vợ hai con thơ, chuyến mạo hiểm sẽ ít có cơ may thành công. Một nửa hồn chàng đã gởi lại mái nhà xưa ở thành đô, nơi còn mẹ già cha yếu đang ngày đêm mong ngóng những đứa con yêu còn miệt mài nơi trận tuyến. Anh cả hiền lành là lính biển, anh hai nghệ sĩ mặc áo quân huấn, em trai là một cọp núi nhiều năm biên trấn. Anh em của Thăng, giờ này nếu còn sống sót, chạy đâu cho khỏi sự đày đọa sẽ dành cho kẻ chiến bại.

Tiếng kêu vang xa của bầy quạ đang bay về tổ kéo Thăng trở về thực tại. Bóng ác tà đã gác đầu non. Hoa rừng vẫn trắng sáng, đẹp rưng rức, lôi cuốn từng đàn bướm bay lượn dập dìu. Ngay trước mắt chàng, một chú bướm đen đang chập chờn. Một cánh bướm to với màu sắc lạ, hiếm thấy. Cánh nhung đen mướt, điểm những đốm vàng kim nhũ sáng lóng lánh. Bỗng dưng, chàng ước gì mình hoá thân thành cánh bướm đen này, để đêm nay bay về thành phố cũ tràn ngập ánh đèn, bay về ngôi nhà ấm cúng thăm cha mẹ và anh em cho thoả lòng nhớ nhung. Nhìn xuống đồi thấy Y Lang đi lên, đang giơ tay vẫy, Thăng đứng dậy, ngước nhìn trời xanh, muốn gào lên thật to :

“Ông Giàng ơi ! Ông còn giữ chân tôi ở đây đến bao giờ , hả Ông ?!”


VĨNH NGỘ
Post Reply