Thăm Tu Viện Kim Sơn

Post Reply
User avatar
uncle_vinh
Site Admin
Posts: 1861
Joined: 26 Feb 05, Sat, 2:56 pm
Location: CN13, AZ, USA
Contact:

Thăm Tu Viện Kim Sơn

Post by uncle_vinh »

Last edited by uncle_vinh on 16 Jun 06, Fri, 12:05 am, edited 1 time in total.
hong
Posts: 11
Joined: 11 Jun 06, Sun, 9:16 pm
Location: Phoenix, AZ

Post by hong »

Image

Anh SơnCN1 tình nguyện rửa chén... chùa sau bửa cơm chay trên Kim Sơn Tự

Image
User avatar
admindd
Site Admin
Posts: 469
Joined: 24 Feb 05, Thu, 7:19 am
Location: USA
Contact:

Post by admindd »

Thăm Tu Viện Kim Sơn
Bài của Thiện Tòng Đào Hữu Hạnh KSCN 5.

Tôi đáp xe đò Hoàng đi từ Little Saigon lúc 9 giờ sáng, lên tới San Jose vào khoảng 4 giờ chiều. Xe to, ghế rộng, khách toàn Việt Nam, lại thêm không khí điều hoà mát lạnh, TV chiếu nhạc hội tưng bừng, thật là tiện nghi và gợi nhớ...

Trong chương trình Đại Hội Kỷ Niệm 50 năm thành lập trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ, có ghi : sáng thứ 7 ngoạn cảnh San Francisco; sáng chủ nhật: viếng Tu Viện Kim Sơn.

San Francisco, một thành phố nổi tiếng với cầu treo Golden Gate, với những con đường đường dốc thẳng đứng, với hình ảnh buổi sáng sương mù lãng mạn, và được mọi người ở khắp nơi trên thế giới biết đến qua lời hát của danh ca Frank Sinatra, thập niên 60:
“ I left my heart in San Francisco, High on a hill, It calls to me...(tôi đã để trái tim ở lại San Francisco, trên ngọn đồi cao, Nó mãi gọi tôi...)

Người Việt Nam gọi là Cựu Kim Sơn. Nhưng thật ra, phải gọi là Cửu Kim Sơn mới đúng, bởi vì thành phố được xây dựng trên 9 ngọn đồi. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Trung Hoa di dân đến đây rất nhiều, cho đến nay vẫn chiếm một phần dân số khá đông, và đã đặt tên San Francisco theo tiếng Hán là Cửu Kim Sơn. Người Việt theo tiếng Hán-Nôm, nhưng sau quen miệng mà gọi là Cựu Kim Sơn. Nhưng cũng có thể, không nhầm lẫn, mà có chủ ý, bởi vì Cựu Kim Sơn, nghe lãng mạn, như một kỷ niệm sống mãi trong ký ức, gần với hình ảnh thật của thành phố hơn.

San Francisco là một thành phố có nhiều tương phản, người giàu có ở khu vực Nob Hill ở sát cạnh ngay với khu Tenderloin, dân nghèo. Ngay ở khu vực tòa đô chính, có nhiều người vô gia cư sống ở ngoài đường. Và hầu như, bất cứ người nào muốn ra ứng cử thành công chức vụ thị trưởng, đều phải có một chính sách bảo vệ những người vô gia cư, mới được sự ủng hộ của đa số cử tri.

Sau 1975, Trung tâm Cộng đồng Đông Nam Á (Southeast Asian Community Center) đã được thành lập để giúp tiếp nhận và tái định cư người tỵ nạn tại thành phố này. Trung tâm này đã đưa người tỵ nạn mới tới ở trong một chung cư rẻ tiền thuộc khu vực Tenderloin, một khu vực mà tất cả các cuốn sách hướng dẫn du lịch đều gọi là “the worst neighborhood, khu tệ hại nhất” của San Francisco. Cũng như nhiều hoàn cảnh tỵ nạn Việt Nam khác ở khắp nơi trên nước Mỹ, ở đâu, quen đó, rồi cuối cùng mọc rễ, lập nghiệp lâu dài ở đó luôn.

Người Việt, người Lào, và người Cam bốt tỵ nạn, sống ở trong khu chung cư lịch sử đó, tỏa ra tìm việc làm, rồi dần dà đi vào buôn bán, lập nên những hàng quán. Vì giá nhà đất ở San Francisco cao, cho nên không có số lượng người Việt ở nơi khác tới, mà chỉ có, đa phần là người Việt tỵ nạn nguyên thủy sinh sống tại đây. Họ phải bương chải, sống và tranh đấu trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Ra đường gặp toàn dân Mỹ nghèo, đứng đường, hút thuốc phiện, bán ma túy, và đĩ điếm ngập tràn. Đến nỗi, chính quyền phải lập ra những công viên bé tí teo, hàng rào có khóa, ở những góc đường, dưới bóng của các chung cư cao tầng, để cho trẻ em tới chơi, tránh đụng chạm với thực tế xã hội.

Thành phố San Francisco, đối với người Việt quốc gia chân chánh, còn là một thành phố lịch sử chính trị vì chính nơi đây, vào đầu tháng 9 năm 1951, 51 quốc gia đã từng góp công trong cuộc chiến đấu chống Nhật Bản trong Đệ nhị thế chiến, tới tham dự Hòa hội Cựu Kim Sơn theo lời mời của chính phủ Hoa Kỳ, để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh và mở bang giao với Nhật. Trong hòa hội, vấn đề chính là thảo luận bản dự thảo hòa ước do Anh Mỹ đề nghị ngày 12-7-1951. Ngày 8-9-1951, các quốc gia tham dự hội nghị, ngoại trừ Nga và một số nước đàn em, đã ký một hòa ước với Nhật Bản. Điểm đáng chú ý là cả hai phe Quốc Cộng Trung Hoa đều không được mời tham dự hòa hội.

Tại hòa hội, Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam, ông Trần Văn Hữu, đã đọc bản tuyên bố xác định chủ quyền đã có từ lâu đời của Quốc gia Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

San Francisco còn nổi tiếng với chiếc cầu treo Kim Môn - Golden Gate - nơi mỗi buổi hoàng hôn, ánh nắng chiếu ngang, mặt trời sắp lặn, chiếc cầu treo vĩ đại nhuộm phủ một màu vàng kỳ ảo. Từ đó nảy sanh quyết định sơn màu da cam toàn thân cây cầu.

Cầu được bắt đầu xây cất vào năm 1933, dưới thời Tổng-thống Roosevelt. Bốn năm sau, 1937 mới hoàn tất. Đây không phải là một cây cầu dài, vì nó chỉ có 2.737m. Bề ngang 27m, nhưng việc đáng nói là chiếc cầu nặng 811.500.000 kg được treo trên 2 dây cáp. Cây cầu treo bằng 2 dây cáp chính buộc chặt ở hai đầu cầu rồi gác lên trên 2 tháp cao ngoài biển, mà đỉnh tháp cách mặt nước tới 227m. Từ cầu xuống nước là 67m.( Treo vì muốn nâng cao để tàu lớn giao thông qua lại. Đây là hành lang thủy đạo nối liền Thái-Bình-Dương với vịnh Cựu-Kim-Sơn). Sợi dây cáp có đường kính 0m92 được bện bởi 61 tao kim khí, do 27.572 sợi thép kết lại. Chiều dài của dây kim loại dùng trong 2 dây cáp là 129.000 km và chỉ nội công tác bện 2 dây cáp này đã mất 6 tháng, 9 ngày ( cóp dữ liệu từ bảng dựng ở đầu cầu). Để sơn cầu, phải dùng hết 37.800 lít sơn màu cam. Ngày khánh thành 26.5.1937 chỉ cho người đi bộ qua cầu thôi. Trên 200.000 người đi qua trong 12 giờ đầu tiên. Ngày hôm sau tới phiên xe hơi, trong ngày đếm được 32.300 chiếc. Kỹ sư trưởng đảm nhận công trình xây cất là Joseph Baerman Strauss và cũng là người đã suy nghĩ suốt 22 năm để vẽ ra kiểu mẫu cây cầu. Sách cho rằng Golden Gate là một công trình có kiến trúc kỹ thuật xuất sắc, hùng tráng, vĩ đại và được yêu chuộng nhất của nước Mỹ.

Cầu Golden Gate có sức quyến rũ đặc biệt đối với mọi người bình thường như chúng ta đã đành, nó cũng là nơi hấp dẫn đối với những người muốn đi tìm cái chết nữa. Hơn bất cứ nơi nào trên đất Mỹ, mỗi năm có khoảng 300 người đổ về đây tự vận. Có thể họ là những kẻ lãng mạn, muốn gieo mình từ độ cao 220 feet xuống mặt biển Thái Bình Dương êm đềm, thơ mộng...

Trên cầu Golden gate
Gío rít từng cơn góc trời lưu lạc
Thấp thoáng cánh buồm chao đảo cuộc long đong
Sóng xô đẩy nước xuôi dòng
Đời xô ta cuộn quay vòng phù sinh

(Vũ Quyên)

Phía Nam San Francisco là thành phố San Jose, nơi diễn ra Đại Hội 50 Năm Thành Lập Trường và cũng là nơi hiện đang sinh sống của 120 ngàn Việt tị nạn.

Vào Thế Kỷ thứ 16, San Jose là vùng đất hoang dã. Phải đến năm 1720 mới có dấu vết của con người. Ngày 21 tháng 5-1737 các di dân định cư tôn xưng [ thánh ] Saint Josef và danh hiệu San Jose đã trở thành lịch sử. Hơn 100 năm sau, vào năm 1849 thành phố San Francisco mới thành lập. Kế tiếp ngày 27 tháng 3-1850 tiểu bang California được công nhận và chọn San Jose là thủ đô đầu tiên của California.

Trong số 9 đô thị của Vùng Vịnh Cựu Kim Sơn thì San Jose đất rộng nhất nhưng người thưa nên suốt gần 200 năm vẫn phải đóng vai đàn em San Francisco. Các bạn có thể đã biết rằng đội banh cà na 49er của Cựu Kim Sơn đã lấy con số 1849 kỷ niệm năm San-Franc ra đời và trở thành đô thị số một của miền Viễn Tây. Du khách đến San Francisco không ai biết đường đến San Jose cho đến khi nữ ca sĩ da đen Dionne Warwick đã làm rung động tim người với bài ca nhạc POP : “Do you know the way to San Jose, I've been away so long, I may go wrong and lose my way”. (Bạn có biết đường về San Jose hay không? Tôi đã đi xa từ lâu, nay có thể lạc lối về) . I'm going back to find some peace of mind in San Jose...

Ðúng như vậy, hơn 30 năm trước, những người Việt di tản đã đến San Jose để tìm một chút bình yên, bỏ lại sau lưng một nước Việt buồn.
Vào thời kỳ cuối thập niên 70, San Jose còn những cánh đồng đầy hoa vàng. Xa lộ 87 và 680 đang xây cất. Ngày nay hoa vàng chỉ còn trong kỷ niệm. Cả một khu down town tráng lệ mới mẻ đã dựng lên do tiền bạc thế giới đổ về như nước của cả một thời vàng son đã làm thành cái nôi của Thung Lũng Ðiện Tử.

Dân số San Jose bây giờ lên đến trên 900 ngàn dân, đông hơn San Francisco và được coi là thành phố lớn an toàn nhất nước.
Nhà cửa cũng đắt đỏ hàng đầu quốc gia với lợi tức chung của một gia đình là $76,181 Mỹ Kim một năm.

Sự phồn thịnh của San Jose chắc chắn đã có sự góp mặt của người Việt suốt hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, đợt di dân đông đảo của người Mỹ từ miền Ðông đến San Jose đã xẩy ra từ hơn 100 năm trước.
Ðúng vậy. Hơn 100 năm trước có một gia đình di dân từ Kentucky về San Jose. Chồng là bác sĩ, vợ là nhà hoạt động xã hội. Họ là những tay phiêu lưu đi tìm đất lành như chúng ta, đến từ Thái Bình Dương. Câu chuyện về gia đình này lập nghiệp ở San Jose là câu chuyện thường tình, nhưng rất tiêu biểu. Năm 1899, họ mua được một ngôi nhà rộng đẹp tại San Jose với giá 7,000 đồng. Ngôi nhà này bây giờ trị giá trên một triệu đồng. Lúc đó đi nhổ răng phải trả tiền mặt cho nha sĩ là 5 đồng. Nhưng thực phẩm ở vùng này thời ấy còn thiếu nên phải mua 3 đồng một con gà và 3 đồng một tá trứng gà. Giá gà và trứng hiện nay vẫn còn y nguyên như cũ ( nguyễn y vân ) nhưng giá nhà thì tăng lên gấp 100 lần. Bà bác sĩ hoạt động thiện nguyện cho nhà thờ cho đến khi về già , dân chúng kính trọng gọi là Grandma. Thành tích gây quỹ xã hội của Bà, có lần lên đến 100 Mỹ kim. Tên của bà vẫn còn đến ngày nay và người Việt nào cũng nhắc đến mà không hề biết rõ. Ðó là gia đình Bascom. Trên con đường Bascom có nhà thương Bascom nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam.

Từ thời của gia đình Bascom, dân số San Jose chỉ có 25,000 cho đến nay thành phố gần triệu dân, đã có biết bao nhiêu thay đổi. Những mẩu chuyện vụn vặt rất lý thú về người Việt đến Bắc Cali trước 75, trong thời kỳ 75 và sau này, có ghi chuyện hai vợ chồng một gia đình Việt Mỹ ( chồng Mỹ) bán đồ nhà binh tại chợ trời Capitol. Ông chồng là cựu chiến binh ở Việt Nam. Ông kể rằng các cựu quân nhân có vợ Việt về cư ngụ tại địa phương này trước năm 75, có quen biết nhau, nên thường sinh hoạt chung thành nhóm vài chục người. Ông hãnh diện cho biết rằng chỉ còn lại rất ít như gia đình của ông bà, vẫn ở với nhau đầy tình nghĩa chung thủy Việt Mỹ. Ðợt tỵ nạn từ 75 đã đem lại cho quý bà quý cô đang nhớ nhà, cả một chân trời quê hương bỏ lại. Các bà dẫn chồng Mỹ về thăm trại Pendleton ở Nam Cali để làm công tác xã hội, tìm người thân, hoặc là chẳng làm gì cả, chỉ cốt đi xem người Việt tỵ nạn, đón về nhà, mời ăn uống, tìm Sponsor. Và sau cùng thì đa số quý bà Việt Nam đều lá rụng về cội. Ði theo tiếng nước tôi, ta về ta tắm ao ta, để lại cho các ông chồng Mỹ ngơ ngẩn với những chai nước mắm dở dang. Như vậy, nếu về chính trị và quân sự, Mỹ bỏ Việt Nam thì qua lãnh vực tình yêu và gia đình, đa số Việt Nam đều bỏ Mỹ...

Còn người Việt đến Hoa kỳ trong đợt 75 thì ai là người đến San Jose đầu tiên. Một ký giả Hoa Kỳ đã viết một bài trên báo San Jose Mercury News ngày 24 tháng 4-1975 đề cập đến nhóm gia đình 154 người, đi máy bay World Airway, trực tiếp từ Sài Gòn đến San Francisco. Ða số quý vị này hiện đã thành đạt và vẫn còn cư ngụ trong vùng. Nhóm gia đình sớm sủa đến Mỹ gồm có các ông cựu Tổng trưởng Kinh tế Nguyễn Kim Ngọc và ông Dân biểu Ngô Trọng Hiếu.

Về văn hóa ẩm thực thì phải nói rằng các thức ăn căn bản của các sắc dân không đâu ngon hơn California, gồm cả thực đơn Việt Nam. Hamburger ở Cali ngon hơn ở Ðức, Pizza ngon hơn ở Ý, Vịt Bắc Kinh ngon hơn ở Bắc Kinh, Tacco ngon hơn ở Mễ. Bánh Tôm Cổ Ngư ngon hơn Cổ Ngư Hà Nội, Chả Cá ngon hơn ở Thăng Long. Ðó là ý kiến của những quý vị đi ta bà khắp bốn phương trời về nói lại. Và đặc biệt là món phở. Dù cho đi bốn phương trời hay về cả ở ba miền Trung Nam Bắc VN, khi trở lại Hoa Kỳ, ai cũng nói: “ Phở Cali là nhất ”.

Về lãnh vực kinh tế và thương mại, Bắc California có khả năng tiềm ẩn rải rác từ Sacramento, San Francisco, Oakland, San Jose đến Milpitas. Ðã có nhiều khu thương mại Á Châu và Việt Nam nhưng không tạo thành một Little Saigon quy mô như tại Orange County. Dù vậy, tại San Jose cũng có các khu thương mại Việt Nam ngay tại Down Town, khu Senter, khu Tully hoặc tương đối văn minh như khu Grand Century ở góc đường Story...

Hơn 20 năm trước, 2 bên đường phố tại San Jose toàn là đất trống với hoa vàng rực rỡ. Ðó là lý do người Việt gọi là Thung Lũng Hoa Vàng. Suốt 2 thập niên ngành điện tử nở hoa kỹ thuật. Ðất trống trở thành hãng xưởng. Hoa Kỳ gọi đây là Thung Lũng Ðiện Tử. Hầu hết 80% người Việt làm cho các hãng điện tử. Ða số chồng là Technician và vợ làm Assembly. Ca dao Tị Nạn có câu :

“Ở đây chồng tách vợ ly
Chung nhau một’ síp’ còn gì sướng hơn”...

Rồi tiếp đến thế hệ kế tiếp, con cái tốt nghiệp đa số vào làm kỹ sư.

Cùng với ngành điện tử phát triển, Việt Nam nhẩy vào làm ăn trong lãnh vực xe lunch. Chồng lái xe, vợ nấu bếp. Hàng trăm xe lunch ngược xuôi bán bữa ăn trưa cho nhân công các hãng. Thoạt đầu thuê xe, sau lên làm chủ xe và có vài người làm ăn lớn, trở thành chủ bãi. Ðây là các cơ sở Parking và tiếp liệu cho hàng trăm xe lunch. Hiện tại SJ có một công ty lớn của người Việt họ Lê với danh hiệu Lee's Sandwich, đưa bao bánh mì vĩ đại lên các nóc tiệm để làm huy hiệu tiêu biểu cho ngành Fast Food Việt Nam, chinh phục thị trường Mỹ.

Còn khá nhiều trường hợp điển hình khác nữa...

“Sóng xô đẩy nước xuôi dòng,
Đời xô ta cuộn quay vòng phù sinh

( thơ Vũ Quyên)

Vâng! Thưa quý Bạn. Phù sinh một kiếp, cầu duyên nghìn trùng? San Jose còn có khá nhiều chùa. Nào là Pháp Duyên Tịnh Xá, nào là Bửu Hoa Thiền Tự, An Lạc Tự, Đức Viên Tự, Đạo Tràng Duyên Giác, Như Lai Đại Nhật, Quảng Đức Tự v.v... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Kim Sơn Thiền Viện mà Phật tử khắp nơi thường gọi là Tu Viện Kim Sơn.

Image

Tu viện tọa lạc trên đỉnh núi hùng vĩ Madonna thuộc vùng Watsonville, CA , chiếm một diện tích 30 mẫu, cách khoảng 1 tiếng dồng hồ lái xe từ San Jose.. .Ðường lên tu viện nhỏ và ngoằn ngoèo như một con rồng khổng lồ uốn mình theo sườn núi, những ngã ba, ngã tư dọc đường tỏa ra như những chân rồng, sẵn sàng đưa các bạn đi lạc vào những công viên rợp bóng. Đường lên tu viện có khúc bao phủ toàn thông, ánh nắng xuyên những vệt sáng quyện hơi sương trắng đục làm nhớ lại tranh thủy mạc. Những bạn nào một thời ở Dalat, gia nhập hướng đạo, sẽ tìm thấy núi rừng Lâm Viên nơi Viễn Xứ. Càng lên cao gần đỉnh núi, dân cư càng thưa thớt, và không khí càng mát và dễ chịu, khác hẳn với sự đông đảo và nóng bức tại San Jose. Sự mát mẻ có một phần nhờ không khí trong lành của cao độ, một phần nhờ vô số những cây Đan Mộc (redwood) to nhỏ chen chúc mọc dọc đường.

Đây rồi, bảng chỉ Tu Viện Kim Sơn. Ngó ngay vào thì thấy tượng Di Lặc đồ sộ đang nhoẻn miệng cười. Ôi sao hỷ lạc. Sau lưng Ngài là bãi đậu xe mênh mông.

Vừa bước vào cổng tu viện, Phật tử thấy ngay Ðan Mộc Ðường, thiền đường lộ thiên lớn nhất của tu viện. Thiền đường có thể chứa hơn một ngàn thiền sinh và phật tử. Bên phía trái của thiền đường là một tượng Phãt nho nhỏ màu nâu xậm, ẩn hiện giữa những cây redwood xum xuê. Giữa thiền đường là chánh điện với một tượng Phãt trắng lớn. Dưới chân Phật là một bục gỗ có đủ chỗ cho khoảng 12 tăng chúng đảnh lễ. Hai bên thiền đường có hai bình hoa lớn, trong đó muôn hoa đua nhau khoe sắc. Trong những ngày lễ lạc, tu viện trải ra rất nhiều chiếu cho hàng trăm phật tử tham dự Phật sự. Ðiểm đặc biệt nhất của Ðan Mộc Ðường là thiền đường này có hàng trăm ghế bằng gỗ đốn từ các thân cây Đan Mộc (redwood) trên núi. Nhìn các ghế gỗ này xếp theo vòng tròn, chúng ta không khỏi tránh được sự liên tưởng tới những phim võ hiệp Tàu, có Tiên ông ngồi trên ghế gỗ uống trà đàm đạo. Bên trái của Ðan Mộc Ðường và đường lộ chính dẫn vào tu viện là một sân tráng xi-măng lộ thiên. Trên sân này, dưới sự hướng dẫn của thầy viện trưởng, đã có hàng ngàn thiền sinh, phật tử thiền hành mỗi sáng sớm, trước khi mặt trời mọc.

Băng qua sân tập khí công, dọc theo hành lang của chánh điện, Phật tử được dẫn tới cửa trước của chánh điện. Nơi đây, nhìn thẳng vào, sẽ thấy bàn thờ Phãt rất trang nghiêm và tao nhã. Tượng Phật vàng chói, to cao. Chung quanh tượng Phật có những bình hoa muôn màu, những chân đèn và nến rất to đẹp. Sát chân bàn thờ ,có 3 bệ gỗ kê sát nhau. Bệ chính giữa dành cho vị chủ sám , bệ bên phải cho chư tăng, bệ bên trái cho chư ni. Ðằng sau chánh điện là tổ đường, với bàn thờ tổ và tượng tổ Bồ Ðề Ðạt Ma. Trong khóa tu, các thiền sinh đã thường dùng tổ đường làm nơi pháp đàm. Từ cửa chính của chánh điện nhìn ra ngoài, bên trái là một hồ nước, một hòn giả sơn, và một cây cầu, tất cả đang trong vòng sắp hoàn tất. Tu viện hiện đang xây một hệ thống lọc nước thiên nhiên giữa các hòn giả sơn để có nước lọc uống.

Bên phải của chánh điện là một vườn hoa đẹp như vườn thượng uyển. Nhìn xa xa theo tầm mắt, buổi sáng có những đám mây hồng nhiều màu sắc, trông như những đợt sóng bềnh bồng trên biển; buổi tối có ánh đèn điện của thành phố Monterey lấp lánh so màu với những ánh sao trên trời, tạo thành một cảnh đẹp thiên tú. Bên mặt của chánh điện là văn phòng và nhà bếp của tu viện. Văn phòng tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng, được trang bị với một hệ thống điện toán đủ cho nhu cầu của tu viện.

Trước mặt nhà bếp và bên cạnh sân xi-măng tập khí công có nhiều dãy bàn và ghế, đủ chỗ ngồi ăn cơm cho hàng trăm thiền sinh dưới bóng mát của nhiều cây redwood. Bên mặt của văn phòng, đằng sau Ðan Mộc Ðường là hậu liêu của viện trưởng. Phía trước là một sân trải sỏi trắng rất đẹp, với một vài chiếc ghế xếp gọn ghẽ bên hàng ba. Ðằng sau liêu sừng sửng 3 tháp đựng nước vĩ đại sơn màu xanh lá, có dung tích 20 ngàn gallons. Ngoài ra cón có một giếng nước có thể cung cấp 50 gallon một phút.

Mỗi sáng sớm, sau giờ công phu ngồi thiền và tụng kinh, đại chúng thường đi thiền hành. Con đường quanh co theo triền núi, lên đèo xuống dốc, ẩn hiệm giữa nhửng tàng cây Đan Mộc và Ngàn Thông thơm ngát, hoa cỏ bạt ngàn. Dọc theo con đường kinh hành , muôn hoa đua nở và có rất nhiều những am cốc khiêm nhường, ẩn hiện dưới những tàng cây redwood thật dễ thương. Một vài cốc có chiếc cầu thang nho nhỏ dẫn lên. Rất nhiều cốc xây trên sườn đồi, nhìn xuống thung lũng đầy lá vàng vi vu thông reo và redwood phe phẩy. Không gian! Ôi sao tĩnh mịch.. Tiếng chuông thu không ngân vang vọng trìu mến, thanh âm quyện núi đồi. Chúng sanh tâm tịnh đắm...

Tiếng chim ríu rít ngàn thông, tàng lá, âm thanh trầm bổng khác nhau, chứng tỏ chim tu viện có nhiều loài. Không biết ở những nơi khác chúng có đánh nhau vì phân biệt chủng loại hay không nhưng ở đây thì tuy khác giống, chúng đều có vẻ rất “biết điều”. Con nào hót cứ hót, con nào đậu bên cạnh rỉa lông cứ rỉa lông. Con đang hót không bất mãn “Tôi hót hay như thế, anh không biết thưởng thức mà đứng rỉa lông! Đàn gẩy tai trâu à?”. Ngược lại, con đang rỉa lông cũng không phiền “Tôi đang bận rộn chải đầu rũ áo, anh đi chỗ khác hát hò được không?”

Khi có Phật tử ngồi vào ghế ăn, thì đám sẻ bao giờ cũng xà xuống trước nhất, van xin thức ăn thừa như tạo duyên thực hành hạnh bố thí. Chúng rất lịch sự, con tới trước ăn trước, con tới sau ăn sau, kiên nhẫn xếp hàng như người Mỹ vậy. Oanh và yến thì chê cơm, thỉnh thoảng vụt cánh xuống vườn rau, bên hông hồ. Chỉ có đám cu đất là ăn tạp, bánh trái gì còn dư thảy ra bãi cỏ là chúng gọi nhau thanh toán sạch.

Ô kìa, tiếng thu không lại ngân vọng! Người, chim, cây cỏ, gặp nhau nơi đây, tưởng như tình cờ (nhưng vạn hữu mầu nhiệm này làm gì có tình cờ, phải từ những duyên ngầm mới thấy được bằng mắt ưa phân biệt, bằng tâm ưa lý luận). Nào phải vậy, ta và chúng- chim muông, súc vật, hàng cây, bụi cỏ, những viên sỏi, những ụ đất- ta biết chúng và chúng biết ta rất rõ, có khi biết hơn cả những người tưởng là thân yêu, ruột thịt! Nghe có vẻ hơi cay đắng nhưng bình tâm một chút thì thấy sự thật này rất khách quan. Vì sao ư? Vì giữa ta và chim muông, cây cỏ có đòi hỏi gì nhau đâu! Nghĩ đến nhau thì tử tế với nhau, không thì cũng chẳng ai trách ai! Vì không đòi hỏi nhau, ta mới có nhau một cách nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn, thân thiện hơn.

Nếu địa ngục là cõi tịnh độ của Đức Địa Tạng ( vì Ngài phát đại nguyện quyết không về cõi Niết nếu một chúng sanh còn bị đọa lạc) thì Hoa Kỳ quả là cõi Tịnh Độ của chính tôi. Với tuổi đời thoát vòng “ thê noa tử phược “, tôi thơ thẩn với thiên nhiên nhiều hơn. Thường thì buổi sáng, rải thức ăn cho chim xong, tôi đãi mình một ly cà phê hoặc trà xanh; rồi ôm một cuốn sách ra ghế xích đu dưới gốc cây ngồi đọc. Thế là đủ thấy Thiên Thai, cần gì phải “lạc lối” mới tới được Thiên Thai như hai ông Lưu Nguyễn vớ vẩn nào đó!

Cũng từ những sinh hoạt thầm lặng với vạn hữu nơi đất lành này mà thỉnh thoảng tôi may mắn bắt gặp những “tia chớp cảm xúc” (đốn ngộ). Tôi gọi là những tia chớp, vì cảm xúc khi có, đều tới rất mạnh và qua rất nhanh. Sau đó, tôi thường ngồi thừ ra, chảy nước mắt vì cảm động. Chẳng hạn như, trong Kinh A Di Đà, tôi đã tụng ngàn lần câu:

“ Phục thứ Xá Lợi Phất! Bỉ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu, tạp sắc chi điểu: Bạch-hạc, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng-mạng chi điểu, thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm, kỳ âm diễn xướng: ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp, kỳ độ chúng sanh, văn thị âm dĩ giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”

Vì tụng nhiều lần, tôi đã thuộc lòng. Chính sự thuộc lòng này là con dao hai lưỡi; nghĩa là thuộc, nên miệng nhanh nhẹn đọc lên mà tâm chưa đọc kịp! Nếu tôi sớm đọc được bằng tâm thì ngay đoạn kinh này cũng đã quá đủ để kẻ vô minh như tôi nhận ra là tôi đang được sống trong cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Ngay nơi đây, ngay nơi “đất lành chim đậu” này chứ có phải phương Đông, Tây, Nam, Bắc nào đâu! Thế mà tôi phí cả mấy mươi năm đi tìm hạnh phúc...

Lại tiếng đại hồng chung ...lòng càng chùn xuống, không gian ngưng đọng, tôi với đất trời bơ vơ...Trong im lắng cả thân và tâm ấy, tôi nghe thấy tiếng chim. Tôi vừa đề cập đến chim, giờ cũng tiếng chim, nhưng hoàn toàn khác lạ. Tiếng chim ư? Chắc chắn là thế. Tôi đã từng nghe tiếng chúng hoài. Chúng đang trên cành thông, nhành lá kia. Những chiếc mỏ nhỏ xíu đang ríu rít làm lay động lá thi6ng, làm ngạt ngào hương phấn. Giờ sao như chúng hót rất dịu dàng, trầm bổng như một ban hợp xướng đang chăm chú theo một giòng nhạc nào. Rồi tiếng chúng bỗng nhỏ dần .... và ngưng. Không gian bỗng vút lên âm thanh trong trẻo và réo rắt của giòng nhạc khác! A! đó là cặp chim oanh vừa ghé cánh trên khóm quỳnh lan. Chúng chờ đám sẻ im tiếng mới cất giọng hót, hay là tất cả đã cùng nhau tập dượt bản hợp xướng này? Bản hợp xướng này là gì mà có thể khiến người-thính-giả-tình- cờ cảm thấy như có giòng suối mật chảy lan trên từng tế bào? Ôi, thật là ngọt ngào! Thật là trong! Thật là mát! Thật là kỳ diệu! Thật là từ bi! Thật là ... bất khả tư nghì! Thính giả mơ màng nghe thấy đâu đây:

“Này Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc của Phật A Di Đà thường có những loài chim mầu sắc xinh đẹp như Hạc-trắng, Khổng-tước, Anh-võ, Ca-lăng-tần-già, Cộng-mạng. Những giống chim đó ngày đêm sáu thời, thường hót lên tiếng hót thanh tao, diễn xướng các pháp môn như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần v...v... khiến người nghe được những âm thanh ấy đều khởi lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.

Đó là đoạn văn kinh chữ Hán mà tôi đã thuộc lòng, đã tụng bằng miệng mà chưa từng bằng tâm. Giờ phút này, tâm tôi đang khởi lên rọ ràng từng nét chữ Việt.
Từ đâu vậy? Từ duyên khởi chương trình Đại Hội Kỹ Sư Công Nghệ chăng ? Nhưng chắc chắn là từ cõi tịnh độ Tu Viện Kim Sơn hằng hữu.

Tôi chắc chắn đang được nghe chim thuyết Pháp vì chỉ những lời pháp diệu âm mới chan hòa ánh sáng Vô Lượng Quang và cho tôi những lạc thọ vô biên này. Thày đã từng dạy tôi “Nếu biết nhìn sâu sắc thì vạn hữu, muôn loài đều có ứng thân và pháp thân. Ứng thân là thân hiện hữu nơi cõi ta-bà, nhin thấy được bằng nhãn căn. Pháp thân là biểu hiện nhiệm mầu mà khi tâm đạt tới thể trong sáng nguyên thủy thì ta sẽ cảm nhận được. Sự cảm nhận này là kinh nghiệm của từng cá nhân, không ai diễn tả lại cho ai mà cảm được”

Ôi, Thầy sao nói khó hiểu thế, tôi nghe rồi, và cũng tưởng đã quên rồi. Có ngờ đâu, lời Thầy là những hạt bồ-đề gieo xuống ruộng-tâm-tôi, đầy cỏ dại. Một lúc nào tỉnh ngộ, gắng công khai quang thì hạt lành ấy có cơ duyên nẩy mầm, phải không thưa Thầy? Hỡi bầy chim thân yêu trên ngàn thông nhánh lá, các bạn không cần phải mang những tên gọi đẹp đẽ như Bạch-hạc, Khổng-tước, Anh-vũ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già ..... nhưng tôi cũng đã nghe được các bạn thuyết pháp rồi. Còn các bạn, có cảm nhận được sự biết ơn của tôi không? Ồ, tôi lại hỏi một câu vô minh nữa! Vạn hữu mênh mông, các bạn có cánh, tôi có chân và chúng ta cùng có tự do. Nếu không thuận hòa, giao cảm được với nhau thì ai trói buộc chúng ta vẫn ở cùng nhau chứ! Sự giao cảm này còn gì khác hơn là điều chúng ta đã từng cùng nghe lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết trong Pháp-hội Liên-Trì:

“Xá Lợi Phất! Ngã kiến thị lợi, cố thuyết thử ngôn, nhược hữu chúng sanh văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ”.

Câu kinh đó, ngôn ngữ nước tôi dịch là thế này: “Xá Lợi Phất! Vì thấy được sự ích lơi lớn lao khi sanh về cõi nước Cực Lạc nên nay ta bảo quý vị rằng, những ai đang nghe ta nói đây, hãy nên phát nguyện sanh về cõi nước ấy”.

Còn tiếng của giống chim các bạn thì dịch ra sao? Các bạn vũ cầm hãy cất tiếng đi, thế nào tôi cũng nghe và hiểu được mà.
Tôi liên tưởng ngay đến bài pháp khi xưa Đức Phật đã thuyết cho nhà vua Pasenadi nghe về bốn ngọn núi bao quanh. Đức Phật hỏi vua “nếu trong cùng một lúc, quân lính ở bốn cửa thành đông, tây, nam, bắc cùng chạy về cấp báo rằng có bốn ngọn núi vĩ đại từ bốn phía đang lừng lững tiến về kinh đô và càn quét mọi thứ khi núi đi qua. Nghe tin dữ đó thì Bệ Hạ sẽ làm gì?” Sau một thoáng ngỡ ngàng, nhà vua thành thật thưa rằng “Con sẽ sống thật xứng đáng những thời gian cuối ngắn ngủi đó.” Nghe thế, Đức Phật mới mỉm cười từ ái mà bảo rằng “Bốn ngọn núi đó chính là sinh, lão, bệnh, tử đấy. Tuy mọi người đều biết không ai qua khỏi cái chết nhưng vẫn không ngừng tranh giành, thù hận, dẫm đạp lên nhau mà phải đợi khi cái chết đến kề mới tỉnh ngộ lẽ vô thường.”

Chính bài pháp ngắn này đã là tha lực từng giúp tôi thêm ý chí để hòa đồng, chia xẻ với tha nhân trong đời sống vốn quá nhiều phức tạp này. CHO đã khó, NHẬN còn khó hơn nếu ta không hiểu được giá trị của “cho” và “nhận” trong Lục Độ Ba La Mật thì chúng ta sẽ chẳng thể hiện được từ ái với nhau trong quãng đời vô thường ngắn ngủi...

Thầy Tuệ Sỹ đã có lần viết:

“Anh cúi xuống, nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông Phương”.

Núi rừng hợp tấu, mấy ai đã biết nghe ! Nơi tu viện nầy, trên đỉnh Madonna ở Watsonville, California , USA, gió luồn khe lá, đỉnh nhuộm hơi sương làm sao “ngộ” được bản tình ca vô tận của Đông Phương?!
Khi xưa, trong tăng đoàn của Phật có Đại Đức Baddhiya từng là quan tổng trấn quyền uy tột bực nhưng đã rũ bỏ hết giầu sang danh vọng để theo Phật tu học. Tại rừng Trúc Lâm, Đại Đức Baddhiya cùng Đại Đức Kassapa phát nguyện chỉ thiền quán và ngủ ngoài rừng cây chứ không dựng am thất. Một đêm, sau giờ thiền tập, Đại Đức Kassapa nghe bạn mình thốt lên: “Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc!” Một vị sa môn đạo hạnh thường lặng lẽ chuyên cần thiền định mà thốt lên lời bộc phát niềm hân hoan là điều khá bất thường. Hạnh phúc nào mà lớn lao đến thế? Hạnh phúc đó chính là phút nhận chân được sự tự do, tự tại, thanh thản mênh mang tuyệt đối, như nhà bác học Archimede bật kêu lên khi tắm :” Eureka! Eureka!”. Đại Đức đã nhận ra khi còn là quan Tổng trấn quyền uy, nhưng lúc nào cũng mơ hồ thấy sự hiểm nguy, sợ hãi vây quanh. Bây giờ, ngủ giữa rừng cây, bao quanh là núi, trên trời là sao, tâm chánh định an nhiên nên chẳng có gì để sợ, bạc tiền danh vọng không buộc ràng nên chẳng có gì để mất. Vững chãi như núi rừng, vằng vặc như trăng sao, mênh mông như vạn hữu, tất cả, tuy thầm lặng mà quyện vào nhau, hùng tráng vô song, làm sao mà núi rừng ấy, trăng sao kia chẳng hợp tấu thành bản tình ca vô tận ?

“Núi vẫn đó, rừng vẫn đây tự ngàn năm hùng vĩ nhưng có phải ai cũng nghe thấy núi rừng hợp tấu đâu! Người nghe được bản trường ca vô tận của Đông Phương là người còn phải thấy, núi không chỉ là núi, rừng không chỉ là rừng mà rừng núi đó chính là quê hương, là dân tộc, là tình người, là những gì thiêng liêng bất diệt như muôn sông ra biển, như sóng vỗ bờ lại trở ngược đại dương.”

Nơi đây, giây phút nầy, tôi đang nghe bản tình ca muôn thuở , bản tình ca vô tận của Đông Phương. Tôi nghe trong tôi nhịp thở của Trường Sơn. Phải rồi, Trường Sơn, dãy núi sóng lưng của sơn hà tộc Việt. Ôi, Trường Sơn từng oằn mình gánh chịu bao mưa gió phũ phàng của đất trời, bao oan khiên vùi dập của lòng người vô minh, nhưng Trường Sơn vẫn sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt.

Trường Sơn là “xương sống” của giải đất hình chư S mà tiền nhân chúng ta đã đổ bao xương máu dựng nên và gìn giữ. Trường Sơn như người cha dũng cảm, như người mẹ nhu hòa luôn có đó, vì con và cho con. Nhưng người con là ai? đi đâu mà đi miệt mài mãi? Chúng ta đã cùng lúc nhận ra người đó chính là chúng ta, là muôn triệu người Việt Nam đang quẩn quanh, thống khổ ngay trong lòng đất mẹ! Cùng với muôn triệu bóng đen âm thầm, lầm lũi đi giữa lòng quê cha đất mẹ mà sao như đi giữa âm ty? Sao phố thị ngột ngạt? Sao rừng sâu cạm bẫy? Sao suối cạn? Sao máu lệ tuôn tràn tức tưởi những con sông?

Chỉ bởi một kẻ thù duy nhất. Kẻ đó tên là Vô Minh. Vì ngu si, vì tăm tối, kẻ mang tên Vô Minh đã chưa từng thấy được trời xanh, mây trắng, chưa từng nghe được gió chiều hát khúc thương yêu, chưa từng biết tận hưởng quà tặng tuyệt vời mà bông hoa ven đường đang trân trọng hiến dâng ……

Thế nên, những kẻ vô minh đó đã ngỡ cái vô thường là thường, vô ngã là ngã, khổ đau là lạc thú, quay cuồng là yên tịnh. Chính vì bị tam thược ràng buộc nên kẻ vô minh đã sợ hãi, đã cuồng loạn vơ vét ảo vọng, vùi dập, tàn phá những gì trên đường chúng đi. Chúng đã biến quê cha đất mẹ thành nhà tù vĩ đại, biến đồng bào ruột thịt thành những tù nhân không bản án, biến đồng xanh thành cỏ dại, biến cánh bướm mùa hè thành sâu mọt mùa đông. Chúng không ngại mà hiện nguyên hình Vô Minh vì đang có quyền sinh sát trong tay. Nhưng thương thay, quyền sinh sát đó là gì? Chúng thường nhìn chặng cuối của đời sống là sự chết mà không biết rằng CHẾT XỨNG ĐÁNG LÀ SỰ SỐNG BẤT DIỆT.

Hởi những ai là nhân chứng suốt thời vô minh tàn độc đó. Hởi những ai đi giữa máu lệ oan khiêng, người ấy thanh thản mà dũng mãnh, thầm lặng mà pháp loa vang dội, áo mỏng chân trần mà làm run rẩy binh đao vì người ấy đang mang hình ảnh thiền sư “thõng tay vào chợ” để cứu độ chúng sinh. Chính hình ảnh bình tâm thanh thản giữa chốn xôn xao đã giúp chúng sinh đang quằn quại thống khổ đạt được hạnh vô úy.
Khi không còn gì để sợ hãi thì dù nơi địa ngục ta vẫn nghe vang dội âm thanh núi rừng hợp tấu bản tình ca vô tận.

Và đó chính là thông điệp đơn giản: “Không sức mạnh nào ngăn nổi âm thanh mênh mông vô tận trên không gian bát ngát. Đó là âm thanh của núi rừng hợp tấu.” Cựu Kim Sơn, Thiền Viện Kim Sơn, một Vịnh, một Đỉnh, một thấp, một cao, một hái ra vàng nén do công bon chen dành dựt mua bán; một an nhiên tự tại, tóc chạm lưng trời, mây trôi vạn nẽo, vân cẩu đổi thay, vô chung vô thỉ.

Mười chín khoá Kỹ Sư Công Nghệ, có thủy có chung, kẻ trong đi ra, người ngoài kéo tới, 50 năm ngẫm lại chẳng hơn gì, gặp nhau hải ngoại thì dễ, gặp nhau tại quốc độ "độc lập, tự do, hạnh phúc" lại khó như tìm lông rùa sừng thỏ.

California, mùa Hè 2006
Đào Hữu Hạnh CN5
Post Reply